Giao dịch trực tuyến ngày càng phổ biến
Chị Phương Uyên (ngụ tại Quận 7, TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Từ khi dịch COVID-19, tôi càng thích thanh toán không tiền mặt vì sự tiện lợi không tiếp xúc, có thể thanh toán mọi lúc, mọi nơi và mọi thời điểm. Đặc biệt, các ví điện tử, ngân hàng trực tuyến có nhiều hệ sinh thái tiện ích, rất thuận tiện cho người tiêu dùng”.
Theo các chuyên gia kinh tế, dịch COVID-19 làm một cú hích cho nền kinh tế số phát triển nhanh hơn, thuận lợi hơn khi nhu cầu và xu thế thanh toán không tiền mặt trở nên phổ biến. Theo đó, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phát triển mạnh mẽ khi người dân ngày càng thích ứng với nhu cầu mua sắm trực tuyến.
Thống kê mới đây của Vụ Thanh toán NHNN cũng cho thấy, các dịch vụ ngân hàng trực tuyến (online) như Internet banking, Mobile banking… có tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Hiện cả nước có hơn 80 ngân hàng triển khai dịch vụ Internet banking, 44 ngân hàng có Mobile banking cùng nhiều tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian, trên 90.000 điểm thanh toán QR và gần 300.000 điểm thanh toán POS. Đến nay, thanh toán trực tuyến đã chiếm hơn 40% giao dịch, cá biệt có ngân hàng đạt tỷ lệ hơn 80% tổng số giao dịch; tốc độ tăng trưởng thanh toán qua QRcode năm 2021 đạt tới 200% so với 2020.
Bên cạnh đó, hơn 85% người tiêu dùng Việt Nam đã sở hữu ít nhất một ví điện tử hoặc ứng dụng thanh toán, hơn 42% đã thanh toán không tiếp xúc bằng thiết bị di động. Đặc biệt, 71% người dùng sử dụng ví điện tử hoặc các ứng dụng thanh toán ít nhất một lần mỗi tuần.
Điển hình, trong ngày 15/3, Siêu hội tiêu dùng trên sàn TMĐT Shoppe, số lượng giao dịch qua ví ShopeePay tăng gấp 4 lần trong khi số lượng người dùng ShopeePay tăng hơn gấp đôi so với trung bình ngày thường. Những con số này cho thấy, Việt Nam đang có những bước tiến mạnh mẽ hướng đến xã hội không tiền mặt.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia an ninh mạng cũng cho rằng, song song với sự phát triển của giao dịch thanh toán không tiền mặt là sự gia tăng của các mối nguy lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt thông tin cá nhân, thông tin tài khoản người dùng. Theo đó, việc cập nhật và trang bị những kiến thức cần thiết để làm chủ giao dịch, tránh trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu không chỉ của người tiêu dùng mà còn của chuyên gia, các nhà hoạt động trong lĩnh vực này nhằm thúc đẩy một môi trường tiêu dùng không tiền mặt trong sạch, phát triển.
Nhiều lớp bảo mật không bằng cảnh giác của người dùng
Ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Bảo mật Nam Trường Sơn (NTSS) đánh giá: “Lừa đảo trực tuyến ngày càng nhiều và trở thành "việc làm ăn lớn" của giới tội phạm mạng. Tại Việt Nam, kịch bản và kỹ thuật lừa đảo phổ biến là kẻ xấu dụ nạn nhân bấm vào trang giả mạo, chiếm tài khoản, sau đó lừa bạn bè của họ, hay giả danh công an đòi kiểm tra thông tin cá nhân, lấy mã OTP… Dù được liên tục cảnh báo nhưng vẫn có nhiều người sập bẫy và mất tiền, mất thông tin. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, người dùng cuối là mắt xích yếu nhất và khó nâng cấp nhất của các thành phần trong hệ thống bảo mật. Một khi họ không có ý thức về bảo mật thì hệ thống ngân hàng bảo mật nhất vẫn khó bảo vệ một người dùng sơ suất khi giao dịch online”.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập, Phó chủ tịch ví MoMo cho biết, thời gian gần đây, các hành vi lừa đảo trên môi trường mạng diễn ra ngày càng nhiều với các hình thức liên tục thay đổi và tinh vi hơn. Vì vậy, ý thức bảo vệ tài sản cá nhân (bao gồm tài khoản ngân hàng, ví điện tử) trong môi trường số ngày càng trở nên quan trọng hơn. Tuy nhiên, bên cạnh các lớp bảo mật của ngân hàng, ví điện tử, bản thân người dùng cũng phải nâng cao cảnh giác để tránh mất tiền oan.
“Hiện nay, bên cạnh liên tục cập nhật, sử dụng các công nghệ bảo mật và áp dụng hệ thống phòng chống gian lận, MoMo liên tục khuyến cáo tuyệt đối không click vào link lạ, không cung cấp OTP/mật khẩu cho bất kỳ ai để tránh mất tiền. Đồng thời, liên tục cung cấp các thông tin để nỗ lực bảo vệ người dùng và giúp người dùng nhận diện những thủ đoạn lừa đảo mới nhất thông qua các tin tức cập nhật trên các kênh truyền thông của MoMo và báo đài. Trong thời gian tới, MoMo sẽ có những chiến dịch để đẩy mạnh, giúp người dùng tăng cường nhận thức về kiến thức an toàn bảo mật thông tin cá nhân và nâng cao ý thức bảo vệ tài sản trong giao dịch trực tuyến”, ông Nguyễn Bá Diệp chia sẻ thêm.
“Dưới góc nhìn của chúng tôi, sàn thương mại điện tử – ví điện tử – ngân hàng liên kết đều là những đơn vị lưu trữ những thông tin quan trọng của khách hàng khi tham gia thực hiện giao dịch mua bán hàng hoá và thanh toán trực tuyến. Vì vậy, trong ngắn hạn, các bên phải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn bảo mật khi kết nối với nhau như mã hoá đường truyền, đảm bảo toàn vẹn dữ liệu trên đường truyền… Còn về dài hạn, các bên đều cần thường xuyên rà soát, tuân thủ các quy định của cơ quan quản lý, cũng như có kênh trao đổi, chia sẻ thông tin để kịp thời phối hợp xử lý sự cố, bảo vệ khách hàng”, bà Trương Cẩm Thanh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần ZION, đơn vị chủ quản của ví điện tử ZaloPay chia sẻ thêm.
Cũng theo bà Trương Cẩm Thanh, với ZaloPay, việc đảm bảo an toàn trong các giao dịch cho khách hàng luôn là chiến lược được ưu tiên hàng đầu. Cụ thể, đơn vị liên tục chuẩn hóa hạ tầng và các quy trình bảo mật an toàn thông tin theo chuẩn quốc tế, đồng thời ứng dụng công nghệ AI trong phục vụ khách hàng để cùng lúc đạt được 2 mục tiêu: vừa đảm bảo an toàn trong giao dịch thanh toán vừa mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.