Cuộc chiến chưa có hồi kết
Trong một hội thảo về công nghệ tổ chức tại Lisbon, một số đại biểu đã được giới thiệu và nói chuyện với trợ lý ảo có tên David. Mọi chuyện bắt đầu trở nên lạ lùng khi David cho biết suy nghĩ về vắc xin, gồm toàn những thông tin sai lệch, thậm chí còn khẳng định vắc xin đôi khi còn nguy hiểm hơn cả chính những bệnh dịch mà nó nhằm ngăn chặn.
Những nhà phát triển của David cho biết họ có kế hoạch thêm các bộ lọc chủ đề nhạy cảm cho sản phẩm của mình. Nhưng khoảnh khắc trợ lý ảo này trả lời câu hỏi của các đại biểu, đã cho thấy con người sẽ dễ dàng gặp phải nội dung xúc phạm hoặc gây hiểu lầm như thế nào trong vũ trụ ảo “metaverse”, và việc kiểm soát là không hề dễ dàng.
Các hãng công nghệ như Apple, Microsoft và Meta (công ty mẹ của Facebook) đang đua nhau xây dựng thế giới trải nghiệm nhập vai kỹ thuật số, mà nhiều người cho rằng thế giới này sẽ thay thế một phần nào đó tương tác giữa người với người.
Dù công nghệ này mới chỉ ở giai đoạn sơ khai nhưng các nhà quan sát đã cảnh báo những thách thức, vốn đang tồi tệ trên các nền tảng xã hội, sẽ càng trở nên kinh khủng hơn ở các thế giới của thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR).
Chính sách lỏng lẻo của các công ty công nghệ liên quan các nội dung kích động, đặc biệt là hàng ngàn trang tài liệu nội bộ của Meta, đã cho thấy các thuật toán mà nền tảng mạng xã hội khổng lồ Facebook sử dụng làm lan truyền các thông tin sai lệch như thuyết âm mưu, ngôn ngữ kích động hận thù và bạo lực.
“Dù đã đổi tên công ty, nhưng Meta vẫn cho phép người dùng lan truyền các thông tin sai lệch trên các ứng dụng của mình”, ông Alex Cadier, Giám đốc quản lý News Guard tại Anh, chia sẻ. “Nếu công ty không thể kiểm soát hiệu quả các thông tin độc hại trên các nền tảng như Facebook và Instagram, việc này càng trở nên bất khả thi trên metaverse”.
Ban lãnh đạo Meta khẳng định công ty sẽ tính toán tới cả vấn đề bảo mật và an toàn của người dùng trong phát triển nền tảng, và thế giới ảo thế hệ tiếp theo sẽ không chỉ là độc quyền của Meta, mà còn là môi trường làm việc chung của các kỹ sư, nhà sáng tạo và công ty công nghệ khác nhau.
“Trước đây, tốc độ của công nghệ mới khiến chính sách và quy định pháp luật nhiều khi phải chạy theo sau”, Nick Clegg, Phó chủ tịch quan hệ toàn cầu của Meta, phát biểu. “Nhưng giờ đây, còn nhiều năm nữa metaverse mà chúng ta hình dung mới có thể được hiện thực hoá”.
Các hành vi độc hại sẽ tiếp diễn
VR và AR mở ra khả năng trải nghiệm thế giới theo những cách trước đây chỉ tồn tại trong mơ. Các công ty có thể tổ chức cuộc họp trên các phòng họp kỹ thuật số, nơi các nhân viên ở các địa điểm khác nhau nhưng vẫn có cảm giác đang cùng chung một vị trí. Những người bạn có thể chọn hình ảnh đại diện, cùng nhau “dịch chuyển tức thời” đến buổi hòa nhạc, lớp tập gym hay chơi trò chơi 3D.
Nhưng các chuyên gia cũng cho rằng, cùng với những nội dung bổ ích, thì các content độc hại cũng có cơ hội nảy nở. Cảm giác thực tế của các trải nghiệm VR có thể trở thành vũ khí nguy hiểm trong tay những kẻ xấu với âm mưu kích động thù hận, bạo lực và khủng bố.
“Các tài liệu bị tiết lộ của Facebook cho thấy nền tảng này có thể trở thành công cụ chủ chốt của những kẻ tuyển dụng khủng bố cực đoan, và metaverse sẽ càng khiến bạo lực dễ dàng được lan truyền hơn”, Karen Kornbluh, giám đốc Quỹ đổi mới kỹ thuật số và là cựu đại sứ Mỹ tại Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), cho biết.
Việc lạm dụng vốn đã xuất hiện trên các sản phẩm VR. Người sử dụng nền tảng VRChat (thế giới ảo trực tuyến cho phép người dùng tương tác với người khác bằng hình đại diện 3D) cho biết họ thường xuyên gặp phải tình trạng phân biệt chủng tộc, kỳ thị đồng tính và người chuyển giới. Một số thế giới ảo còn tràn ngập hình đại diện của Hitler và KKK (tổ chức kỳ thị chủng tộc).
Từ năm 2018, VRChat tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề “một số người dùng có các hành vi thiếu tôn trọng hoặc độc hại” thông qua nhóm kiểm duyệt liên tục. Tuy nhiên, nhiều năm sau, vấn đề này vẫn còn đó. Người dùng có thể tắt tiếng hoặc chặn âm thanh của những người dùng độc hại, nhưng tần suất hành vi xấu xuất hiện là quá lớn.
Các hãng truyền thông xã hội như Meta, Twitter và YouTube chủ yếu dựa vào hệ thống trí thông minh nhân tạo (AI) để rà soát hình ảnh, văn bản và video có dấu hiệu vi phạm. Một số hệ thống có chức năng tự động xóa bài vi phạm, trong khi số khác có thể dán nhãn hoặc giới hạn lượt xem đối với nội dung xấu.
Theo giáo sư Andrea Emilio Rizzoli, giám đốc Viện trí tuệ nhân tạo Dalle Molle (Thuỵ Sỹ), việc vũ trụ ảo metaverse có thể trở thành không gian an toàn hay không phụ thuộc vào việc các công ty “đào tạo” AI, công nghệ có thể phát hiện và gỡ bỏ nội dung xấu nhưng đồng thời cũng có khả năng khuếch đại thông tin sai lệch.
Các chuyên gia cũng cho rằng metaverse sẽ ảnh hưởng tới sự riêng tư của người dùng. Ví dụ như việc những người đeo kính AR phát triển bởi Snap và Meta có thể vô tình lưu giữ chi tiết những người khác xuất hiện quanh họ hoặc tình trạng người dùng bị theo dõi lén lút trên thế giới ảo.
“Trong thế giới vật lý, bạn sẽ phải làm thêm một số việc để theo dõi một ai đó. Nhưng trên thế giới ảo, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn”, Neil Chilson, nghiên cứu viên cấp cao về đổi mới và công nghệ tại Viện Charles Koch, cho biết.
Quản lý mạng xã hội từ trước tới nay là bài toán không hề dễ dàng với cơ quan chức năng. Với sự xuất hiện của metaverse, các nhà quản lý toàn cầu cần có những quy định mới về quyền riêng tư, kiểm duyệt nội dung cũng như các vấn đề khác nữa để đảm bảo không gian kỹ thuật số an toàn hơn với người dùng.
Vinh Ngô(Theo Bloomberg)