Ghi nhãn điện tử - Một cách tiếp cận ghi nhãn hiện đại, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0

TS. Trần Quốc Tuấn | 15/06/2021, 15:43

Ngày nay chúng ta đang sống trong thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng công nghệ 4.0) mà những thành tựu của nó đã và đang được ứng dụng vào mọi mặt của sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội trên phạm vi thế giới. Do vậy, việc nghiên cứu triển khai ghi nhãn hàng hóa theo phương thức điện tử, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 đối với nhãn hàng hóa là rất quan trọng và cần thiết, tạo thuận lợi cho thương mại và hợp tác kinh tế quốc tế.

Ghi nhãn theo phương thức điện tử (sau đây viết tắt là ghi nhãn điện tử) là gì? Đó là một cách sử dụng công nghệ 4.0, hỗ trợ ghi nhãn bằng phương pháp vật lý truyền thống (dán, in, đính, đúc, chạm, khắc…) để các nhà sản xuất công bố các thông tin, nội dung cần thiết về sản phẩm, hàng hóa mà những nội dung này nếu  thể hiện theo phương pháp vật lý truyền thống như in, đính kèm…. sẽ tốn rất nhiều thời gian, chi phí, bảo quản, vận chuyển...  Ghi nhãn điện tử giúp thể hiện không những các nội dung ghi nhãn bắt buộc theo quy định của pháp luật mà còn có thể cung cấp các thông tin bổ sung khác cần thiết cho người tiêu dùng trên nhãn hàng hóa hiển thị thông qua phương tiện điện tử và/hoặc hiển thị trên màn hình.

10

Nhãn điện tử không thay thế hoàn toàn cho nhãn vật lý thông thường, mà chỉ là hỗ trợ  việc thể hiện  những nội dung bắt buộc, cần thiết của nhãn hàng hóa (Ví dụ  các nội dung bắt buộc của nhãn hàng hóa như  hướng dẫn sử dụng, thông số và tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn bảo quản, thông tin cảnh báo... mà việc in ấn  những nội dung này tốn kém nhiều chi phí cho doanh nghiệp). Hàng hóa  vẫn phải có  nhãn  vật lý với những nội dung cơ bản  để người tiêu dùng nhận biết trực quan khi xem hàng , mua hàng qua đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quyền lợi của các doanh nghiệp chân chính cũng như  đảm bảo  công tác quản lý nhà nước.  Không  được phép kinh doanh hàng hóa  trắng  trơn, không có nhãn (nhãn vật lý) mà khi người tiêu dùng cần xem hàng, mua hàng thì lên “mây” (Icloud), lên “Web”…  mà xem!

Lợi ích của ghi nhãn điện tử

Đối với nhà sản xuất, nhãn điện tử là một phương thức tự nguyện mà họ có thể lựa chọn để hỗ trợ cho phương pháp ghi nhãn các thông tin bắt buộc truyền thống. Nhãn điện tử đặc biệt có tác dụng khi sản phẩm đang có xu hướng nhỏ đi về kích thước, nhãn điện tử cũng giúp cắt giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy đổi mới sáng tạo thiết kế sản phẩm, và làm lợi cho môi trường thông qua việc cắt giảm các chất thải được tạo ra trong quá trình sản xuất và in nhãn vật lý. Do không bị hạn chế bởi kích thước hiển thị của nhãn khi sử dụng ghi nhãn theo phương thức điện tử, nhà sản xuất có thể tự quyết định cung cấp bổ sung thêm thông tin gì như là một phần trong chiến lược hậu mãi hoặc dịch vụ khách hàng của họ, ngoài các thông tin tối thiểu phải cung cấp trên nhãn theo quy định pháp luật. Nhãn điện tử cho phép sản phẩm mới tiếp cận thị trường nhanh hơn.

11

Giảm bớt tác động đối với môi trường

Nhãn điện tử cho phép các nhà sản xuất giảm bớt lượng vật liệu sử dụng để in, dán nhãn và thay thế nhãn. Điều đó cũng có nghĩa là giảm lãng phí liên quan đến việc thu hồi sản phẩm và thay thế nhãn  (đi kèm với việc phải thay toàn bộ thân sau của sản phẩm) nếu yêu cầu thay đổi được đưa ra sau khi sản phẩm đã được sản xuất và phân phối. Hơn nữa, nhãn điện tử cũng giúp các nhà sản xuất có thể dễ dàng thông tin chi tiết cho người tiêu dùng về cách xử lý sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường. Với thông tin tốt hơn và dễ tiếp cận hơn, mức độ tuân thủ, ví dụ như các quy định về tái chế, có thể sẽ tăng lên.

Thuận lợi đối với đổi mới sáng tạo sản phẩm

Do đổi mới công nghệ, nhiều sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông (Information & Communication Technologies - ICT) đang thu hẹp kích thước, yêu cầu ghi nhãn vật lý sẽ có thể trở thành một hạn chế thiết kế, làm các nhà sản xuất phải thay đổi thiết kế tối ưu của sản phẩm cho phù hợp nhãn. Nhãn điện tử sẽ tạo thuận lợi cho việc đổi mới sản phẩm theo hướng trên mà vẫn đáp ứng yêu cầu về ghi nhãn, đồng thời việc thay đổi thiết kế có thể rút ngắn thời hạn ra mắt sản phẩm mới.

12

Nhãn hàng hóa  sống động và tương tác thân thiện với người tiêu dùng

Các nhãn vật lý thường tĩnh và khó cập nhật – mất thời gian và tiền bạc để thu hồi sản phẩm, loại bỏ và thay thế nhãn vật lý. Ngược lại, nhãn điện tử có thể đóng vai trò như các trang web tương tác giúp thông tin sản phẩm có thể được cập nhật từ xa để giải quyết mọi vấn đề của người dùng, chi tiết liên hệ của nhà sản xuất, thay đổi theo quy định, những điểm không chính xác, chẳng hạn như lỗi đánh máy. Bằng cách này, bản thân các nhãn điện tử cũng dễ thay đổi hơn và chi phí rẻ hơn.

Tiết kiệm chi phí

Vì các sản phẩm ICT trở nên nhỏ hơn và bắt mắt hơn, việc ghi hoặc sử dụng nhãn vật lý đòi hỏi nhiều thời gian thiết kế và thiết bị đắt tiền. Các nhà sản xuất đã chi một số tiền đáng kể để xây dựng, kiểm soát, bảo trì và sản xuất nhãn hiệu sản phẩm, bao bì và các tài liệu hướng dẫn thường được sử dụng để chuyển tải thông tin chứng nhận theo yêu cầu hoặc thông tin về điều kiện sử dụng. Những chi phí này sẽ tăng lên nếu các nhà sản xuất phải sửa đổi nhãn  do thay đổi trong yêu cầu ghi nhãn. Nhãn điện tử giúp cắt giảm hoặc loại bỏ các chi phí này mà không làm mất quyền truy cập của người dùng vào các thông tin quy định có liên quan. Vì vậy, ghi nhãn điện tử là một phương thức ghi nhãn hiệu quả hơn về chi phí, giúp giảm thiểu chi phí của hàng hóa ICT, điều này nhìn rộng hơn sẽ thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi các sản phẩm ICT cũng như các lợi ích kinh tế-xã hội từ đó.

Đối với người tiêu dùng, nhãn điện tử cho phép người tiêu dùng tiếp cận thông tin dễ dàng hơn, cung cấp nhiều thông tin hơn so với nhãn vật lý thông thường. Nhãn điện tử tạo một cơ chế dễ tiếp cận hơn để người sử dụng tìm nhãn hiệu mà họ quan tâm, đi kèm với tuyên bố và hướng dẫn về sản phẩm, cũng như bất kỳ chi tiết nào khác mà nhà sản xuất muốn đưa vào, như bảo hành sản phẩm, chi tiết liên hệ, tái chế và cơ hội kinh doanh. Ngoài ra, nhãn điện tử có thể dễ tiếp cận, bao quát và dễ đọc hơn vì nó không bị hạn chế bởi yếu tố kích thước liên quan tới việc hiển thị thông tin điện tử, trái hẳn với các phông chữ nhỏ thường được sử dụng trong các tuyên bố in kèm với các sản phẩm ICT được bán ra trên thị trường.

Những lợi ích này của nhãn điện tử giúp người tiêu dùng dễ so sánh sản phẩm hơn và khuyến khích các ý kiến phản hồi tích cực để đổi mới sản phẩm, đặc biệt là khi nhà sản xuất tự nguyên tham gia các chương trình dán nhãn, ví dụ nhãn tiết kiệm năng lượng hoặc nhãn môi trường. Nhờ truy cập trực tuyến các thông tin quy định và các thông tin khác về sản phẩm, người tiêu dùng có thể xác định được sản phẩm nào có những nhãn nào và mua hàng theo sở thích.

Đối với cơ quan quản lý , nhãn điện tử cho phép các cơ quan quản lý và/hoặc các cơ quan có thẩm quyền tiếp cận thông tin tuân thủ mới nhất, và có thể hỗ trợ việc ngăn chặn hàng giả lưu thông trên thị trường. Các cơ quan quản lý có thể dễ dàng kiểm tra xem liệu nhà sản xuất có tuân thủ các yêu cầu về ghi nhãn điện tử (kể cả các yêu cầu thay đổi) hay không bằng cách kiểm tra nhãn điện tử trên các thiết bị có màn hình tích hợp hoặc bằng cách kiểm tra trang web được chỉ định của sản phẩm trong trường hợp sử dụng một mã hoặc một liên kết tới các thiết bị không có màn hình.

Tình hình áp dụng ghi nhãn điện tử trên thế giới:

Chính vì những lợi ích to lớn của ghi nhãn điện tử mà trên thế giới đã  có nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành hàng áp dụng. Xu thế áp dụng ghi nhãn điện tử ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới, được các doanh nghiệp và người tiêu dùng hưởng ứng. Theo số liệu khảo sát gần đây cho thấy 76% doanh nghiệp châu Âu được khảo sát cho biết họ sẽ áp dụng nhãn điện tử nếu có, 75% các công ty tin rằng dán nhãn điện tử sẽ cải thiện tình hình kinh doanh hiện tại và 71% là ý kiến, rằng nó sẽ có tác động tích cực đến môi trường (có thể làm giảm gánh nặng môi trường), nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp bằng cách giảm chi phí, trong khi duy trì hoặc nâng cao mức độ an toàn và có lợi cho người dùng.

Các cơ quan quản lý chức năng ở Úc, Canada, Trung Quốc, Châu Âu, Nhật Bản, Philippines, Pakistan, Singapore, Malaysia, New Zeland, Nam Phi, Hàn Quốc, Samoa, Đài Loan, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất và Hoa Kỳ đã chấp nhận quy định sử dụng nhãn điện tử trong quá trình lưu thông hàng hóa đối với các thiết bị điện tử và một số loại hàng hóa khác.

Ví dụ, Cơ quan quản lý Dược và Thực phẩm (FDA) của Hoa kỳ đã phê duyệt việc sử dụng nhãn điện tử cho các thiết bị y tế theo toa dành cho các cơ sở chăm sóc sức khỏe của Hoa Kỳ vào năm 2003. Tại Liên minh Châu Âu, hướng dẫn cung cấp, hướng dẫn sử dụng nhãn điện tử (EIFU) cho các thiết bị chẩn đoán in vitro đã có từ năm 2007. Quy định số 207/2012 của Ủy ban châu Âu cho phép các thiết bị y tế được áp dụng ghi nhãn điện tử ở tất cả các quốc gia thành viên EU…

Kết luận

Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII  của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ “Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”. Việc ứng dụng công nghệ 4.0, áp dụng ghi nhãn điện tử là một biện pháp có hiệu quả để khắc phục những hạn chế của nhãn vật lý đã được nhiều nước trên thế giới quy định và hướng dẫn thực hiện trong nhiều năm qua đã và mang lại những hiệu quả thiết thực cho kinh tế,xã hội, môi trường, hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và cộng đồng/người tiêu dùng.

Để hoàn thiện hành lang pháp lý, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước  đối với nhãn hàng hóa  nói chung và nhãn hàng hóa được ghi theo phương thức điện tử nói riêng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh áp dụng công nghệ 4.0 và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời đại kinh tế số, cần thiết phải có văn bản quy định của pháp luật được ban hành bởi  cơ quan có thẩm quyền về lĩnh vực này./.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO