Thị trường màu mỡ
Không chỉ là nơi đặt nhiều nhà máy của đối tác sản xuất nhất, Trung Quốc hiện là một trong những thị trường tiêu dùng lớn của Apple. Các sản phẩm của công ty Mỹ nhận sự quan tâm đặc biệt tại đây, bất chấp các thương hiệu trong nước liên tục tung ra các thiết bị tương tự, thậm chí đa dạng hơn về mặt cấu hình hay tính năng.
Theo IDC, Apple bán được 33 triệu iPhone trong giai đoạn từ quý I/2022 đến quý III/2022, tăng 50% so với cùng kỳ 2019. Cứ 5 chiếc iPhone do Apple sản xuất lại có một chiếc được bán ra ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, con số trên vẫn chưa phải là cao. Trong 9 tháng đầu năm, 212 triệu smartphone được bán ra ở Trung Quốc, và Apple chỉ đứng thứ tư khi chiếm 15% thị phần. Doanh thu của Apple tại đây trong giai đoạn tháng 9/2021-9/2022 đạt 74 tỷ USD, tương đương gần 20% doanh thu toàn cầu của hãng.
Giới chuyên gia đánh giá, Apple vẫn còn nhiều "đất" để hoạt động tại Trung Quốc và là lý do chính buộc công ty phải ở lại. "Những người khổng lồ công nghệ của Mỹ như Google, Meta và Amazon đều không có chỗ đứng tại Trung Quốc. Apple là trường hợp duy nhất xâm nhập thành công. Họ phải rất cẩn trọng để không phá vỡ quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, nhất là trong giai đoạn nhạy cảm như hiện nay", Gad Allon, giáo sư tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, nói với CNN.
Lấy lòng Trung Quốc
Thời gian qua, để theo đuổi thị trường Trung Quốc, Apple có nhiều động thái nhượng bộ đối với chính phủ nước này. Năm ngoái, một báo cáo rò rỉ cho thấy CEO Tim Cook đã ký thoả thuận trị giá 275 tỷ USD với Trung Quốc để có thể hoạt động mà không gặp trở ngại. Thoả thuận có từ 2016, kéo dài 5 năm, trong đó Apple đồng ý hỗ trợ Trung Quốc tạo ra các công nghệ sản xuất tiên tiến, sử dụng nhiều linh kiện từ nhà cung cấp trong nước, ưu tiên ký hợp đồng với các công ty phần mềm bản địa, đầu tư trực tiếp vào công nghệ Trung Quốc... cũng như bắt tay nghiên cứu với các trường đại học và đào tạo nhân lực lành nghề cho nước này.
Tại Mỹ, Apple rất gắt gao chuyện mã hóa đầu cuối để chính phủ không thể can thiệp, điển hình là việc từ chối mở khóa tài khoản iCloud của một tội phạm từ FBI. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, công ty đặt máy chủ iCloud tại đây để tuân thủ quy định kiểm soát dữ liệu. Tuy vậy, cũng có trường hợp Apple không nghe theo. Theo Nikkei, công ty Mỹ từ chối dùng chip từ Yangtze Memory Technologies - một công ty do Bắc Kinh hậu thuẫn - trước áp lực từ Washington.
Thương hiệu xa xỉ
Nabila Popal, Giám đốc nghiên cứu của Worldwide Tracker Team, cho biết tốc độ tăng trưởng của Apple tại Trung Quốc rất lớn, đặc biệt nhờ sự thành công của các dòng iPhone từ 12 đến 14. Tuy nhiên, Apple vẫn chỉ là một thương hiệu dành cho số ít khi nhắm vào phân khúc giá cao.
Đối thủ lớn nhất của Apple tại đây từng là Huawei. Nhưng khi công ty chịu ảnh hưởng của lệnh cấm từ Mỹ, người dùng Trung Quốc muốn tìm mua smartphone từ 1.000 USD trở lên không còn lựa chọn nào khác ngoài iPhone.
Trong khi đó, các thương hiệu khác ở Trung Quốc được đánh giá gặp nhiều khó khăn trong việc tiến vào thị trường cao cấp. "Huawei là thương hiệu Trung Quốc đầu tiên rũ bỏ quan niệm rằng điện thoại Trung Quốc chỉ có giá rẻ. Những thương hiệu như Oppo và Xiaomi đã thành công khi phục vụ cho thị trường trung lưu nhưng chưa thể tiến lên phân khúc cao cấp", Popal nêu quan điểm.
Nhưng Apple cũng chưa chắc chắn sẽ kinh doanh suôn sẻ, bởi đây cũng là nơi khó tính, luôn bảo vệ thương hiệu nội địa và sẵn sàng hất cẳng thương hiệu nước ngoài. Vấn đề đã xảy ra với Nike và Adidas. Hai công ty từng bị người dùng Trung Quốc tẩy chay sau khi đưa ra bình luận "tiêu cực về các vấn đề đất nước".
Apple muốn tránh số phận như vậy. Tim Cook từng mạnh miệng chỉ trích Meta hay Google về vấn đề thu thập dữ liệu người dùng, nhưng chưa bao giờ bình luận về chính sách giám sát tại Trung Quốc, thậm chí từng hứa sẽ "tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp và quy định của Trung Quốc", cũng như xóa các ứng dụng vi phạm khi Bắc Kinh yêu cầu. Chính vì vậy, báo chí Mỹ và phương Tây từng chỉ trích Apple "đạo đức giả".
Theo Business Insider, với các lý do trên, Apple khó rời Trung Quốc. "Apple có thể không cần các công xưởng, công nhân, nhà máy tại Trung Quốc, nhưng rất cần người tiêu dùng ở đây", trang này bình luận.
Bảo Lâm