Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam năm 2020, có 50,9% doanh nghiệp (DN) đã ứng dụng các công nghệ số trước khi dịch COVID-19 xảy ra; 25,7% DN bắt đầu ứng dụng công nghệ số từ khi bắt đầu có dịch và có ý định tiếp tục sử dụng công nghệ này; 3,1% DN bắt đầu ứng dụng công nghệ số từ khi có dịch nhưng sẽ quay lại cấu trúc cũ sau khi hết dịch; 17,3% DN chưa ứng dụng công nghệ số nhưng quan tâm tới công nghệ số kể từ khi có dịch và 3,1% DN chưa áp dụng công nghệ số và cũng không có kế hoạch áp dụng trong tương lai.
Tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 18.000 DN đang hoạt động. Thời gian gần đây, cùng với xu hướng chung của toàn cầu và cả nước, nhiều DN đã và đang thay đổi tư duy, chiến lược trong chuyển đổi công nghệ số. Đây là nền tảng thúc đẩy nền kinh tế số nói chung và sự vươn lên mạnh mẽ của DN bằng những chiến lược và công nghệ ứng dụng một cách hiệu quả. Nhận thức được giá trị và tầm quan trọng của chuyển đổi số, thời gian vừa qua, Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thanh Hóa đã liên tục tổ chức các diễn đàn về công nghệ số. Thông qua các diễn đàn, là cơ hội để các DN được tham quan, tìm hiểu các giải pháp chuyển đổi số đã và đang triển khai cho các DN với mục tiêu cung cấp công cụ quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả và bền vững.
Đại diện lãnh đạo Hội Doanh nhân trẻ Thanh Hóa, cho biết: Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của DN để tồn tại và phát triển trong thời đại hiện nay. Nếu không nhanh chóng tiếp cận, DN sẽ bị tụt hậu trên thương trường. DN ứng dụng công nghệ số sẽ có cơ hội tiếp cận khách hàng nhanh hơn và vươn đến nhiều thị trường lớn, đa dạng hơn. Đồng thời, đẩy mạnh tự động hóa trong DN và quản trị hiệu quả hơn vì từ các con số đo lường các chỉ số kinh doanh và hoạt động, lãnh đạo DN sẽ nhanh chóng có được những quyết định điều hành kịp thời và chuẩn xác. Không những vậy, DN ứng dụng công nghệ sẽ giúp giải các bài toán về quản lý con người, giảm thiểu các sai sót và chi phí vận hành... Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của đơn vị, hiện các DN nhỏ và vừa, đặc biệt là các DN nhỏ trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi số, như: thiếu tầm nhìn tư duy về chuyển đổi số, sự thiếu hụt về nguồn vốn và các công nghệ thiết yếu, dữ liệu hoạt động... Do đó, việc chuyển đổi số vẫn chủ yếu diễn ra ở một số DN hoạt động lâu năm và có tiềm lực kinh tế.
Để hỗ trợ các DN trên địa bàn tỉnh nhanh chóng tiếp cận với chuyển đổi số, thời gian qua, các tổ chức hiệp hội cũng đã tích cực tổ chức triển khai, kết nối để các DN có cơ hội tìm hiểu và ứng dụng công nghệ chuyển đổi số. Điển hình như tại VNPT Thanh Hóa, từ năm 2017, VNPT bắt đầu thực hiện chiến lược VNPT 4.0 chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số. VNPT đã và đang xây dựng bộ giải pháp số cho DN đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số theo các giai đoạn số hóa, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số theo các chuyên ngành, lĩnh vực khác nhau, như: nông nghiệp, du lịch thương mại, nhà hàng, khách sạn, vận tải, tài chính, ngân hàng... Đơn vị cũng đã triển khai phát triển hệ sinh thái các giải pháp để có thể giúp số hóa hoàn toàn một DN, từ hệ thống xác thực và định danh điện tử eKYC; hệ thống quản lý kho hàng (VNPT Inventory); hệ thống kế toán DN (VNPT ASME); hệ thống quản trị nguồn nhân lực (VNPT HRM); hệ thống quản lý kênh phân phối (VNPT DMS); chữ ký số, hóa đơn điện tử...
Để thúc đẩy lộ trình ứng dụng công nghệ số cho DN và thúc đẩy lộ trình xây dựng chính quyền điện tử, tỉnh Thanh Hóa cũng đã dành nguồn vốn đầu tư, hoàn thành xây dựng Trung tâm công nghệ thông tin (CNTT) tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, sẽ tập trung các hoạt động nghiên cứu - phát triển, đào tạo, sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ CNTT, cung cấp hạ tầng, cung ứng dịch vụ CNTT cho các tổ chức, DN và các hoạt động khác liên quan đến CNTT. Trung tâm CNTT của tỉnh quy mô 12 tầng, có diện tích 7,35 ha, với 8 phân khu, bao gồm: khu văn phòng, trụ sở làm việc phục vụ công tác quản lý điều hành (tòa nhà điều hành), khu nghiên cứu - phát triển, trưng bày giới thiệu sản phẩm, khu sản xuất, kinh doanh sản phẩm và dịch vụ CNTT, khu tài chính ngân hàng, khu sinh thái phục vụ dân sinh, khu hạ tầng kỹ thuật, khuôn viên cây xanh và đất giao thông đã được hoàn thiện.
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và hỗ trợ hoạt động trong Trung tâm CNTT, với các chính sách cụ thể, như: chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào Trung tâm CNTT của tỉnh; chính sách hỗ trợ các sản phẩm phần mềm của tổ chức, cá nhân, DN hoạt động trong Trung tâm CNTT; chính sách hỗ trợ đơn giá thuê hạ tầng kỹ thuật - dịch vụ CNTT; chính sách hỗ trợ đơn giá thuê mặt bằng cho tổ chức, cá nhân, DN hoạt động trong tòa nhà Trung tâm CNTT tỉnh Thanh Hóa... Trung tâm CNTT sẽ là “hạt nhân” cho sự phát triển ngành công nghiệp CNTT của tỉnh, giúp hình thành và phát triển các loại hình DN số, DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo, “dẫn dắt” các DN chuyển đổi số thành công và là “chìa khóa” để phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bài và ảnh: Bách Nguyên