Cộng đồng khởi nghiệp công nghệ Việt Nam đang nổi lên như mảnh đất tiềm năng để thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, không phải start-up nào cũng thành công nếu thiếu đi sự nỗ lực để tìm kiếm và tạo ra lợi thế cạnh tranh cho mình.
Đầu tháng 9, hàng loạt start-up liên quan đến công nghệ công bố gọi vốn thành công, tìm được đối tác đồng hành trên con đường dài và khẳng định vị thế ở Việt Nam.
Trong lĩnh vực công nghệ giáo dục (edtech), Edupia ứng dụng thuộc Công ty cổ phần Giáo dục Educa Corporation thành lập năm 2018, vừa hoàn tất vòng gọi vốn series A với 14 triệu USD với Quỹ đầu tư mạo hiểm Jungle Ventures. Trước đó, Redefine Capital đã đầu tư 2 triệu USD vào start-up này. Khoản vốn 14 triệu USD trong vòng huy động này sẽ được start-up dành đầu tư vào công nghệ, sản phẩm, tuyển dụng nhân sự chủ chốt cho mục tiêu tham gia các thị trường Đông Nam Á.
Trước đó, Tititada - ứng dụng đầu tư công nghệ ra mắt vào năm 2022 - đã hoàn thành huy động 1,5 triệu USD vòng tiền hạt giống (pre-seed) từ Golden Gate Ventures (GGV). Coolmate cũng vừa nhận thêm 2,3 triệu USD cho vòng Series A từ GSR Ventures…
Các công ty khởi nghiệp trên đạt được lợi thế cạnh tranh một phần vì họ đang cung cấp các dịch vụ thiết yếu trong điều kiện “bình thường mới”, như chăm sóc y tế và các nền tảng làm việc hoặc học tập trực tuyến, đầu tư trực tuyến.
Theo nhiều nhà đầu tư, các start-up dễ thành công, dễ huy động được vốn vì họ sở hữu những yếu tố như học hỏi các mô hình đầu tư của nước ngoài, biết “địa phương hóa” để phát triển dựa trên nhu cầu của người sử dụng tại thị trường trong nước.
Tiếp theo, họ cũng hiểu thị trường và các thách thức phải đối mặt trước khi muốn phát triển đột phá. Điều đó cho phép các công ty tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và công sức để tập trung vào sản phẩm, giúp giải quyết nhanh chóng các vấn đề của người tiêu dùng.
Lý do nữa là họ có nền tảng vững chắc khi muốn mở rộng thị trường. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, cái giá phải trả cho thất bại với một start-up về công nghệ tài chính không chỉ là tiền bạc, mà còn là sự tin tưởng của người tiêu dùng.
Trong khi đó, một số nhà sáng lập các nền tảng công nghệ cho rằng, không thể tập trung tăng trưởng đột phá với một sản phẩm lỗ. Doanh nghiệp cần có sản phẩm tốt trước khi nghĩ đến phát triển đột phá.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần hiểu thế mạnh của mình để có thể mở rộng với chi phí thấp, nhưng mang lại hiệu quả cao. Nếu không có nguồn vốn mạnh, doanh nghiệp cần dựa vào các đối tác, phát huy các lợi thế cạnh tranh để có thể tập trung vào các nhóm khách hàng mục tiêu.
Đại diện một số quỹ đầu tư cho rằng, khi tư duy quản trị, vận hành tốt, doanh nghiệp có thể biết được giai đoạn phù hợp để phát triển đột phá và các chỉ số cần tập trung xây dựng trong giai đoạn này. Chỉ những doanh nghiệp hiểu thị trường, hiểu lợi thế cạnh tranh mới có thể phát triển đột phá.
Bên cạnh một số yếu tố cần có để start-up có thể phát triển đột phá trong lĩnh vực fintech, cần có cách thức thu hút vốn đầu tư. Đây nền tảng giúp quá trình tăng trưởng đột phá thành công.
“Để thuyết phục nhà đầu tư rót vốn, start-up cần đưa ra các chỉ số khả thi chứng minh được tiềm năng thành công của mô hình, giải được bài toán về khả năng thành công của doanh nghiệp trước các đối thủ cạnh tranh và tập trung phát triển sản phẩm mang đến hiệu quả”, ông Nguyễn Ảnh Cường, đồng sáng lập kiêm CEO Fundiin chia sẻ.
Khi chứng minh được tính khả thi của dự án thông qua các con số, start-up sẽ có được sự tin tưởng từ phía đối tác. Đồng thời, các chỉ số cũng giúp công ty nhìn lại quá trình hoạt động của mình để có những điều chỉnh và thay đổi phù hợp.
Hiện tại, Việt Nam có khá nhiều quỹ đầu tư, start-up cần xác định được mình cần gì từ các quỹ. Bên cạnh nguồn vốn, doanh nghiệp cần xác định được các giá trị mà quỹ mang đến, hiểu “khẩu vị” đầu tư của quỹ, phân khúc, tầm nhìn để thương vụ khả thi và nhanh chóng.