Trong các mục tiêu cụ thể về phát triển Chính quyền số và Xã hội số Lạng Sơn đến năm 2025, Nghị quyết của Tỉnh ủy đã nêu rõ yêu cầu về ứng dụng trợ lý ảo (Chatbot) để hỗ trợ các cán bộ, công chức, viên chức trong công việc và giúp người dân, doanh nghiệp thuận tiện hơn trong thực hiện thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công trực tuyến do các cơ quan nhà nước của tỉnh cung cấp. Cụ thể, một trong những mục tiêu phát triển chính quyền số Lạng Sơn là đến năm 2025, 100% cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước có ít nhất 1 trợ lý ảo hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức trong môi trường làm việc. Về phát triển xã hội số, cùng với các chỉ tiêu như trên 50% người dân có tài khoản thanh toán điện tử, ví điện tử; 100% hộ gia đình có địa chỉ số…cũng đến năm 2025, 100% người dân và doanh nghiệp tại Lạng Sơn sẽ được trợ lý ảo hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Việc xây dựng trợ lý ảo hỗ trợ công chức, viên chức trong quản lý nhà nước là bước đi trong lộ trình chuyển đổi số tại tỉnh Lạng Sơn nhằm mục tiêu sớm đưa Lạng Sơn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu quốc gia về chuyển đổi số.
Trên thực tế, từ giữa năm 2021, Sở TT&TT Lạng Sơn đã khởi động việc triển khai xây dựng trợ lý ảo hỗ trợ công chức, viên chức Lạng Sơn trong công tác quản lý nhà nước.
Trợ lý ảo hỗ trợ được xây dựng với 5 tiêu chí cứng về chức năng, công nghệ, giao diện, hiệu năng, an toàn bảo mật. Trong đó, có 7 yêu cầu về tiêu chí chức năng gồm: Tìm kiếm, phân tích, thiết kế các kịch bản trả lời đúng các nội dung liên quan đến văn bản quy phạm pháp luật của các ngành; tương tác người sử dụng với trợ lý ảo bằng giọng nói thực hiện trên Mobile app và Text; hiểu được ngôn ngữ tự nhiên để phân tích nội dung người sử dụng nhập vào và xác định được ý định đúng của người dùng, bao gồm cả trường hợp người dùng nhập gần đúng. Từ đó, trợ lý ảo trả về kết quả tương ứng; nhúng được vào các phần mềm như: Cổng thông tin điện tử, một cửa điện tử, Zalo, Facebook; xây dựng hệ thống pháp luật pháp điển hóa; phân tích, tổng hợp và dự thảo ra file word các mẫu văn bản như giấy mời, tờ trình, báo cáo, quyết định… và kết nối được với các hệ thống báo cáo, cơ sở dữ liệu.
Sau khi xem xét năng lực, nguồn lực của doanh nghiệp và sản phẩm công nghệ của doanh nghiệp đã phát triển trên thị trường được ứng dụng hiệu quả, Sở Thông tin và Truyền thông đã báo cáo UBND tỉnh và đề xuất lựa chọn: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT Lạng Sơn) triển khai thí điểm Trợ lý ảo cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; Công ty Cổ phần tin học Lạc Việt triển khai thí điểm Trợ lý ảo cho cán bộ, công chức, viên chức trong môi trường làm việc.
Sở Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai thí điểm trong thời gian 03 tháng. Kết thúc thời gian thí điểm, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan báo cáo kết quả thực hiện và đề xuất UBND tỉnh triển khai chính thức, thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ.