Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Hải Dương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Hải Dương, trong năm 2021, Ban Chỉ đạo đã tham mưu, ban hành nhiều văn bản nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy quá trình CĐS như Nghị quyết của Tỉnh ủy, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết về CĐS giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; chuyển đổi IPv6 trong các cơ quan nhà nước tỉnh giai đoạn 2021-2023; thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số giữa tỉnh và Công ty CP FPT.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì triển khai các nhiệm vụ phục vụ cho các hoạt động chung của tỉnh gồm: Xây dựng Kiến trúc chính quyền số và ICT cho đô thị thông minh; Thuê dịch vụ wifi công cộng; Triển khai phần mềm chống mã độc theo Chỉ thị 14/CT-TTg; Thuê đường truyền số liệu chuyên dùng phục vụ việc dùng chung cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tỉnh Hải Dương; Nâng cấp và duy trì phần mềm chấm điểm chỉ số cải cách hành chính; Triển khai phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức; Xây dựng phần mềm Quản lý vận động viên các đội thể thao, Nâng cấp, mở rộng hệ thống số hóa và lưu trữ hiện hành tại Văn phòng UBND tỉnh; Mở rộng, nâng cấp xây dựng hệ thống tổng hợp số liệu tập trung thu chi ngân sách nhà nước cấp tỉnh, huyện; Mở rộng, nâng cấp xây dựng hệ thống tổng hợp số liệu tập trung về tài sản công cấp tỉnh, huyện; Xây dựng hệ thống quản lý và số hóa cơ sở dữ liệu; Xây dựng Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu vi bằng trên địa bàn tỉnh; Giải pháp số hóa kế hoạch phòng chống lụt bão; vị trí, tổ chức và lực lượng phương tiện điều hành và hệ thống báo cáo khắc phục thiên tai....
Đối với 03 dự án thành phần: “Xây dựng Hạ tầng công nghệ thông tin cho Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh”, “Xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh Hải Dương”, “Xây dựng Trung tâm giám sát an ninh không gian mạng (SOC)” đã được UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Sở Thông tin và Truyền thông đang tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện 03 dự án, đảm bảo kịp thời thực hiện các trình tự của quy trình đầu tư.
Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh thực hiện rà soát lại toàn bộ quy trình nội bộ và chuẩn hóa quy trình điện tử, hoàn thành cấu hình hơn 1.700 quy trình điện tử giải quyết thủ tục hành chính của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Rà soát các thủ tục hành chính đủ điều kiện để đưa lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; trình UBND tỉnh quyết định công bố 104 TTHC đủ điều kiện lên dịch vụ công mức 4. Hiện nay, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đang cung cấp 1.900 dịch vụ. Trong đó, mức độ 2 là 98 dịch vụ, mức độ 3 là 1.427 dịch vụ (75%), mức độ 4 là 375 dịch vụ (20%).
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, việc ứng dụng CNTT trong nền tảng số để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là hết sức cần thiết. Tỉnh cũng đã ứng dụng nhiều phần mềm, giải pháp, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh như: phần mềm quản lý xét nghiệm SARS-Cov-2, khai báo y tế điện tử, quét mã QR-code, phần mềm Smart Hải Dương, hệ thống Camera và thiết bị phát sóng wifi tại các chốt liên ngành cấp tỉnh và tại các khu cách ly tập trung, Tổng đài thông tin 1022…
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước tỉnh vẫn còn một số tồn tại, khó khăn nhất định. Đó là, việc triển khai một số nhiệm vụ, đề án CNTT còn chậm, chưa đạt được kết quả như mục tiêu đã đề ra. Chuyển đổi số trong cải cách hành chính chưa đạt được những kết quả cao. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tổng số thủ tục hành chính của tỉnh còn rất thấp so với mức trung bình cả nước. Hạ tầng công nghệ số ở cấp xã, phường còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu; nguồn nhân lực nội bộ các cơ quan, đơn vị, địa phương chuyên trách về ứng dụng công nghệ thông tin, trong chuyển đổi số còn hạn chế. Việc triển khai thực hiện Thỏa thuận hợp tác với một số đối tác còn chậm, chưa thực sự hiệu quả.
Năm 2022, Ban Chỉ đạo CĐS sẽ tập trung chỉ đạo, triển khai các giải pháp và nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh Chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực, từng bước hoàn thiện hạ tầng số cho xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh, phát triển kinh tế số và xã hội số. Dùng chuyển đổi số làm đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy KT-XH phát triển, bao gồm: Đưa vào hoạt động của các Trung tâm DC, IOC, SOC làm nền tảng cho chuyển đổi số; hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh; triển khai Kho dữ liệu dùng chung, phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở của tỉnh, thực hiện số hóa và sử dụng dữ liệu hiệu quả trong hoạt động của Chính quyền; triển khai Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số tỉnh Hải Dương, Bộ chỉ số đánh giá Chuyển đổi số để các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện Chuyển đổi số hàng năm của cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Hải Dương.…
Cũng trong năm 2022, Hải Dương phấn đấu kinh tế số chiếm 20% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%. Tỷ lệ hộ gia đình có đường truyền internet cáp quang băng rộng đạt 70%; bảo đảm toàn tỉnh không có vùng lõm trong phổ cập dịch vụ mạng di động 4G; bước đầu triển khai dịch vụ mạng di động 5G tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố. Tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt 70%; tối thiểu mỗi thôn, khu dân cư có 1 điểm truy cập wifi miễn phí. Tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử và chữ ký số cá nhân lần lượt đạt 70% và 20%. Tỷ lệ dân số có kỹ năng số cơ bản đạt 30%. Bước đầu triển khai xây dựng TP Hải Dương, TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn là đô thị thông minh.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương Nguyễn Cao Thắng báo cáo một số nội dung tại hội nghị. |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Triệu Thế Hùng ghi nhận nỗ lực của Sở Thông tin và Truyền thông, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh trong đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), đáp ứng nhu cầu ứng dụng và triển khai các nền tảng dùng chung toàn tỉnh. Các sở, ngành cũng đã chủ động xây dựng các phần mềm, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ bản đáp ứng được yêu cầu trong quản lý, điều hành của mỗi cơ quan, đơn vị. Kỹ năng sử dụng ứng dụng CNTT của lãnh đạo, chuyên viên cơ bản được nâng cao. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Hải Dương đã ứng dụng nhiều phần mềm, giải pháp, góp phần quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, hoạt động ứng dụng CNTT còn một số tồn tại, hạn chế. Việc triển khai một số nhiệm vụ, đề án CNTT còn chậm, chưa đạt được kết quả như mục tiêu đã đề ra. Chuyển đổi số trong cải cách hành chính chưa đạt kết quả cao. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tổng số thủ tục hành chính của tỉnh còn rất thấp so với mức trung bình cả nước. Hạ tầng công nghệ số ở cấp xã, phường còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu; nguồn nhân lực nội bộ các cơ quan, đơn vị, địa phương chuyên trách về ứng dụng CNTT, trong CĐS còn chưa được quan tâm. Việc triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác với một số doanh nghiệp, nhất là với Công ty CP FPT còn chậm.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng nhấn mạnh chuyển đổi số hiện nay là một xu thế tất yếu. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước. Quan điểm phát triển xuyên suốt, bao trùm trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần tứ XVII là: “Tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Hải Dương”.
Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh đề nghị thời gian tới, cơ quan thường trực cũng như các thành viên tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tập trung triển khai 3 dự án thành phần thuộc Đề án “Xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”. Đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương, đôn đốc hoàn thành, phối hợp các sở, ngành liên quan để đưa vào hoạt động 3 dự án này trong quý I/2022. Đẩy mạnh hỗ trợ thương mại điện tử, thanh toán điện tử, hóa đơn điện tử; tập trung hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử theo hướng “mỗi hộ sản xuất nông nghiệp là một gian hàng số”. Ưu tiên lựa chọn CĐS ở một số ngành, lĩnh vực nhằm cung cấp các tiện ích và trải nghiệm mới cho người dân trên quan điểm “người dân là trung tâm”. Tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Tăng cường hơn nữa việc triển khai các nội dung trong thỏa thuận hợp tác với Công ty CP FPT.../.