Lạng Sơn: Triển khai đồng bộ, hiệu quả ứng dụng công nghệ phòng, chống Covid-19

03/09/2021, 10:32

Là một tỉnh miền núi nhưng tỉnh Lạng Sơn được đánh giá nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có kết quả tốt nhất ứng dụng công nghệ phòng, chống Covid-19. Các công nghệ được ứng dụng trong phòng chống Covid-19 tại Lạng Sơn đều được triển khai nhanh chóng, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở.

Dẫn chứng cho điều này, ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lạng Sơn cho biết, từ tháng 7/2020 đến ngày 30/8/2021, tỉnh đã triển khai cài đặt ứng dụng Bluezone trong nhân dân được 212.197/524.521 smartphone (chiếm 40,45%) nằm trong nhóm đầu các tỉnh/thành; thiết lập 4.293 điểm QRCode, có 166.963 tờ khai y tế trên địa bàn tỉnh.

c: Triển khai đồng bộ, hiệu quả công nghệ phòng, chống Covid-19
Người và phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu từ tỉnh khác đến cửa khẩu Hữu Nghị đều được quản lý, giám sát chặt chẽ bằng công nghệ

Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Sở Y tế tập trung triển khai quyết liệt Nền tảng tiêm chủng Covid-19. Chỉ trong gần 01 tháng, đã nhập dữ liệu được 177.355/179.820 mũi tiêm, đạt 98,6%, tăng từ nhóm cuối với tỷ lệ 2,5% (1.000/40.000 mũi tiêm) lên xếp thứ 6 toàn quốc; cài app sổ sức khỏe điện tử được 15.447 người; tạo ra được 104.118 hộ chiếu vắc xin điện tử.

Đồng thời, triển khai bản đồ số tại địa chỉ http://covidmaps.langson.gov.vn, cung cấp thông tin giúp người dân biết được tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh (số ca dương tính, số ca F1, F2, các chốt kiểm dịch, khu vực cách ly...), mọi thông tin hiển thị trên bản đồ theo thời gian thực. Thời gian triển khai trong 2 ngày từ 22/5-24/5/2021, đến ngày 30/8/2021 có 235.192 lượt người truy cập, chiếm khoảng 30% dân số truy cập.

Đặc biệt, tỉnh đã triển khai Nền tảng cửa khẩu số bổ sung chức năng kiểm tra, kiểm soát, khai báo y tế đối với người và phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu tại 8 chốt kiểm dịch y tế liên ngành trên địa bàn các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng.

Theo đó, người và phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu từ tỉnh khác đến cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh đều được quản lý, giám sát chặt chẽ lái xe và số người đi cùng, không để những người đi từ vùng dịch lây nhiễm vi rút Covid-19 ra cộng đồng trong khi di chuyển lên cửa khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn. “Kết quả triển khai từ ngày 23/8/2021 đến nay đã kiểm tra, giám sát được 7.563 người và xe chở hàng có xuất nhập khẩu lên cửa khẩu” - ông Nguyễn Khắc Lịch thông tin.

Ngoài ra, tỉnh đã triển khai hỗ trợ 100% bệnh viện tuyến huyện có hệ thống hội chuẩn từ xa (Telehealth-Viettel) do Tập đoàn Viettel hỗ trợ, giúp người dân được sử dụng dịch vụ y tế chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới, góp phần giảm tải của bệnh viện tuyến trên, nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19.

Các doanh nghiệp viễn thông đảm bảo thông tin liên lạc tại các khu cách ly tập trung, sẵn sàng cung cấp dịch vụ viễn thông (truyền hình, Internet) phục vụ nhu cầu của người dân tại khu cách ly, khu phong tỏa. Thực hiện nhắn tin miễn phí hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh, số lượt tin nhắn khoảng 2 triệu lượt tin SMS. Hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ AI chuyển đổi văn bản thành giọng nói phát thanh cấp xã, đưa thông tin nhanh, kịp thời đến người dân.

Tỉnh cũng chỉ đạo các cơ sở cách ly y tế tập trung lắp hệ thống camera giám sát phòng, chống Covid-19, trong đó Viettel Lạng Sơn triển khai tại các cơ sở cách ly y tế tập trung kết nối về hệ thống giám sát của Bộ Thông tin và Truyền thông, 03 cơ sở cách ly của quân đội kết nối về hệ thống giám sát của Bộ Quốc phòng. Các cơ sở cách ly đã lắp 298 Camera quản lý, giám sát các đối tượng tại cơ sở cách ly.

Đánh giá kết quả triển khai ứng dụng công nghệ số trong công tác phòng, chống Covid-19, ông Nguyễn Khắc Lịch nhấn mạnh, các công nghệ được ứng dụng trong phòng chống Covid-19 tại Lạng Sơn đều được triển khai nhanh chóng, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Thời gian triển khai được tính theo ngày nên sớm phát huy tác dụng, hiệu quả, tạo ra dữ liệu lớn, tương đối đầy đủ phục vụ cho các lực lượng chức năng và đặc biệt là làm cho người dân bình tĩnh, yên tâm trong phòng chống dịch bệnh.

Dữ liệu từ các nền tảng tạo ra được cập nhật theo giờ đặc biệt quan trọng cho công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. Công nghệ được khai thác tối đa góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, trong phòng chống dịch bệnh cũng như là cơ sở, tầm nhìn trong việc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống thông tin cơ sở ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tuyên truyền tại khu dân cư; các nền tảng truyền thông xã hội như ZALO, Facebook, SMS, website là công cụ hiệu quả cao truyền thông điệp và đến từng người dân, thông tin có tính lưu trữ, chia sẻ và lan tỏa trong cộng đồng, gia đình, thôn bản, theo từng nhóm đối tượng. Đây là bài học quan trọng trong sử dụng công nghệ mới để đối phó với tình huống dịch bệnh trong cộng đồng hoặc các tình huống khủng hoảng khác.

“Với các ứng dụng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, tiết kiệm được khoảng trên 2 tỷ đồng ngân sách nhà nước. Hiệu quả truyền thông tăng 100% do tính chất công nghệ là tức thì, cá nhân hóa, tác động nhanh. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ phòng, chống Covid-19, triển khai nhanh, đồng bộ có hiệu quả là những giải pháp ưu việt, thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế” - ông Nguyễn Khắc Lịch chia sẻ.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO