Gần 2 năm nay, khi dịch COVID-19 xuất hiện, nhằm bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành thường xuyên và xuyên suốt trong toàn hệ thống từ tỉnh đến cơ sở, các cuộc họp, hội nghị phần lớn được chuyển sang hình thức trực tuyến.
Các hội nghị trực tuyến được kết nối đường truyền từ trung ương đến tỉnh, tỉnh đến huyện.
Các địa phương, đơn vị đã phối hợp ứng dụng linh hoạt các hệ thống, nền tảng hội nghị trực tuyến khác nhau trong điều kiện hạ tầng số của tỉnh còn hạn chế; ứng dụng hệ thống hội nghị trực tuyến từ Trung ương về tỉnh, từ tỉnh về các huyện, thành phố, thị xã thông qua hệ thống hội nghị truyền hình chuyên dụng của tỉnh, huy động hệ thống hội nghị trực tuyến của các doanh nghiệp (Viettel, VNPT). Đặc biệt, toàn tỉnh có 2 địa phương là thị xã Kỳ Anh và huyện Nghi Xuân đã thực hiện kết nối đường truyền trực tuyến từ cấp huyện xuống cấp xã.
Trong nội bộ của các ngành, của UBND cấp huyện, cấp xã cũng đã linh hoạt ứng dụng các nền tảng hội nghị trực tuyến như: Zoom Cloud Meeting, Microsoft Teams, Google Meeting và nền tảng Emeeting.vn...
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Ny Hương chia sẻ: "Thời gian qua, Tỉnh đoàn đã triển khai hiệu quả ứng dụng Webex để điều hành tác nghiệp trực tuyến. Cách làm này được áp dụng thường xuyên trong các hội nghị quy mô toàn đoàn với sự tham gia của cán bộ đoàn từ cấp tỉnh đến cơ sở. Nhờ vậy, công tác thông tin được đảm bảo xuyên suốt, liên tục; kỹ năng sử dụng công cụ trực tuyến của đội ngũ cán bộ đoàn ngày càng nâng cao.
Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn phát huy các phần mềm, hệ thống mạng xã hội để tổ chức các chương trình tọa đàm, diễn đàn, sinh hoạt đoàn, hội, đội trực tuyến thu hút sự tham gia, tương tác của đông đảo đoàn viên, thanh thiếu nhi. Qua đó, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, tập hợp giới trẻ trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp".
Nhiều hội nghị còn được trực tuyến qua phần mềm Zoom Cloud Meeting; Microsoft Teams; Skype… (Trong ảnh: Hội nghị trực tuyến do Tỉnh đoàn Hà Tĩnh tổ chức).
Không chỉ vậy, ở thời điểm khi một số địa phương phải thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, một số cơ quan, đơn vị, địa phương như Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh, Văn phòng Tỉnh ủy, Cục Hải Quan, Sở NN&PTNT, Sở Tài nguyên và môi trường, TX Hồng Lĩnh... nhanh chóng phân công quân số, làm việc trực tuyến và trực tiếp. Lúc này, ứng dụng CNTT trong điều hành, quản lý và làm việc càng phát huy tối đa.
Linh hoạt trong bối cảnh dịch bệnh, hàng nghìn nhóm từ các cụm dân cư, tổ liên gia, thôn, khối phố đến các cấp xã, huyện, tỉnh hay các sở, ban, ngành cũng được lập trên các mạng xã hội zalo, facebook nhằm chia sẻ thông tin, trao đổi công việc nội bộ nhanh chóng, kịp thời... Các cổng thông tin điện tử, fanpage các sở, ngành, địa phương, đơn vị cũng hoạt động hiệu quả hơn với việc liên tục cập nhật các thông tin mới trên các mạng xã hội.
Ông Nguyễn Nhất Tiến - Trưởng thôn Đông, xã Sơn Châu (Hương Sơn) theo sát diễn biến thông tin dịch bệnh, các chỉ đạo của xã để kịp thời chuyển tải về nhóm, thông tin đến bà con.
Ông Nguyễn Nhất Tiến - Trưởng thôn Đông, xã Sơn Châu (Hương Sơn) chia sẻ: “Trong bối cảnh dịch bệnh, để hạn chế tiếp xúc mà vẫn điều hành được công việc, nắm bắt được thông tin, tôi chủ yếu liên hệ qua nhóm zalo và điện thoại. Hiện tôi đang tham gia 6 nhóm zalo điều hành và tiếp nhận thông tin từ cấp. Cách này rất hiệu quả, thông suốt và đảm bảo thông tin, điều hành nhanh chóng, kịp thời, an toàn phòng dịch”.
Bên cạnh đó, trong giải quyết các thủ tục hành chính, các tổ chức, cá nhân cũng đang dần thay đổi thói quen từ nộp hồ sơ trực tiếp sang tăng cường nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công của tỉnh (địa chỉ: https://dichvucong.hatinh.gov.vn) hoặc nộp qua dịch vụ bưu chính công ích.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh khuyến khích tổ chức, cá nhân tăng cường nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công của tỉnh hoặc nộp qua dịch vụ bưu chính công ích.
Thống kê từ 25/7 đến 25/8, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đạt 33,12%, tăng hơn 9% so với tháng 6/2021 và tăng trên 21,42% so với cùng kỳ năm 2020. Số lượng hồ sơ trả qua dịch vụ bưu chính công ích tháng 7/2021 đạt 86.969 hồ sơ, tăng hơn 6.000 hồ sơ so với tháng 6/2021. Đặc biệt, số dịch vụ công được đồng bộ từ Cổng Dịch vụ công của tỉnh lên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 447 dịch vụ.
Điểm quét mã QR khai báo y tế tại Sở Ngoại vụ.
Ngoài ra, nhằm hỗ trợ trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Sở Thông tin và truyền thông Hà Tĩnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương hướng dẫn và tổ chức thiết lập đăng ký “Điểm kiểm dịch”, quét mã QR tại trụ sở các cơ quan, đơn vị nhằm kiểm soát người vào, ra và khai báo y tế điện tử, phục vụ truy vết nhanh khi cần thiết; tuyên truyền tất cả người dân có điện thoại thông minh cài đặt, sử dụng ứng dụng Bluezone, NCOVI, tokhaiyte.vn; đưa vào sử dụng bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19 tại địa chỉ https://covidmaps.hatinh.gov.vn/...
Sở Thông tin và truyền thông đưa vào sử dụng bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19.
Đối với ngành Y tế, việc triển khai ứng dụng CNTT cũng được thực hiệu quả thông qua triển khai nền tảng khai báo điện tử; quản lý tiêm chủng COVID-19; hệ thống Robot call (tổng đài tự động) truy vết phòng, chống dịch COVID-19; triển khai các giải pháp khám chữa bệnh từ xa…
BVĐK thành phố Hà Tĩnh tham gia các chương trình hội chẩn khám chữa bệnh trực tuyến của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Mỹ Loan
Ngành giáo dục cũng đã tổ chức lễ khai giảng trực tuyến, học trực tuyến đối với cấp học THCS và THPT. Chị Nguyễn Thị Lưu - phụ huynh học sinh trường THCS Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) bộc bạch: “Sẽ có những khó khăn trong tiếp cận và bộc lộ một số hạn chế trong quá trình dạy học trực tuyến nhưng đây đang là giải pháp tối ưu nhất để việc học tập của các em học sinh không bị gián đoạn, ngắt quãng quá lâu, trong khi dịch diễn biến phức tạp”.
Đặc sản bưởi Phúc Trạch lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn.
Không dừng lại trong điều hành công vụ, ứng dụng CNTT trong bối cảnh dịch còn góp phần đưa các sản phẩm nông sản, nông nghiệp của người dân Hà Tĩnh lên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Mới đây nhất, hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ bưởi Phúc Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh) kết nối trực tuyến với hơn 300 điểm cầu thông qua phần mềm Zoom đến các đại biểu ở Trung ương, tỉnh bạn và trong tỉnh được tổ chức thành công cũng đã góp phần hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh. Qua đó, mở ra phương thức mới, kênh bán hàng mới, lâu dài cho nông dân Hà Tĩnh, tạo động lực thúc đẩy chuyển đối số trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Việc ứng dụng CNTT, đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, mọi mặt của đời sống xã hội vừa là xu hướng, nhưng đồng thời là giải pháp tối ưu nhất trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Sở TT&TT Hà Tĩnh đang tích cực tham mưu chiến lược chuyển đổi số một cách toàn diện và đồng bộ trên địa bàn tỉnh, đồng thời tăng cường huy động sự hỗ trợ từ các các doanh nghiệp viễn thông, bưu chính và các doanh nghiệp công nghệ tham gia sâu hơn, thường xuyên hơn để phát triển hạ tầng số, các nền tảng số trên địa bàn tỉnh.