Hiệu quả thương mại điện tử trong mùa dịch COVID-19

01/11/2021, 10:18

Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, thương mại điện tử chính thức “lên ngôi”, bởi mua sắm trên mạng là cách duy nhất để có được những thứ người tiêu dùng cần trong thời kỳ giãn cách xã hội và đảm bảo an toàn, thuận tiện, nhanh chóng khi mua sắm.

Để duy trì phát triển kinh tế và hoạt động thương mại, nhiều doanh nghiệp đơn vị bán lẻ và người kinh doanh đã có các hình thức kinh doanh thích ứng trong điều kiện đặc biệt này. Giám đốc siêu thị Tứ Sơn Tạ Minh Sơn cho biết: Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, siêu thị Tứ Sơn vẫn đảm bảo lượng hàng hóa phục vụ sinh hoạt thiết yếu hàng ngày, giá không tăng và lượng hàng hóa dồi dào cho người dân địa bàn TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang) và các địa phương lân cận. Bình quân 1 ngày siêu thị nhận 350 đơn hàng, trị giá hơn 150 triệu đồng. Để đáp ứng nhu cầu người dân trong tình hình dịch bệnh, siêu thị Tứ Sơn đẩy mạnh bán hàng qua điện thoại, trực tuyến và giao hàng tận nơi. Từ đầu tháng 7-2021, lượng đơn hàng bán ra tăng gấp 3 lần so với bình thường, siêu thị phải tăng nhân viên tiếp nhận thông tin đơn hàng và nhân viên giao hàng để đảm bảo phục vụ nhu cầu mua hàng của người dân. Nhân viên giao hàng tận nơi của siêu thị khi giao cho khách hàng được trang bị kính chống giọt bắn, đeo khẩu trang, mang găng tay, trên xe được trang bị nước rửa tay diệt khuẩn và rửa tay sau khi giao hàng.

Nhân viên siêu thị Tứ Sơn soạn hàng đặt qua điện thoại và mạng xã hội

Trong quá trình giao hàng, không bước vào nhà chỉ đứng bên ngoài, khách hàng để tiền thanh toán một nơi, hàng cách 2m, tránh tiếp xúc gần. Đối với các khu vực phong tỏa, nhân viên sẽ đến khu vực đầu chốt kiểm soát liên hệ người dân ra nhận hàng thông qua cán bộ kiểm soát chốt. Tại siêu thị, bố trí khu vực cho khách ngồi chờ bên ngoài, bố trí khu vực trưng bày hàng hóa mẫu, nhân viên tiếp nhận thông tin mua hàng của khách hàng và chuyển thông tin vào bên trong có nhân viên rút hàng đem ra giao cho khách và thanh toán tại khu vực chờ, tránh tập trung đông người và tiếp xúc gần”.      

Trong đại dịch vẫn có những dấu hiệu lạc quan tại thị trường An Giang. Bán lẻ giảm trong đợt dịch COVID-19 nhưng mua sắm trực tuyến tăng. Người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe, chuộng hàng hóa nội địa. Đặc biệt, để an toàn, tránh tụ tập đông người và hạn chế số lần đi chợ, hình thức mua hàng online được ưu tiên lựa chọn.

Giám đốc siêu thị Co.opmart Long Xuyên Đỗ Thoại Phong chia sẻ: “Co.opmart triển khai 5 hình thức mua sắm cho khách hàng: qua website: http://cooponline.vn; qua tài khoản Zalo chính thức của Co.opmart http://bit.ly/3xo6Cga; qua ứng dụng App: SAIGON CO.OP; qua Zalo: 0911.825.769-0911.856. 611 theo cú pháp: tên sản phẩm+số lượng, địa chỉ giao hàng+số điện thoại; đặt hàng qua hotline: 02963.940.002 - 02963.940.009. Ngoài ra, livestream bán hàng qua mạng xã hội Facebook, mỗi ngày nhận khoảng 40 đơn hàng từ kênh bán hàng này, doanh số đạt khoảng 15 triệu đồng/ngày. Riêng kinh doanh trực tuyến, trung bình mỗi ngày siêu thị nhận khoảng 200 đơn hàng từ tất cả các hình thức đặt hàng, doanh số đạt khoảng 70 triệu đồng/ngày”.

Giám đốc siêu thị Vinmart An Giang Đinh Ngọc Lộc cho biết: “Từ sau khi giãn cách xã hội, lượng bán hàng trực tuyến tăng cao. Bình quân mỗi ngày siêu thị nhận từ 100-200 hóa đơn bán hàng, doanh số từ 50-100 triệu đồng, tăng 400% so với thời điểm trước giãn cách xã hội. Nhờ phát huy hiệu quả của thương mại điện tử giúp siêu thị duy trì hoạt động khá tốt trong thời điểm hiện nay và đáp ứng nhu cầu mua sắm cho người dân”.

Để đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, Sở Công thương tiếp tục khuyến khích các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh đẩy mạnh triển khai thực hiện hình thức bán hàng mang về nhà hoặc bán hàng trực tuyến qua mạng, điện thoại; giao hàng tận nơi miễn phí hoặc thu phí và đảm bảo tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại đơn vị theo hướng dẫn của ngành y tế. Tuyên truyền, vận động khách hàng hạn chế sử dụng tiền mặt để thanh toán, tăng cường sử dụng ví điện tử, visa, quét mã QR Code, thanh toán trực tuyến... khi mua sắm để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử. Theo đó, bên cạnh hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử thông qua website như trước đây, từ ngày 1-1-2022, cá nhân, tổ chức còn được thực hiện hoạt động kinh doanh thương mại điện tử thông qua các mạng xã hội, như: Facebook, Zalo... khi có trả phí và đăng ký theo quy định.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO