Hàng ngàn bài giảng bị vô hiệu hóa
Chia sẻ với PV Thanh Niên, Tiến sĩ Phan Hồng Đức (ĐH RMIT Melbourne, Úc), người sáng lập chương trình Nhịp cầu sinh ngữ với hàng trăm lớp học ngoại ngữ 0 đồng thu hút hàng ngàn học viên tham gia, cho biết: "Vào tối 31.8, kênh YouTube E-knowledge Sources bị YouTube khóa hoàn toàn do bị hacker tấn công, chiếu phim sex ở lớp học trực tuyến trong Zoom và nhắn những tin nhắn tục tĩu. Hàng ngàn video của hàng trăm khóa học không thể truy cập được nữa vì sự phá hoại của các hacker này".
Những lớp học ngoại ngữ trực tuyến 0 đồng do tiến sĩ Đức tổ chức thường xuyên bị hacker phá hoại NVCC |
Được biết, kênh YouTube E-knowledge Sources do tiến sĩ Đức lập nên vào tháng 11.2021 để livestream, lưu giữ gần 2.000 buổi học trực tuyến của hơn 100 lớp học với 11 ngoại ngữ được dạy miễn phí hoàn toàn cho các học viên khắp nơi. Chuỗi lớp học 11 ngoại ngữ gồm Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Nhật, Hàn, Thái, Trung, Quảng Đông cho người Việt và tiếng Việt cho người nước ngoài, thu hút hơn 100 giáo viên tình nguyện đến từ các nước Mỹ, Canada, Đức, Ý, Thụy Sĩ, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore và 150 tình nguyện viên hỗ trợ với hơn 90.000 lượt học viên.
Cao điểm mùa dịch Covid-19, có đến 10 lớp học được tổ chức mỗi ngày. Theo tiến sĩ Đức, với múi giờ khác biệt, giáo viên và tình nguyện một số nước hy sinh giờ làm việc và giảng dạy ở những khung giờ sáng sớm, đêm khuya, trong giờ hành chính... để lớp học diễn ra trong khung giờ phù hợp nhất, thuận tiện nhất cho cộng đồng người Việt ở Việt Nam và khắp nơi trên thế giới.
Đặc biệt là chuỗi lớp tiếng Đức cấp tốc học 2 buổi mỗi ngày dành cho cộng đồng người Việt ở Ukraine tị nạn qua Đức, học tiếng Đức để hòa nhập cuộc sống mới từ tháng 3.2022.
Một hacker thách thức |
Tiến sĩ Phan Hồng Đức chia sẻ các lớp học trên Zoom bị phá thường xuyên, gần như mỗi buổi học. Hacker đã dành quyền chia sẻ màn hình và chiếu các video 18+, hình ảnh nhạy cảm, nhắn vào khung chat các tin nhắn nội dung không phù hợp, tục tĩu, bậy bạ. Ngoài ra, hacker còn giơ tay, xung phong phát biểu để được mở mic và dùng thiết bị phóng đại âm lượng, phát những đoạn ghi âm thô tục, chửi bới, lời lẽ thô tục. Không dừng lại, hacker còn mở camera với các clip đồi trụy có cảnh phòng the.
"Để đối phó, hạn chế các rủi ro bị phá, ban tổ chức lớp học thường khóa hết tất cả các chức năng trong Zoom, đồng nghĩa với việc làm giảm hiệu quả của lớp học. Trong một số tình huống bắt buộc phải mở mic, mở chat để học viên tương tác, trả lời giáo viên thì chúng tôi đành chấp nhận rủi ro bị phá. Tuy nhiên, đôi lúc, dù các chức năng đã tắt hết, hacker vẫn có thể phá lớp học trên Zoom. Điển hình là tối 31.8 vừa qua, hacker mở chức năng camera, giáo viên vừa tắt chia sẻ màn hình thì camera của hacker hiện lên. Dường như họ canh sẵn, báo cáo tới tấp nên YouTube mới vô hiệu quá kênh nhanh như vậy", tiến sĩ Đức chia sẻ.
Mong YouTube xem xét mở lại kênh
Cô Nguyễn Minh Hiền, giáo viên tiếng Nhật ở trường THCS Nguyễn Trãi (Q.Ba Đình, Hà Nội), hiện là giáo viên tiếng Nhật tình nguyện của lớp học 0 đồng này, đồng thời tham gia hỗ trợ kỹ thuật tại lớp tiếng Đức cho cộng đồng người Việt tị nạn từ Ukraina sang Đức, cũng kể lại: "Tối đó, lúc bắt đầu vào lớp học, tôi sử dụng điện thoại, thì thấy có 2 nick quấy phá, tôi đã báo với tiến sĩ Đức và lập tức đẩy ngay 2 nick này ra, rồi chuyển sang máy tính để thao tác hỗ trợ được tốt hơn. Dù đã khóa camera, nhưng nick kia vẫn vào và mở được camera chiếu clip sex, chat bậy dẫn đến kênh bị khóa".
Theo cô Hiền phán đoán, có thể do đây là hoạt động giảng dạy miễn phí có thể ảnh hưởng đến lợi ích của ai đó nên bị phá. "Chúng tôi đã đã phải họp với nhau để tìm ra các đặc điểm nhận diện những đối tượng này để đầy nick họ ra nhanh nhất có thể. Giáo viên cũng tìm hiểu các công nghệ trong Zoom để đóng chat, mic và camera. Việc phá hoại này làm ảnh hưởng rất nhiều đến mong muốn và thiện tâm của người học lẫn người dạy. Học viên hiện nay không thể xem lại bài đã học do kênh không còn. Các lớp học vẫn diễn ra, nhưng những kiến thức không được lưu lại, học viên rất thiệt thòi".
Tiến sĩ Phan Hồng Đức tâm sự "bị mất kênh buồn như mất gia tài", giáo viên và tình nguyện viên tiếc nuối vì bao nhiêu tâm huyết và công sức của một năm qua đã bị hacker phá sạch.
"Nó còn là tinh thần, cảm xúc của tất cả chúng tôi, khi mà vào thời điểm lịch sử là dịch Covid-19 hoành hành trên toàn thế giới, chúng tôi đã cùng nhau học tập, chia sẻ kiến thức để vượt qua dịch bệnh. Chúng tôi rất mong phía Youtube dành thời gian xem xét để thấy được kênh này có nội dung hoàn toàn mang tính giáo dục vì cộng đồng. Việc vi phạm quy định như chiếu phim sex chỉ là sự cố bị hack. Từ đó, chúng tôi mong YouTube mở lại kênh này để lớp học 0 đồng tiếp tục cung cấp nguồn học liệu quý cho hàng ngàn học viên", tiến sĩ Đức bày tỏ.
Hãy dừng lại!
Chia sẻ về vấn đề này, ông Ngô Minh Hiếu, chuyên gia an ninh mạng tại Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, nhìn nhận: "Trong thời gian dịch Covid-19, nhiều lớp học trực tuyến cũng bị tấn công kiểu này. Có nhiều lý do, có thể hacker tấn công vì ganh tị cá nhân, vì muốn nổi tiếng hay thể hiện bản thân, hoặc chỉ là một trò đùa cho vui để thỏa mãn bản thân vì lợi ích cá nhân. Đa số những người tấn công là tuổi rất trẻ. Mong các bạn trẻ hãy dừng lại hành động phá hoại này. Đặc biệt là không nên phá những lớp học miễn phí vì đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa, đến từ những giáo viên và tình nguyện viên vô cùng tâm huyết với cộng đồng".
Theo ông Hiếu, việc tấn công bằng cách đưa hình ảnh, chiếu phim sex ở lớp học trực tuyến còn gây ảnh hưởng rất lớn đến người học ở lứa tuổi còn nhỏ khiến các em ảnh hưởng tâm lý. Chưa kể việc đó vi phạm quy định cộng đồng khiến kênh bị khoá, khiến học viên không thể truy cập để tiếp cận hàng ngàn bài học được đăng tải trước đó. "Dù vì bất cứ lý do gì, mong các bạn hãy dừng lại, suy nghĩ chín chắn hơn và nghĩ đến ảnh hưởng, tác hại của việc mình làm đối với nhiều người", ông Ngô Minh Hiếu kêu gọi.