Hệ thống đèn tín hiệu giao thông ở Đà Nẵng vận hành ra sao?

17/04/2023, 10:03

Ông Bùi Hồng Trung - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP. Đà Nẵng - đã chia sẻ về những ưu điểm và hạn chế của hệ thống đèn tín hiệu, camera giám sát giao thông trên địa bàn.

Một góc giao thông TP Đà Nẵng

Một góc giao thông TP Đà Nẵng

Trước những bất cập trong vận hành hệ thống đèn tín hiệu giao thông ở các Thành phố (TP) lớn trên cả nước, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Hồng Trung – Giám đốc Sở GTVT TP. Đà Nẵng - về những vấn đề trong quản lý, vận hành hệ thống đèn giao thông, camera giám sát giao thông trên địa bàn.

Tích hợp camera giám sát điều phối giao thông

- Được biết thời gian qua, TP. Đà Nẵng đã đầu tư khá lớn cho hệ thống giao thông, trong đó có hệ thống đèn tín hiệu và hệ thống camera giám sát giao thông. Ông có thể chia sẻ với bạn đọc VietTimes vấn đề này?

Ông Bùi Hồng Trung:

Vấn đề đầu tư cho hệ thống giao thông thông minh đã được TP Đà Nẵng quan tâm trong một thời gian dài. Hiện nay, hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn đã được nâng cấp bằng đèn tín hiệu LED và hệ thống camera giám sát hiện đại, giúp quản lý mạng lưới giao thông hiệu quả hơn.

Đà Nẵng có 2 hệ thống chính để vận hành tín hiệu giao thông, đó là đèn tín hiệu và hệ thống camera giám sát đếm lưu lượng. Với việc đầu tư hơn 360 tỉ đồng, TP đã lắp đặt 201 nút đèn tín hiệu điều khiển giao thông và 251 camera giám sát được kết nối về trung tâm điều hành, giám sát và điều khiển giao thông trên toàn địa bàn.

Sở GTVT còn xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ GTVT để quản lý thông tin vận hành giao thông.

- Thời gian qua, đã có nhiều ý kiến phản ánh về thời gian chờ ở một số nút giao thông chưa thật sự tối ưu, gây lãng phí thời gian khi không có phương tiện lưu thông mà vẫn để đèn đỏ… Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Ông Bùi Hồng Trung: Quan điểm của TP là đèn tín hiệu sẽ phải luôn hoạt động, để vừa điều tiết giao thông, vừa đảm bảo an toàn cho phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, việc điều chỉnh hệ thống phải tùy thuộc vào đặc điểm của từng nút giao thông, không gian và thời điểm.

Vì vậy, chúng tôi cần đánh giá cụ thể tính chất của từng tuyến đường để điều chỉnh phù hợp. Ví dụ, đối với tuyến QL14B từ cảng Tiên Sa vào trung tâm thành phố, chúng tôi sẽ thiết lập các pha đèn, chu kỳ đèn khác nhau cho từng hướng, từng nút giao cụ thể, tùy thuộc vào đặc điểm của nút và loại phương tiện, nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.

Đối với các tuyến đường như Bạch Đằng, Trần Phú, hệ thống camera sẽ phân tích và điều khiển tín hiệu giao thông theo từng chiều phương tiện ra vào trung tâm thành phố một cách hợp lý, nhằm tránh tình trạng ùn tắc.

Tuy nhiên, cũng có những bất cập phát sinh mà chúng tôi chưa thể nắm hết được. Nếu người dân hoặc các cơ quan báo chí phản ánh, chúng tôi sẽ tiếp thu, ghi nhận và điều chỉnh phù hợp.

Bài 3: Hệ thống đèn tín hiệu giao thông ở Đà Nẵng vận hành ra sao? ảnh 1
Ông Bùi Hồng Trung – Giám đốc Sở GTVT TP. Đà Nẵng

- Ông có thể chia sẻ cách vận hành hệ thống đèn tín hiệu giao thông TP, nhất là khả năng tối ưu trong vận hành của hệ thống đèn tín hiệu giao thông cũng như hệ thống camera giám sát để tránh ùn tắc, tránh lãng phí thời gian chờ của người tham gia giao thông?

Ông Bùi Hồng Trung: Chúng tôi tập trung tính toán và xây dựng các phương án điều tiết giao thông theo xu hướng “làn sóng xanh”, có nghĩa là phương tiện trên một trục đường sẽ gặp đèn xanh liên tiếp.

Để thực hiện điều này, chúng tôi tích hợp hệ thống camera để khai thác tính năng đếm phương tiện và tính toán lưu lượng xe, đặc biệt là phân loại các loại phương tiện (cá nhân hay kinh doanh) để quản lý và điều tiết giao thông.

Từ khi đưa hệ thống đếm xe tự động vào thí điểm vận hành, phương tiện lưu thông trên các tuyến đường đã được từng bước điều phối tối ưu, phù hợp theo tính chất của từng tuyến đường, giảm ùn tắc…

Kết quả thay đổi như trên là từ việc phân tích của hệ thống camera giao thông thông qua việc nhận diện phương tiện và đếm phương tiện tự động.

Chúng tôi đang thí điểm tính năng đếm xe tự động qua các nút giao thông và hệ thống sẽ tự điều chỉnh đèn tín hiệu tại nút giao thông Hà Huy Tập - Huỳnh Ngọc Huệ và nút giao Núi Thành – Phan Đăng Lưu theo 2 thuật toán khác nhau để đánh giá mức độ tối ưu. Sau đó, chúng tôi sẽ áp dụng kết quả thí điểm ở các nút giao thông này vào các nút giao thông khác quy mô lớn hơn và áp dụng cho toàn bộ các tuyến đường trên địa bàn TP.

Riêng việc đánh giá chu kỳ, áp dụng đếm xe cho một số nút giao thông lớn như Lê Duẩn, Cách Mạng Tháng Tám… bước đầu đã đạt được kết quả tốt, cơ bản ổn định, giao thông được thông suốt.

Một nội dung nữa trong cách thức vận hành giao thông của TP. Đà Nẵng là chúng tôi khai thác dữ liệu từ hệ thống camera để phục vụ công tác quy hoạch lại mạng lưới đường bộ, đánh giá nhu cầu phân tán phương tiện. Và ý nghĩa nhất là phân tích nhu cầu vận tải từ phương tiện giao thông, phục vụ công tác quản lý phương tiện, người lái chuyên ngành của ngành giao thông.

Bài 3: Hệ thống đèn tín hiệu giao thông ở Đà Nẵng vận hành ra sao? ảnh 2
Đà Nẵng phân luồng giao thông theo xu hướng “làn sóng xanh” nhằm tối ưu hoá di chuyển của phương tiện theo trục ưu tiên, tránh ùn tắc.

Hiện tại, ngành giao thông và Trung tâm IOC Đà Nẵng đang phối hợp vận hành và tra cứu dữ liệu từ hệ thống camera để cung cấp trên cổng dữ liệu dùng chung của TP. Chúng tôi đã tích hợp các dữ liệu và tạo không gian cho người dân có thể đổi bằng lái xe thông qua các cổng dữ liệu tại các trung tâm y tế. Trong tương lai, người dân có thể đổi bằng lái xe thông qua các cổng dữ liệu tại các trung tâm hành chính của phường, quận huyện...mà không cần đến Sở GTVT.

Vẫn còn nhiều khó khăn

- Ông vui lòng cho biết hệ thống đèn tín hiệu và camera giám sát đã đóng góp thế nào trong vận hành hệ thống giao thông TP, cùng những mặt đã làm được và khó khăn?

Ông Bùi Hồng Trung: Hệ thống hạ tầng điều khiển giao thông đã được cải thiện hoàn chỉnh tại các trục chính của thành phố, góp phần quan trọng trong việc điều tiết phân luồng giao thông. Hệ thống camera cũng đã được nâng cấp với công nghệ thông minh, có khả năng nhận dạng biển số và phân tích hành vi của phương tiện giao thông, đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát trật tự giao thông đô thị cũng như trật tự kinh doanh vận tải.

Một số thành tựu đáng kể của ngành giao thông đó là tích hợp hệ thống đèn tín hiệu và camera trong quá trình quản lý giao thông, điều khiển chu kỳ đèn. Cả hai hệ thống đã tích hợp chức năng đếm phương tiện giao thông và sẽ tiến tới việc tự động điều khiển hệ thống đèn giao thông dựa trên phân tích dữ liệu và tối ưu hoá lưu lượng phương tiện thông qua các thuật toán trí tuệ nhân tạo tại các điểm giao thông. Hiện nay, công nghệ này đang được thử nghiệm tại hai nút giao thông, bao gồm Hà Huy Tập - Huỳnh Ngọc Huệ và Núi Thành – Phan Đăng Lưu.

Dựa trên cơ sở dữ liệu giao thông có được, chúng tôi đã chủ động tổng hợp, tính toán để xây dựng các phương án điều tiết giao thông cho thành phố; phân tích dữ liệu để hoạch định chính sách và giám sát hiệu quả đầu tư cho các dự án giao thông; lập kế hoạch và phân định tuyến đường, lịch trình, giá vé cho các hệ thống giao thông vận tải công cộng; hỗ trợ quản lý và quy hoạch hệ thống vận tải đa phương thức cho hàng hóa, các xe thương mại, các kho hàng và lập kế hoạch cho việc phục hồi, duy trì hè đường, cầu và bảo trì các thiết bị bên đường. Ngoài ra, chúng tôi cung cấp dữ liệu giao thông cho các cơ quan chức năng khác để hỗ trợ công tác quản lý và điều hành chung cho thành phố.

Đặc biệt, với những dữ liệu chuyên ngành, Trung tâm quản lý vận hành hệ thống đèn tín hiệu giao thông Đà Nẵng đã đi đến việc tính toán chu kỳ, phân luồng giao thông theo làn sóng xanh, điều khiển vận hành tập trung,… và tiến dần đến việc xây dựng các chiến lược quản lý điều khiển giao thông phù hợp với mạng lưới, môi trường giao thông TP, đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân, du khách và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TP.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, ngành cũng vấp phải những khó khăn nhất định. Đó là đòi hỏi sự đồng bộ về công nghệ và thuật toán phân tích sao cho phù hợp nhất do độ trễ nhất định giữa các hệ thống công nghệ khác nhau. Bên cạnh đó, do sự phát triển của công nghệ quá nhanh nên khi thực hiện quy trình đầu tư từ khâu nghiên cứu đến khi triển khai thực hiện thì đề bài yêu cầu tại thời điểm chuẩn bị đầu tư ban đầu đã không còn phù hợp với bối cảnh cũng như khả năng đáp ứng của công nghệ giai đoạn đầu tư thực tế.

Lĩnh vực giao thông thông minh có liên quan đến nhiều ngành khác nhau. Nên cũng cần có 1 đơn vị, ban quản lý đầu tư phù hợp với đặc tính để đảm bảo tiến trình đầu tư phù hợp và am hiểu về đặc tính về loại hình đầu tư.

Ví dụ, Trung tâm điều hành thông minh IOC là trung tâm mang tính chất chuyên môn sâu, chuyên về công nghệ thông tin, viễn thông, tự động hóa nhưng được giao cho 1 Ban QLDA chuyên về đầu tư xây dựng công trình triển khai nên việc đầu tư, vận hành hệ thống giao thông thông minh cũng như duy tu, bảo dưỡng hệ thống này với những yêu cầu đặc thù sẽ gặp những khó khăn nhất định.

Bài 3: Hệ thống đèn tín hiệu giao thông ở Đà Nẵng vận hành ra sao? ảnh 3
Nút giao thông phía Đông cầu Rồng, TP. Đà Nẵng

Giao thông vận tải là vấn đề thực tế, cần có quá trình nghiên cứu và thực nghiệm, tính toán tối ưu chứ không phải là mình mua thiết bị về là cho kết quả tốt ngay được. Nghĩa là sản phẩm khi nghiệm thu hoàn thành cần phải có quá trình kéo dài hơn so với các công trình xây dựng thông thường, trong khi quy trình, quy định cho vấn đề này chưa có.

Đặc biệt, giao thông là ngành liên quan đến rất nhiều ngành, nhất là công nghệ thông tin, an ninh, cũng như cần chia sẻ, kết nối với một loạt cơ sở dữ liệu các ngành khác, nên cần phối hợp tốt, triển khai đồng bộ để đảm bảo tiến độ đầu tư, hiệu quả khai thác, sử dụng chung.

Giao thông thông minh gắn với phân tích Big Data

- Vừa qua, Đà Nẵng đã nhận được Giải thưởng giao thông thông minh Việt Nam 2022. Ông vui lòng chia sẻ về giải thưởng này?

Ông Bùi Hồng Trung: Giải thưởng là kết quả đóng góp của rất nhiều ngành, không riêng ngành giao thông vận tải. Thành tựu đó là kết quả của quá trình tích luỹ từ hệ thống cấp giấy phép lái xe, đăng ký kinh doanh, logistics và nhiều ngành nghề khác, chứ không chỉ đơn thuần là từ hệ thống đèn tín hiệu hay camera.

Bài 3: Hệ thống đèn tín hiệu giao thông ở Đà Nẵng vận hành ra sao? ảnh 4
Trung tâm giám sát giao thông bằng camera thông minh ở Đà Nẵng

Bên cạnh đó, phải có quá trình làm “dày” dữ liệu từ các cơ quan ở cấp Trung ương đến địa phương, kết nối và chia sẻ với nhau… từ đó giải quyết được các vấn đề đặt ra.

Theo tôi, thông minh hay không thì cần phải có dữ liệu đủ lớn để phân tích và sự chia sẻ dữ liệu đó với nhau, từ đó giải quyết các bài toán xuất phát từ yêu cầu thực tế.

- Giải thưởng giao thông thông minh có thể nói là bước tiến trong tiến trình chuyển đổi số của ngành cũng như của TP Đà Nẵng. Ông có thể chia sẻ một vài thành công của ngành và định hướng trong thời gian tới?

Ông Bùi Hồng Trung: Hiện tại, ngành giao thông đang xây dựng hệ thống chatbox để giải đáp yêu cầu của người dân, từng bước nâng cấp hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu. Ngành cũng đang ứng dụng CNTT để chuyển đổi số trong lĩnh vực và đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, góp phần tăng năng suất lao động trong điều kiện nhân lực biên chế của ngành. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần tăng cường nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ công nhân viên ngành và đưa ứng dụng vào công việc.

Về sản phẩm cụ thể, có thể kể đến bản đồ giao thông GIS được tích hợp dữ liệu, thông tin về công trình giao thông, quy mô tuyến đường, cấp phép thi công và tiếp tục đầu tư hệ thống camera giám sát trên các trục đường đô thị chính để quản lý, điều hành hệ thống giao thông thành phố, đồng thời phục vụ công tác quản lý, giám sát và theo dõi của người dân và cơ quan chức năng.

Trong tương lai, chúng tôi sẽ tích hợp thêm các công cụ, thiết bị để đo đếm tải trọng tự động đối với phương tiện lưu thông, quan trắc hệ thống cầu, hệ thống đo gió, hệ thống giám sát tàu thủy (chở khách du lịch đường thủy),… xây dựng đường truyền kết nối hệ thống dữ liệu đầu vào và hệ thống phân tích dữ liệu.

Chúng tôi sẽ sớm đề xuất thành lập trung tâm điều hành giao thông thông minh IOC của ngành theo đúng định hướng của thành phố. Song song đó sẽ hoàn thiện cơ sở vật chất cũng như văn bản pháp lý liên quan đến điều hành giao thông thông minh và kết nối vào hệ thống chung của TP trong đề án xây dựng TP thông minh chung.

- Cảm ơn ông!

Đón xem bài 4: Thí điểm không đèn tín hiệu, tránh ùn tắc ở một số nút giao ở Hà Nội


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO