Cuộc đua sản xuất chất bán dẫn trên toàn cầu

12/12/2022, 09:35

Cuộc đua sản xuất chất bán dẫn và chip đang ngày càng nóng trên toàn cầu trong bối cảnh tất cả các nước lớn đều muốn tự chủ và không “chậm chân” trong lĩnh vực này. Theo đó, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) tăng cường năng lực cho ngành bán dẫn, trong khi các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ cũng đang nỗ lực tham gia và khẳng định vị trí của mình trong “sân chơi” quan trọng này.

Tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn trên toàn cầu, do nhu cầu về thiết bị điện tử tiêu dùng tăng cao trong thời kỳ đại dịch, đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng và buộc các nhà sản xuất phải cắt giảm sản lượng, nhất là các hãng sản xuất ô-tô, đồ điện tử. Bởi vậy, tự chủ về công nghiệp bán dẫn đã trở thành vấn đề sống còn với hầu hết các nền kinh tế. Theo đó, trong năm 2022, EU đã đưa ra một kế hoạch trị giá 43 tỷ euro được gọi là Đạo luật chip, nhằm tăng gấp đôi thị phần của châu Âu về chất bán dẫn vào năm 2030 để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ châu Á.

Các nền kinh tế đầu tàu của châu Âu là Đức và Pháp đều đã thể hiện quyết tâm đi tiên phong trong sản xuất chất bán dẫn. Phát biểu bế mạc Hội nghị thượng đỉnh kỹ thuật số vừa diễn ra ở Berlin, Thủ tướng Đức O.Scholz nhấn mạnh Đức muốn trở thành nhà sản xuất chất bán dẫn lớn của châu Âu. Nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh nước này cần phải đi đầu trong việc xây dựng lại ngành sản xuất chất bán dẫn có khả năng cạnh tranh và Đức không nên phụ thuộc vào những nước khác về cơ sở hạ tầng điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI) và viễn thông.

Trước đó, nhà sản xuất chip Infineon của Đức thông báo kế hoạch xây dựng một nhà máy mới trị giá 5 tỷ euro tại thành phố Dresden, miền đông nước này. Nhà máy mới dự kiến khai trương vào mùa thu năm 2026, kỳ vọng tạo ra tới 1.000 việc làm và được cho là sẽ nhận được khoản hỗ trợ thích hợp từ ngân sách công.

Một thành viên EU khác là Pháp cũng đã “bạo tay” chi hàng chục tỷ USD cho kế hoạch France 2030, trong đó chú trọng phát triển ngành bán dẫn. Tổng thống Pháp mới đây đã công bố kế hoạch France 2030 dự kiến đầu tư 54 tỷ euro trong 10 năm tới để hỗ trợ việc thực hiện công nghiệp hóa và đổi mới sáng tạo. Theo báo cáo của Chính phủ Pháp, nước này đã tăng hỗ trợ tài chính cho 810 dự án trong năm 2021, gồm việc xây dựng một nhà máy sản xuất chất bán dẫn, phát triển các công nghệ hydro và sản xuất máy tính lượng tử.

Trong khi đó, Mỹ vẫn tiếp tục đầu tư lớn nhằm duy trì vị trí dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Mới đây, nước Mỹ đã triển khai thực hiện đạo luật trợ cấp sản xuất chip bán dẫn. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp về việc thực hiện đạo luật nghiên cứu và trợ cấp sản xuất chip bán dẫn trị giá gần 53 tỷ USD.

Theo Nhà trắng, sắc lệnh của Tổng thống Biden đặt ra 6 ưu tiên chính để hướng dẫn triển khai và thiết lập một hội đồng thực hiện Đạo luật Khoa học và CHIPS liên ngành gồm 16 thành viên. Ngoài ra, đạo luật cũng sẽ “rót” 200 tỷ USD trong 10 năm để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của Mỹ nhằm cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc. Tổng thống Biden bày tỏ hy vọng đạo luật này sẽ “giúp nước Mỹ giành thắng lợi trong cuộc cạnh tranh về kinh tế trong thế kỷ 21”.

Tháng 10 vừa qua, Tập đoàn công nghệ IBM cam kết đầu tư 20 tỷ USD cho các cơ sở ở bang New York, trong đó tập trung cho những đột phá trong công nghệ bán dẫn, máy tính lớn, máy tính lượng tử và trí tuệ nhân tạo.

Tại châu Á, các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đẩy mạnh đầu tư và hợp tác quốc tế để duy trì vị thế là những nhà sản xuất chip hàng đầu của châu lục và thế giới. Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết nước này sẽ dành nhiều ưu đãi về thuế và hỗ trợ tài chính cho các nhà sản xuất chip bán dẫn trong nước, đồng thời hỗ trợ đào tạo 150.000 chuyên gia trong lĩnh vực này. Cụ thể, đến năm 2029, Hàn Quốc sẽ đầu tư 1.250 tỷ won phát triển ngành bán dẫn trí tuệ nhân tạo (AI) và 1.500 tỷ won để hỗ trợ ngành bán dẫn “Fabless” trong nước (chuyên về thiết kế nhưng không sản xuất chip). Mục tiêu của chính phủ nhằm đưa Hàn Quốc trở thành “siêu cường toàn cầu trong ngành bán dẫn”.

Đáng chú ý là một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ cũng đang tăng tốc và tích cực tham gia “cuộc đua bán dẫn” toàn cầu. Trong bối cảnh Washington tăng cường các biện pháp hạn chế khả năng sản xuất chip tiên tiến của Bắc Kinh, các công ty Trung Quốc đã nỗ lực sản xuất chip nội địa để tránh những gián đoạn do nhà cung ứng nước ngoài và đã đạt được những bước tiến đáng ghi nhận.

Tờ South China Morning Post mới đây cho biết, Công ty chuyên phân tích công nghệ và sở hữu trí tuệ TechInsight cho rằng hãng đúc bán dẫn lớn nhất Trung Quốc là SMIC nhiều khả năng đã có thể sản xuất chip 7 nm tiên tiến. SMIC đang tăng cường công suất đúc và có kế hoạch xây dựng nhà máy thứ tư tại Thiên Tân. Theo dữ liệu từ Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ, Trung Quốc đã chi tới 708 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong năm 2020.

Cùng với Trung Quốc, Ấn Độ cũng tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng chip bán dẫn toàn cầu. Tháng 9 vừa qua, Chính phủ Ấn Độ tuyên bố sẽ hỗ trợ các nhà máy sản xuất chất bán dẫn 50% chi phí xây dựng các cơ sở đóng gói. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đang nỗ lực thu hút vốn đầu tư theo kế hoạch trị giá 10 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất chip bán dẫn và màn hình.

Mới đây, tập đoàn đa lĩnh vực Vedanta của Ấn Độ và tập đoàn công nghệ Foxconn của Đài Loan (Trung Quốc) đã ký thỏa thuận với chính quyền bang Gujarat (miền tây Ấn Độ) về việc đầu tư 19,5 tỷ USD để thành lập các nhà máy sản xuất chất bán dẫn và màn hình.

Giới phân tích nhận định, đến nay, kế hoạch khuyến khích sản xuất chất bán dẫn của Chính phủ Ấn Độ đã thành công khi thu hút được nhiều nhà đầu tư, như Công ty IGSS Ventures của Singapore tuyên bố chi 3,2 tỷ USD để sản xuất chip tại bang Tamil Nadu; NextOrbit của UAE và Tower Semiconductor của Israel ký thỏa thuận xây dựng nhà máy trị giá 2,9 tỷ USD tại bang Karnataka... Chính phủ Ấn Độ cho biết sẽ mở rộng các ưu đãi ngoài kế hoạch 10 tỷ USD ban đầu cho những doanh nghiệp đầu tư sản xuất chất bán dẫn.

Công nghệ bán dẫn và các con chip hiện được xem như “mạch máu trong nền kinh tế hiện đại” và là chìa khóa mở ra đột phá công nghệ trong tương lai. Bởi vậy, cuộc đua bán dẫn giữa các nền kinh tế lớn đang tạo động lực giúp ngành bán dẫn toàn cầu phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên “mặt trái của tấm huy chương” là nếu cuộc cạnh tranh diễn ra không lành mạnh và các nước lớn sử dụng năng lực công nghệ vượt trội của mình để thực hiện “bá quyền công nghệ”, điều này sẽ gây rủi ro cho phát triển kinh tế và cản bước sự phát triển công nghệ vì sự văn minh, tiến bộ của loài người.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO