Trong nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành tháng 4-2021 về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, du lịch là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu. Thời gian qua, chính quyền và doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không ngừng nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong việc kết nối, phục vụ du khách.
Chọn du lịch thông minh
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, cho biết để hiện thực hóa nghị quyết của Tỉnh ủy Quảng Nam về chuyển đổi số, sở đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025 và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thuê dịch vụ CNTT hệ thống phần mềm du lịch thông minh cho ngành du lịch tỉnh Quảng Nam. Hệ thống bao gồm cổng thông tin du lịch, bản đồ số du lịch, ứng dụng trên thiết bị di động, hệ thống phân tích phản hồi về du lịch Quảng Nam từ mạng xã hội… "Từ vài năm trước, ngành du lịch Quảng Nam đã nghĩ đến chuyển đổi số trong ngành, nhất là số hóa và ứng dụng CNTT, hướng đến du lịch thông minh. Lần này, qua tác động của đại dịch Covid-19, vấn đề này càng quan trọng, cần triển khai ngay. Hơn nữa, thế giới đã và đang ứng dụng chuyển đổi số mạnh cho nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch" - ông Hồng chia sẻ.
Du khách thăm phố cổ Hội An
Trong năm 2022, đơn vị tiếp tục tập trung thực hiện số hóa dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch, DN lữ hành, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú, các khu, điểm du lịch, các di tích danh thắng… trên địa bàn tỉnh; xây dựng nền tảng hệ thống du lịch thực tế ảo trên bản đồ số và công nghệ VR360 đối với các khu, điểm du lịch, di tích danh thắng do nhà nước quản lý, đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách khi đến với Quảng Nam.
Ông Nguyễn Sơn Thủy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, khẳng định áp dụng CNTT là một trong những giải pháp quan trọng để phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, ông cho rằng trong đợt dịch vừa rồi, việc ứng dụng CNTT chưa đạt như mong muốn của người dân và nhà nước. Đặc biệt, trong ngành du lịch việc áp dụng càng yêu cầu sự thống nhất cao, duy nhất cổng thông tin khai báo, nhằm hạn chế sự phiền phức cho khách hàng, dễ dàng cho đơn vị cung cấp dịch vụ, thuận lợi trong việc kiểm tra, giám sát khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.
Doanh nghiệp vào cuộc
Hiện nay, các DN du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số để phục vụ tốt hơn cho du khách, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, càng ít tiếp xúc trực tiếp càng tốt. Bà Hoàng Lê Phương Linh - đại diện khu nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An (huyện Thăng Bình) - cho hay về sản phẩm và dịch vụ, Vinpearl liên tục nâng cấp trải nghiệm của du khách với những tính năng ưu việt của công nghệ và trí tuệ nhân tạo. "Chúng tôi đã kết hợp với Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn VinBigdata của Tập đoàn Vingroup cho ra mắt ứng dụng "Quản gia thông minh" - Smart Butler để hỗ trợ tư vấn, giải đáp thắc mắc. Khách hàng có thể dùng ứng dụng này để ra lệnh bằng giọng nói cho các tác vụ như hỏi đáp thông tin nhà hàng, khu vui chơi - giải trí, nhận các thông báo từ Vinpearl" - bà Linh chia sẻ.
Ông Steve Wolstenholme, Tổng Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch khu nghỉ dưỡng Hoiana (huyện Duy Xuyên), nói việc Quảng Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19 trong thời gian qua tạo điều kiện thuận lợi cho việc khôi phục du lịch. Tại Hoiana, DN đã tạo ra một "bong bóng an toàn" bằng cách cung cấp dịch vụ ăn nghỉ tại chỗ cho hầu hết nhân viên. Tháng 9 vừa qua, Hoiana khởi động chương trình Hoiana beSafe nhằm củng cố các tiêu chuẩn an toàn, đưa ra các biện pháp toàn diện để bảo đảm sức khỏe và sự an toàn của khách hàng, đối tác và nhân viên. Trong đó, việc khử khuẩn và làm sạch thường xuyên được thực hiện ở tất cả khu vực. Tất cả khách và nhân viên được yêu cầu nộp bản khai sức khỏe trực tuyến hợp lệ khi vào khu nghỉ dưỡng, camera nhiệt được đặt ở lối vào để nhân viên an ninh có thể kiểm tra nhiệt độ của toàn bộ khách hàng và nhân viên mà không cần tiếp xúc, việc đặt phòng, check-in, thanh toán cũng thông qua hình thức trực tuyến.
Ông Hoàng Quốc Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch - Tổng cục Du lịch, nhìn nhận trước tác động của dịch Covid-19, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số là một trong những giải pháp cốt lõi giúp ngành du lịch chuyển đổi trạng thái một cách hiệu quả. Ông đề nghị tỉnh Quảng Nam bố trí nguồn lực tương xứng cho ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong du lịch. Đẩy mạnh cơ chế hợp tác công - tư, huy động nguồn lực xã hội hóa, tăng cường hợp tác quốc tế, tổ chức đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyển đổi số. Hỗ trợ các DN và khách du lịch kết nối nhau thông qua xây dựng nền tảng số…
Ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn cho du khách
Theo ông Hoàng Quốc Hòa, để góp phần bảo đảm du lịch an toàn trong bối cảnh dịch bệnh, từ tháng 10-2020, Tổng cục Du lịch đã cho ra mắt ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn để phục vụ khách du lịch. Đặc biệt, để phục vụ thí điểm đón khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, Tổng cục Du lịch đã chủ động xây dựng hệ thống chứng nhận sổ tiêm chủng vắc-xin (tại địa chỉ https://travelpass.tourism.vn/) và cũng đã tích hợp lên ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn. Hệ thống này được xây dựng tương thích với tiêu chuẩn Liên minh châu Âu, tạo cho khách một mã QR duy nhất trong suốt hành trình du lịch, lưu trữ các thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, di - biến động của khách, giúp kiểm soát và bảo đảm hoạt động du lịch an toàn, có thể truy vết và xử lý khi có tình huống phát sinh.