‘Rủ nhau’ tìm đến cái chết
Thời gian gần đây, rất nhiều những hội nhóm tiêu cực, độc hại đã xuất hiện tràn ngập facebook. Điều đáng nói, những thành viên trong các hội nhóm này liên tục đăng tải các bài viết liên quan đến hành vi muốn tự tử, thậm chí rủ nhau cùng kết liễu cuộc đời vì quá chán nản.
Chỉ cần gõ từ khóa "tự tử", hàng loạt các nhóm như “Cộng Đồng Những Người Bị Trầm Cảm, Rối Loạn Lo Âu, Muốn Tự Tử”; “Hội những người muốn tự tử”; “Hội người chán sống Việt Nam”… sẽ hiện ra.
Các hội nhóm kín có số lượng thành viên từ vài ngàn người đến cả vài chục ngàn người tham gia, bàn luận sôi nổi về các chủ đề liên quan đến trầm cảm, rối loạn lo âu, chán sống,…Hầu hết các tài khoản tham gia những nhóm kín này đều ẩn danh, biến đây thành nơi giao lưu, chia sẻ những thông tin tiêu cực, chán chường.
Thậm chí, nhiều tài khoản còn thường xuyên đăng tải những bài viết chán sống, tìm cách tự tử và sẵn sàng lôi kéo những người khác tham gia.
Trong một bài đăng ngày 28/3, thành viên Phan Văn Trọng đăng tải: “Chào mọi người. Hôm nay mọi người thế nào. Còn mình thì rất tồi tệ. Bế tắc. Mình muốn tự giải thoát cho bản thân. Chấm dứt tất cả…”. Bài viết nhanh chóng nhận đuợc nhiều lượt like và bình luận.
Trước đó, ngày 24/3, thành viên Đức Hải cũng đặt câu hỏi: “Có cách nào biến mất khỏi thế giới mà người ở lại không đau buồn không ạ”. Tương tự, tài khoản có tên Phong Lương Hoàng cũng thắc mắc: “Chết bằng gì ít đau nhất vậy mọi người?”. Câu hỏi nhận về hàng trăm lượt bình luận chỉ sau vài ngày.
Điều đáng nói, các bài viết bày tỏ sự chán sống, rủ nhau cùng tự tử chung xuất hiện nhan nhản. Bên dưới phần bình luận, các comment tiêu cực cũng xuất hiện dày đặc, bày đủ mọi cách để “ra đi” nhẹ nhàng như dùng thuốc ngủ, nhảy xuống sông, hoặc dùng xăng đốt…
Ngoài những bài viết bàn luận đến chủ đề tự tử, các thành viên cũng thường xuyên chia sẻ những câu chuyện cá nhân, gia đình…mang đầy sự tiêu cực nhằm tìm kiếm sự chia sẻ, người tâm sự.
Trong số đó, cũng không ít những thành viên tuổi đời còn rất trẻ đã bày tỏ ý định muốn chết chỉ vì thầy cô cho điểm kém, bố mẹ không hiểu mình…
“Bẫy” thao túng tâm lí
Trả lời Đại Đoàn Kết Online, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) cho rằng, những hội nhóm trên facebook thường xuyên chia sẻ thông tin liên quan đến việc tự tử, độc hại hoàn toàn không phù hợp với nguyên tắc trong bộ nguyên tắc ứng xử trên mạng, đồng thời vi phạm những điều khoản trong Luật An ninh mạng. Đây là những hành vi không hợp pháp và hoàn toàn có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, những hội nhóm này vẫn phát triển trên không gian mạng, thậm chí thu hút một lượng rất lớn các thành viên tham gia với việc lập nên nhiều hội nhóm nhỏ khác.
Nói về nguyên nhân các nhóm độc hại nhan nhản xuất hiện trên mạng xã hội, chuyên gia tâm lí cho rằng, một phần do chúng ta đang phát triển nền kinh tế số, những thể chế về mặt pháp luật giám sát chưa chặt nên một bộ phận có ý thức xã hội kém, thiếu hiểu biết pháp luật đã lợi dụng tâm lí để tạo ra các nhóm độc hại này.
Bên cạnh đó, bộ phận lớn những thanh niên không được giáo dục về những giá trị tích cực, họ thấy những nhóm này phù hợp với giá trị bên trong mình nên sẵn sàng tham gia, bàn luận…Dẫn đến những nhóm độc hại này liên tục phát triển về số lượng thành viên, bỗng dưng có “quyền lực” và cách thức thao túng tâm lí người khác.
Cơ chế để phát hiện, giám sát và xử lí tất cả những hội nhóm này theo đánh giá của chuyên gia hiện còn đang gặp rất nhiều hạn chế, tuy nhiên hệ luỵ thì có thể thấy rất rõ. Nhiều trường hợp tự tử đã được ghi nhận với số lượng ngày càng gia tăng, đặc biệt ở những người có tuổi đời còn rất trẻ.
Chiến thuật “bước một chân vào cánh cửa” được các hội nhóm này sử dụng kết hợp cùng tâm lí đám đông đã thao túng tâm lý của nhiều nạn nhân đang trong trạng thái tiêu cực, bất ổn dẫn đến những hậu quả đáng buồn.
Các hội nhóm này tồn tại với mục đích gì? Cách thức hoạt động ra sao và cần làm gì để chuẩn bị tâm lí vững vàng, không “sa chân” vào các hội nhóm này?
(còn nữa)