Lào Cai đưa toàn bộ sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử

12/02/2022, 11:09

Đây là một trong số 23 mục tiêu quan trọng mà Lào Cai sẽ ưu tiên nguồn lực triển khai theo Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai năm 2022 vừa được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.

Lao Cai dua toan bo san pham OCOP len san thuong mai dien tu hinh anh 1Sản phẩm mận Tam Hoa Bắc Hà của Lào Cai. (Ảnh: TTXVN)

Năm 2022, Lào Cai phấn đấu đưa toàn bộ sản phẩm OCOP (chương trình "mỗi xã, phường một sản phẩm") lên các sàn thương mại điện tử; tỷ lệ doanh nghiệp, hợp tác xã, gia đình có sản phẩm OCOP được tạo gian hàng số và có tài khoản thanh toán điện tử đạt 50%.

Đây là 2 mục tiêu kinh tế số trong số 23 mục tiêu quan trọng mà Lào Cai sẽ ưu tiên nguồn lực triển khai theo Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai năm 2022 vừa được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.

Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai năm 2022 đặt ra 67 mục tiêu về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số nhằm tạo cơ sở cho các sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Có 23 mục tiêu quan trọng để ưu tiên nguồn lực triển khai và 44 mục tiêu khác. Tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh năm 2022 là gần 248 tỷ đồng, từ vốn ngân sách Nhà nước.

Trong xây dựng chính quyền số, hiện Lào Cai đạt 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Năm 2022, tỉnh phấn đấu đưa tỷ lệ khối lượng công việc của hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý từ 10% (năm 2021) lên 30%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến từ 60% (năm 2021) lên 65%...

Đối với lĩnh vực kinh tế số và xã hội số, năm 2022, Lào Cai phấn đấu 9/9 số lượng địa phương cấp huyện xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và quản lý tích hợp hệ thống thông tin đất đai, đưa vào quản lý, vận hành, cập nhật khai thác thông tin trên môi trường mạng.

Tỉnh đặt mục tiêu tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 90%, tăng 30% so với năm 2021; tỷ lệ trường học, bệnh viện áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt đạt 50%, tăng 25% so với năm 2021...

Để đảm bảo thực hiện các mục tiêu trên, trong năm 2022, tỉnh thực hiện 3 giải pháp trọng tâm đó là phát triển nền tảng cho chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số và phát triển kinh tế và xã hội số. 

Đối với việc phát triển nền tảng cho chuyển đổi số, Lào Cai chú trọng chuyển đổi nhận thức bằng cách tổ chức các chuyên đề phổ biến kiến thức về chuyển đổi số và nâng cao kiến thức, nghiệp vụ quản lý nhà nước trên nền tảng chuyển đổi số cho các cấp lãnh đạo từ cấp tỉnh đến cấp xã.

Tỉnh sẽ xây dựng chính sách thu hút, ưu đãi, đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số; chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh chuyển đổi số; chú trọng hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ; thương mại điện tử; phát triển thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa; xây dựng các xã nông thôn mới thông minh…

Nhằm xây dựng chính quyền số, tỉnh sẽ phát triển hệ thống thông tin báo cáo kết nối với Chính phủ, phục vụ chỉ đạo điều hành thông suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến cấp xã theo hướng không dùng báo cáo giấy, trao đổi dữ liệu theo thời gian thực; nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm giám sát, điều hành thông minh của tỉnh; triển khai thí điểm hệ thống thông tin họp không giấy tờ đối với các sở, ban, ngành và Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

Thực hiện giải pháp phát triển kinh tế và xã hội số, trong năm 2022, Lào Cai sẽ chuyển đổi số cho các chợ Cốc Lếu (thành phố Lào Cai), Sa Pa và Bắc Hà gắn với xây dựng chợ văn minh; triển khai ứng dụng app công dân (công dân số) trên phạm vi toàn tỉnh; tích hợp các dịch vụ thiết yếu vào cổng dịch vụ công của tỉnh và ứng dụng app công dân (công dân số Lào Cai)./.

Hương Thu (TTXVN/Vietnam+)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO