Hệ thống hóa đơn điện tử: Giải pháp góp phần thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ

17/09/2022, 09:46

Hóa đơn điện tử là giải pháp “vàng” trong công tác quản lý nhà nước ở thời kỳ CMCN 4.0 khi mà cơ quan thuế xây dựng và tạo lập kho cơ sở dữ liệu để đối chiếu, phân tích rủi ro với độ an toàn, chính xác cao.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thất thu lớn cho ngân sách, bức xúc trong cộng đồng từ hóa đơn giấy

Trong giai đoạn trước, tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng bất hợp pháp có chiều hướng gia tăng đáng báo động với nhiều đường dây mua bán trái phép hóa đơn lên tới hàng nghìn tỷ đồng đã bị các lực lượng chức năng triệt phá. Hành vi gian lận hóa đơn của các đối tượng hoạt động với phương thức phức tạp, nhiều doanh nghiệp thành lập chỉ để bán hoá đơn, sử dụng hoá đơn bất hợp pháp, kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng, hạch toán chi phí… gây thất thu rất lớn cho ngân sách nhà nước, tạo sự bất bình đẳng và bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.

Theo số liệu tổng hợp trong các năm qua, cơ quan thuế đã phát hiện các hành vi vi phạm mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và củng cố hồ sơ chuyển cho cơ quan công an hàng trăm trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Trong đó, riêng năm 2020 có 162 trường hợp có dấu hiệu vi phạm mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, với số lượng và giá trị rất lớn đã được cơ quan thuế chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra.

Năm 2021, tuy tình trạng sử dụng sử dụng hóa đơn bất hợp pháp có giảm, nhưng mức độ vi phạm ngày càng phức tạp và tinh vi. Vụ việc điển hình là trường hợp 14 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa do 8 đối tượng thành lập để bán hóa đơn giá trị gia tăng thu lợi bất chính. Theo đó, 14 công ty “ma” trong đường dây mua bán hóa đơn thuế giá trị gia tăng này đã phát hành hơn 15 nghìn số hóa đơn cho khoảng 1 nghìn doanh nghiệp trong tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh, thành khác trên địa bàn cả nước như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng,…với tổng số tiền giao dịch hơn 2.000 tỉ đồng...

Hệ thống hóa đơn điện tử: Giải pháp góp phần thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ ảnh 1
Mô hình triển khai áp dụng hóa đơn điện tử

4 điểm vượt trội của hóa đơn điện tử

Kể từ ngày 01/07/2022, toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện hóa đơn điện tử.

Sau thời gian được đưa vào sử dụng, hóa đơn điện tử đã khẳng định được sự vượt trội của mình so với hóa đơn giấy. Riêng đối với doanh nghiệp, việc sử dụng hóa đơn điện tử sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy (giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn, không gian lưu trữ hóa đơn,…); Giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế; Khắc phục rủi ro làm mất, cháy, hỏng khi sử dụng hóa đơn giấy do hệ thống lưu trữ hóa đơn điện tử được sao lưu thường xuyên.

Hệ thống hóa đơn điện tử: Giải pháp góp phần thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ ảnh 2

Theo tính toán của cơ quan thuế, chi phí quản lý (gồm in, phát hành, lưu trữ, nhập thông tin đầu vào) cho 01 hóa đơn giấy là 8.450 đồng, trong khi chi phí quản lý 01 hóa đơn điện tử là 1.443 đồng. Với số lượng dự kiến khoảng 6 tỷ hóa đơn điện tử/năm, chi phí quản lý hóa đơn của toàn xã hội ước tính tiết kiệm được hàng chục nghìn tỉ đồng.

Đối với người mua hàng hóa, dịch vụ, hóa đơn điện tử tạo ra sự yên tâm. Cụ thể, sau khi nhận hóa đơn điện tử, người mua hàng hóa, dịch vụ có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của cơ quan thuế để biết chính xác thông tin của hóa đơn người bán khai báo với cơ quan thuế và thông tin người bán cung cấp cho người mua. Bên cạnh đó, với việc hệ thống của cơ quan thuế sẽ ngăn chặn kịp thời không cho các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích xuất hóa đơn thì sẽ hạn chế được tình trạng người mua sử dụng phải hóa đơn bất hợp pháp của các doanh nghiệp này.

Đối với cơ quan thuế và cơ quan quản lý của nhà nước, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp cơ quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn. Trong đó, cơ quan thuế và các cơ quan quản lý không tốn nhiều chi phí, thời gian đối chiếu hóa đơn như hiện nay. Từ đó, góp phần ngăn chặn kịp thời hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích; ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế...

Đối với xã hội, việc sử dụng hóa đơn điện tử góp phần khắc phục được tình trạng gian lận sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên) và tình trạng làm giả hóa đơn, qua đó góp phần tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp.

Đồng thời, hóa đơn điện tử cũng góp phần giúp việc triển khai thương mại điện tử được hoàn thiện hơn từ đặt hàng trên mạng, giao hóa đơn điện tử qua mạng và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp giảm tối đa việc sử dụng giấy in, góp phần bảo vệ môi trường.

Theo đánh giá của một số doanh nghiệp thường xuyên làm việc với đối tác nước ngoài, trước kia khi dùng hóa đơn giấy, doanh nghiệp rất hay bị thất lạc, mất mát hóa đơn. Tuy nhiên, từ khi sử dụng hóa đơn điện tử, doanh nghiệp có thể gửi trực tiếp cho khách hàng thông qua email, tin nhắn điện tử. Do vậy, tiết kiệm được đáng kể chi phí chuyển phát, đồng thời khách hàng cũng sẽ nhanh chóng nhận được hóa đơn mà không cần mất thời gian chờ đợi. Thêm vào đó, hóa đơn điện tử cũng giảm được các rủi ro do mất mát hóa đơn trong khâu vận chuyển, giao nhận, hạn chế các vụ việc tranh chấp, kiện tụng xảy ra do lỗi thất lạc hoặc giao chậm trễ hóa đơn, tăng tính an toàn, bảo mật, tiện lợi cho doanh nghiệp trong kiểm tra truy xuất nguồn gốc hóa đơn, thông tin về đối tác bán hàng.

Không chỉ doanh nghiệp, hóa đơn điện tử nhận được phản hồi tích cực, sự hài lòng từ phía người mua hàng hóa, dịch vụ khi sử dụng hóa đơn điện tử. Người mua hàng hóa, dịch vụ có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của cơ quan thuế để biết chính xác thông tin của người bán khai báo với cơ quan thuế và thông tin người bán cung cấp cho người mua. Từ đó hạn chế và ngăn ngừa tình trạng giả mạo hóa đơn, bảo vệ uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp.

Việc đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử từ đầu năm 2022 đến nay đã góp phần giúp ngành Thuế nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu ngân sách nhà nước với tổng thu ngân sách lũy kế 8 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1.002.874 tỉ đồng bằng 85,4% kế hoạch và bằng 118,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Hóa đơn điện tử còn được đánh giá là giải pháp “vàng” đối với công tác quản lý nhà nước trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, cơ quan thuế xây dựng và tạo lập được kho cơ sở dữ liệu về hóa đơn phục vụ đối chiếu, phân tích rủi ro trong công tác quản lý thuế, không mất nhiều thời gian đối chiếu hóa đơn như đối với hóa đơn giấy. Với độ an toàn, chính xác cao của hóa đơn điện tử, tình trạng gian lận thuế, trốn thuế và việc xuất hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích sẽ được ngăn chặn kịp thời.

Có thể nói, triển khai thành công hoá đơn điện tử là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng mang tính quyết định của ngành Thuế, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, từ đó giúp tăng năng suất hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, việc triển khai hóa đơn điện tử cũng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan thuế, góp phần thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số Quốc gia nói chung và ngành Tài chính nói riêng./.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO