Hạ tầng viễn thông Vĩnh Phúc sẵn sàng đẩy nhanh chuyển đổi số

01/11/2021, 10:18

Những năm qua, hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin tại tỉnh Vĩnh Phúc liên tục được đầu tư, nâng cấp, sẵn sàng đồng hành cùng chính quyền địa phương chuyển đổi số.

Được biết, tỉnh Vĩnh Phúc đang nghiên cứu ban hành chính sách về chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tỉnh cũng bắt đầu triển khai Đề án Hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021 - 2025 và một số đề án khác. Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số đạt tối thiểu 20% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt hơn 20%; năng suất lao động hằng năm tăng hơn 8%; 100% doanh nghiệp hướng tới nền sản xuất, kinh doanh thông minh; có khoảng 100 doanh nghiệp công nghệ số.

Hạ tầng viễn thông Vĩnh Phúc sẵn sàng đẩy nhanh chuyển đổi số
Những năm qua, hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin tại tỉnh Vĩnh Phúc liên tục được đầu tư, nâng cấp.

Tỉnh sẽ thực hiện chuyển đổi số tổng thể, toàn diện ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Phấn đấu 90% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; hơn 75% doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh hơn các sàn giao dịch thương mại điện tử; hơn 50% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử thông qua ứng dụng di động; tất các xã, phường, thị trấn ứng dụng mô hình dịch vụ đô thị thông minh.

Đối với phát triển xã hội số, tỉnh sẽ đẩy mạnh giao tiếp xã hội thông qua các mạng xã hội, các ứng dụng, ưu tiên các dịch vụ như tư vấn pháp lý, giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch. Thúc đẩy ứng dụng nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt. Đẩy mạnh số hóa hồ sơ, văn bản, tài liệu, hình thành các kho dữ liệu điện tử của tỉnh, sau đó ứng dụng các phần mềm để khai thác dữ liệu.

Mục tiêu đến năm 2025, phổ cập dịch vụ mạng internet băng rộng cáp quang; phổ cập dịch vụ mạng di động 5G và các công nghệ di động thế hệ tiếp theo. Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử hơn 90%. Mỗi người dân có danh tính số, mỗi hộ gia đình có địa chỉ số...

Liên tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin

Để đạt được những mục tiêu trên, những năm qua, hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin tại tỉnh Vĩnh Phúc liên tục được đầu tư, nâng cấp theo sự phát triển chung của hạ tầng viễn thông quốc gia, sẵn sàng đồng hành cùng chính quyền địa phương.

Tính đến tháng 5/2021, tỉnh Vĩnh Phúc có 2.700 trạm thu phát sóng thông tin di động, phủ sóng di động 3G, 4G đạt 100%, đã lắp đặt xong hai trạm 5G của Viettel chuẩn bị đưa vào sử dụng. Tỷ lệ thuê bao điện thoại và tỷ lệ thuê bao điện thoại di động thông minh trên 100 dân lần lượt là 115% và 75,4%. Tỷ lệ hộ gia đình có Internet băng rộng cố định là 65%. Doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông năm 2020 đạt 1.650 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 80 tỷ đồng.

Đứng trước viễn cảnh của kinh tế số, nhiều doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng không đặt ra lợi nhuận trước mắt mà tập trung vào các mục tiêu lâu dài. Các doanh nghiệp luôn sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ chính trị như phòng, chống lụt bão, bảo đảm thông tin liên lạc, trực tiếp góp phần cải thiện chỉ số cạnh tranh của tỉnh thông qua cung cấp các giải pháp dịch vụ công mức độ 3 và 4.

Theo ông Đỗ Thanh Tuấn, Giám đốc Viettel Vĩnh Phúc, từ hai trạm 5G đã được lắp đặt, theo lộ trình năm sau Công ty sẽ triển khai 5G tại các khu du lịch Tam Đảo, Tây Thiên và các khu công nghiệp. Công nghệ 5G kết nối vạn vật sẽ làm tăng tốc độ đường truyền, triển khai nhiều giải pháp tự động hóa, giao thông thông minh, đèn đường thông minh, trường học thông minh…

Ông Tuấn cho hay, với nền tảng hạ tầng như hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông có thể hỗ trợ rất nhiều cho tỉnh Vĩnh Phúc phát triển kinh tế số, xã hội số.

Công ty Mobifone Vĩnh Phúc cũng đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ hoạt động của chính quyền điện tử như triển khai thí điểm truyền thanh thông minh ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông tại một số xã. Cụ thể là hệ thống loa thông minh có lắp SIM 4G có thể vận hành từ xa, giúp đội ngũ truyền thanh cấp xã lên kế hoạch phát sóng tự động.

Nhìn chung, sự vào cuộc đồng hành của các doanh nghiệp viễn thông ở Vĩnh Phúc rất lớn, có thể cung cấp hàng nghìn giải pháp kỹ thuật số giúp chính quyền và doanh nghiệp quản trị tốt hơn. Các doanh nghiệp viễn thông tin tưởng rằng, với hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh và số thuê bao internet đạt tỷ lệ cao, tỉnh Vĩnh Phúc có thể đẩy nhanh tiến trình xây dựng kinh tế số, xã hội số. Tuy nhiên, để làm được việc đó tỉnh cũng cần tranh thủ ý kiến tư vấn của các tập đoàn viễn thông lớn, học hỏi cách làm từ các quốc gia phát triển và các nhà đầu tư quốc tế.

Hà Lan


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO