Hợp tác phát triển dịch vụ công nghệ số dành cho người yếu thế

07/07/2022, 09:56

Mastercard sẽ hỗ trợ Ngân hàng Chính sách xã hội thủ tục gia nhập thành viên chính thức của Mastercard với hệ thống dịch vụ thanh toán số tiên tiến và uy tín trên toàn cầu.

Hop tac phat trien dich vu cong nghe so danh cho nguoi yeu the hinh anh 1Lãnh đạo hai bên tham gia ký kết. (Ảnh: Vietnam+)

Ngân hàng Chính sách xã hội và tổ chức thẻ Mastercard vừa ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển các sản phẩm, dự án công nghệ số cho khách hàng nhằm góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và chuyển đổi số vào chiều ngày 5/7 tại Hà Nội.

Cơ sở hợp tác của hai bên bắt nguồn từ dự án “Dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động - tài chính toàn diện và tạo quyền năng kinh tế cho người thu nhập thấp và phụ nữ ở Việt Nam,” với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia và sự phối hợp của Quỹ châu Á trong giai đoạn 2019-2023.

Theo đó, Mastercard sẽ hỗ trợ Ngân hàng Chính sách xã hội thủ tục làm thành viên chính thức của hệ thống dịch vụ thanh toán số tiên tiến và uy tín trên toàn cầu, phát triển dịch vụ phát hành thẻ, tư vấn chuyển đổi số và chiến lược công nghệ thông tin theo kế hoạch thỏa thuận hợp tác.

Chia sẻ tại buổi lễ, ông Hoàng Minh Tế-Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết: “Sự hợp tác giữa Ngân hàng Chính sách xã hội  và Mastercard phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ hiện đại nhằm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, cải thiện sự tiếp cận các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho người nghèo và các đối tượng yếu thế.”

Về phía Mastercard, bà Sharon Chew-Phó Chủ tịch phụ trách phát triển thị trường, Mastercard của khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhấn mạnh: "Tài chính toàn diện không chỉ là việc mọi người chuyển tiền thông qua các ứng dụng hay mua hàng trực tuyến mà còn bao gồm việc tìm ra cơ chế đơn giản giúp mở rộng cơ hội kinh tế, để mọi người thuộc mọi tầng lớp trong xã hội có thể hưởng lợi từ nền kinh tế kỹ thuật số hiện đại. Vì vậy, Mastercard quyết định hợp tác với Ngân hàng Chính sách xã hội  nhằm tăng cường và cải thiện tiếp cận tới các dịch vụ tài chính toàn diện cho người nghèo và các đối tượng yếu thế.”

Với sứ mệnh thực hiện tín dụng chính sách cho người nghèo và các đối tượng yếu thế nhằm góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội  đang từng ngày nâng cao quá trình trải nghiệm về sản phẩm và dịch vụ hiện đại đáp ứng tối đa các nhu cầu tài chính của người nghèo và các đối tượng yếu thế một cách nhanh chóng và thuận tiện, phù hợp với xu hướng chung của cách mạng công nghiệp 4.0.

Trước đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã khởi động dự án “Dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động - tài chính toàn diện và tạo quyền năng kinh tế cho người thu nhập thấp và phụ nữ ở Việt Nam” giai đoạn II. Dự án này do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tài trợ.

Hiện tại, Ngân hàng Chính sách xã hội đang phục vụ hơn 6,4 triệu khách hàng, với tổng dư nợ đạt 273.541 tỷ đồng; trong đó gần 80% khách hàng hiện đang sinh sống tại vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và khu vực miền núi, khách hàng nữ chiếm 60% và đến 90% khách hàng nữ tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Dự án giai đoạn II tiếp nối thành công giai đoạn I (2017-2018) trong việc thực hiện gửi tin nhắn trên toàn quốc, thông tin cho khách hàng về số dư tiền vay, tiền tiết kiệm, thông báo nợ đến hạn và thay đổi số dư tài khoản của khách hàng. Dự án giai đoạn II được thực hiện tại 10 tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình, Hà Giang, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Trị, Bình Định, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết việc triển khai dự án sẽ góp phần hỗ trợ nâng cao năng lực cho ngân hàng cung cấp các dịch vụ tài chính số đa dạng và thuận tiện cho các khách hàng; trong đó có người nghèo, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động đi làm việc ở nước ngoài… trên toàn quốc, đặc biệt ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và miền núi./.

Thúy Hà (Vietnam+)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO