Nhà sản xuất chip Micron của Mỹ xác nhận đóng cửa bộ phận thiết kế DRAM tại Thượng Hải vào cuối năm 2022. Nguồn tin trong ngành tiết lộ vài người cốt cán trong 150 kỹ sư Trung Quốc sẽ được điều chuyển sang Mỹ hoặc Ấn Độ.
Memory chip của Micron trưng bày trong một triển lãm công nghiệp tại Đức. (Ảnh: Reuters) |
Trong tuyên bố đưa ra hôm 26/1, Micron nói rằng nhóm kỹ sư DRAM sẽ “rời Trung tâm Thiết kế Thượng Hải”, quá trình dự kiến hoàn thành trước tháng 12/2022. Phần còn lại của bộ phận không bị ảnh hưởng. Micron hiện đang tuyển dụng khoảng 43.000 nhân viên trên toàn cầu. Theo công ty, động thái nhằm tập trung vào “công nghệ NAND đầu ngành tại Trung tâm Thiết kế Thượng Hải”. DRAM – viết tắt của bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động – là một loại bộ nhớ phổ biến được dùng trong máy tính, còn NAND – bộ nhớ điện tĩnh flash – thường dùng trong bộ nhớ flash.
Dù vậy, nhân viên và các chuyên gia trong ngành nhận định quyết định của Micron nhằm ngăn chặn tình trạng “chảy máu” nhân tài và rò rỉ công nghệ sang các đối thủ tại Trung Quốc. Một nhân viên Micron giấu tên cho hay, kế hoạch được thông báo nội bộ từ tháng 12/2021, nguyên nhân do “mất mát bí quyết kỹ thuật khi một số nhân viên và ban quản lý cũ chuyển sang các hãng công nghệ lớn” trong nước.
Bên cạnh đó, người này cho rằng quan hệ đối địch giữa công nghệ Mỹ và Trung Quốc cũng có vai trò. Tuy nhiên, Micron phủ nhận và khẳng định vẫn cam kết gắn bó với Trung tâm Thiết kế Thượng Hải, nơi tiếp tục sản xuất bộ nhớ SSD.
“Trung Quốc là thị trường quan trọng đối với Micron nói riêng và thị trường bán dẫn nói chung, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào nhân tài và tăng cường sức mạnh hoạt động tại các cơ sở Trung Quốc”, Micron nói.
Một số nhân viên trong nhóm DRAM Thượng Hải có thể xin chuyển sang Mỹ hoặc Ấn Độ. Chẳng hạn, Zheng Hua – cựu Giám đốc cấp cao Trung tâm Kỹ thuật Thượng Hải Micron – thông báo sẽ chuyển đến bộ phận Atlanta (Mỹ) với tư cách trưởng nhóm. Micron hiện có các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Italy, Trung Quốc, Ấn Độ và Đức.
Wang Li Fu, nhà phân tích của hãng tư vấn bán dẫn ICWise, nhận xét việc đóng cửa trung tâm thiết kế Thượng Hải “có thể là biện pháp phòng vệ” rò rỉ công nghệ. Nhiều công ty chip Mỹ đã chọn cách đưa nhóm thiết kế ra khỏi Trung Quốc, Micron chỉ đơn giản làm theo.
Còn theo Chen Rang, nhà đầu tư lâu năm trong ngành bán dẫn Trung Quốc, nhóm Thượng Hải của Micron đã mất hơn 1/3 trong số 300 nhân viên. Với việc các hãng thiết kế chip bản địa tiếp cận nhân viên Micron bằng gói lương, thưởng hậu hĩnh, động thái của Micron không hề bất ngờ. Doanh nghiệp chip ngày càng tích cực “câu” nhân viên đối thủ hơn do nhu cầu người tài tăng đột biến.
Trong báo cáo kinh doanh tháng 9/2021, Micron từng nhắc đến việc Trung Quốc hậu thuẫn các nhà sản xuất DRAM nội địa có thể cản trở tăng trưởng của Micron tại đây. Ngoài áp lực cạnh tranh, Micron còn là mục tiêu trong cuộc điều tra năm 2018 của nhà chức trách nước này vì hành vi hối lộ và phản cạnh tranh khác. Hãng cũng bị kiện với cáo buộc vi phạm bản quyền.
Năm 2018, Bộ Tư pháp Mỹ đệ trình cáo trạng chống lại startup DRAM Fujian Jinhua của Trung Quốc, cáo buộc công ty đánh cắp bí mật thương mại của Micron. Sau đó, Washington cho startup vào sổ đen, đẩy nó đến tình trạng phá sản vì không thể mua công cụ sản xuất chip của nước ngoài.
Micron đang sản xuất DRAM tại Đài Loan, Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Malaysia, Trung Quốc. Không rõ việc đóng cửa trung tâm thiết kế Thượng Hải có ảnh hưởng đến dây chuyền DRAM và cơ sở kiểm thử tại Tây An hay không.
Du Lam (Theo SCMP)