Với mục tiêu giảm xe ô tô đi vào nội đô nhằm giải quyết ùn tắc, ô nhiễm môi trường, Sở GTVT Hà Nội vừa cùng với đơn vị tư vấn xây dựng xong phương án 87 trạm thu phí phương tiện vào nội đô.
Theo Đề án quản lý xe cá nhân, đến năm 2030 Thủ đô sẽ dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành, nhưng do số lượng ô tô hiện nay đang tăng cao hơn cả xe máy, mỗi năm thêm 10,2%, nên việc đưa ra phương án thu phí vào nội đô để giảm lượng ô tô trong khu vực trung tâm là rất cần thiết.
Theo đơn vị tư vấn, nội dung quan trọng nhất của đề án là khảo sát, lên phương án lập các trạm thu phí xe ô tô vào nội đô. Cụ thể, sau một thời gian thực tế, tính toán và làm việc với các sở, ngành, đơn vị có trách nhiệm, đơn vị tư vấn đã đưa ra 87 vị trí để lập trạm thu phí xe vào nội đô.
Theo cơ quan tư vấn xây dựng đề án, giải pháp thu phí xe các nhân vào nội đô nhằm mục đích hạn chế phương tiện giao thông đi vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông. Giải pháp này được nhiều nước trên thế giới, trong khu vực áp dụng có hiệu quả, nhưng với nước ta vẫn là một vấn đề mới.
Phương án thu phí xe vào nội độ có ba giai đoạn. Theo đó từ năm 2021 – 2025 nghiên cứu, hoàn thiện đề án và các điều kiện triển khai thu phí.
Từ năm 2025 - 2030 xây dựng dự án và tổ chức thí điểm thực hiện thu phí điểm tại một số vị trí, sau đó có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm.
Từ năm 2030 xây dựng dự án và bổ sung các điểm thu phí theo danh sách để dần khép kín vành đai thu phí theo mục tiêu của đề án.
Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với PV Nhà báo và Công luận, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, việc thu phí nội đô để giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường Thủ đô là cần thiết trong bối cảnh ùn tắc khu vực nội đô ngày càng trầm trọng.
Theo ông Liên, việc này không mới, các nước trên thế giới cũng đã làm và ở nước ta trước đó TP HCM cũng đã đặt đơn vị tư vấn xây dựng đề án này nhưng không thành công, Hà Nội cách đây vài năm cũng đã đề xuất.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, lý do đến nay chưa thực hiện được việc này là do quy hoạch đường phố ở Hà Nội chưa ổn định, theo đề án mới có rất nhiều đường, nhiều cầu. Cho nên cần phải tiếp tục làm và quy hoạch lại những điểm dừng, đỗ, đón và thu tiền...
Ngoài ra, về trình độ công nghệ, các chuyên gia, các ngành nghề chưa theo kịp đề án thành phố thông minh, các thành tựu khoa học công nghệ trong đó có thu phí.
"Thời buổi này lập mấy chục trạm thu phí là đi ngược chủ trương về vấn đề phát triển công nghệ 4.0, sử dụng lao động một cách lãng phí. Nếu áp dụng công nghệ thu phí trực tiếp qua các trạm thu phí không những không giải quyết được ùn tắc giao thông mà có thể lại gây ùn tắc thêm... Lập các trạm thu phí là công nghệ rất lạc hậu mà phải tiến tới thu phí bằng công nghệ khác".
Cũng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, Thành phố cũng như cả nước cần sớm áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành giao thông; phương tiện ra vào nội đô đều được giám sát bằng hệ thống camera và thu phí tự động để tránh gây ùn tắc tại các trạm thu phí.
"Một tài xế nhận xe chở khách đi sân bay, chỉ cần trên xe có hệ thống giám sát, thẻ thu phí, xe chạy đến đâu tiền thu vào đến đấy, hay như ở các nước thực hiện phân luồng, luồng tốc độ cao, tốc độ thấp, đi vào đoạn nào thì tự động thu phí tương đương với giá của đoạn ấy", ông Liên lấy ví dụ.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: Điều kiện cần và đủ thì chưa đủ, cho nên cần phải đợi thời gian, và cần cận thận, nghiên cứu hết sức chặt chẽ và khoa học.
Hà Nội phải dành quỹ đất làm các bãi đỗ xe tại các tuyến đường vành đai, cũng như bố trí mạng lưới giao thông công cộng thuận tiện để phục vụ người dân ngoại thành, ngoại tỉnh khi vào nội đô có thể gửi xe, đi lại thuận tiện bằng giao thông công cộng.
"Không phải 2025 mà 2030 mới thực hiện áp dụng được. Khi đó cơ sở hạ tầng phát triển, mạng lưới giao thông công cộng thuận tiện để phục vụ người dân như, xe bus, taxi, đường sắt trên cao... đảm bảo giảm bớt mất độ phương tiện lưu thông trên đường, ùn tắc giao thông, phải có thời gian chuẩn bị cho tốt", ông Bùi Danh Liên cho hay.
Đề án quản lý xe cá nhân với tầm nhìn đến 2030 đã được HĐND TP Hà Nội thông qua tháng 7/2017, thời gian qua Sở GTVT Hà Nội đã giao cho đơn vị tư vấn xây dựng đề án thành phần có tên “Đề án thu phí phương tiện vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường để hạn chế xe cơ giới đi vào” (Đề án thu phí phương tiện vào nội đô). Hiện đơn vị tư vấn đã có báo cáo kết quả xây dựng đề án với Sở GTVT. |
Minh Chí