Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc là một trong 4 trưởng ngành sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội, dự kiến vào sáng 8/6. Trong báo cáo phục vụ chất vấn vừa gửi Quốc hội, ông cho biết, số thu thuế của các nền tảng xuyên biên giới bình quân trên 1.100 tỷ đồng một năm. Từ năm 2018 đến hết tháng 4 năm nay, thông qua các tổ chức tại Việt Nam (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài), các nền tảng này đã khai, nộp 5.111 tỷ đồng. Trong đó, số thuế Facebook đã nộp là 1.965 tỷ đồng, Google cũng nộp 1.902 tỷ và Microsoft là 651 tỷ đồng.
Như vậy, so với số liệu Bộ trưởng Phớc báo cáo hồi tháng 3, số thuế thu được từ các nền tảng số đến nay tăng thêm 1.100 tỷ đồng.
Ngoài số này, cơ quan thuế cũng truy thu được 735 tỷ đồng từ xử lý vi phạm, chống thất thu với các cá nhân, tổ chức có thu nhập từ cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới, kinh doanh thương mại điện tử. Riêng số thu khoản này trong 4 tháng đầu năm là 176 tỷ.
Tuy nhiên, với đặc trưng nền kinh tế số, thương mại điện tử phát triển nhanh, Bộ trưởng Tài chính cho hay, quản lý, thu thuế gặp nhiều thách thức.
Đầu tiên là khả năng quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế. Hiện, việc thu thuế này tại phần lớn các quốc gia dựa trên sự hiện diện của người nộp thuế, trong khi doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh nền tảng số, xuyên biên giới có thể phân bổ thu nhập về địa điểm có lợi nhất về thuế theo quy định từng nước.
Khó khăn nữa là không xác định được căn cứ tính thuế. Thực tế, sự hiện diện trong không gian số không nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật thuế hiện tại. Điển hình cho hoạt động này là quảng cáo trực tuyến và các hoạt động tương tác thông qua nền tảng các mạng xã hội.
Mặt khác, cũng khó phân biệt rõ thu nhập làm cơ sở đánh thuế. Ví dụ, doanh thu liên quan đến phần mềm, sản phẩm nội dung thông tin số, các ứng dụng đăng tải trên mạng,... rất khó để xác định số tiền chi trả cho bản quyền, phí dịch vụ hay lợi nhuận kinh doanh.
Ngoài ra, mô hình kinh tế chia sẻ, như Grab, khó xác định là dịch vụ vận tải hay cung cấp dịch vụ kết nối để lấy làm căn cứ kê khai, tính thuế giá trị gia tăng.
Việc kiểm soát dòng tiền trên các nền tảng số, sàn thương mại điện tử cũng không dễ dàng, khi các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khá đa dạng (qua ngân hàng, thanh toán ngang hàng P2P... ).
Ở Việt Nam, kiểm soát giao dịch kinh doanh thương mại điện tử trong nước khó khăn khi hệ thống thanh toán theo hình thức COD (trả tiền mặt khi giao hàng) phổ biến hơn các hình thức không dùng tiền mặt.
Để quản lý và tránh thất thu thuế trong kinh doanh nền tảng số, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, các quy định về quản lý thuế (thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, doanh nghiệp) sẽ được sửa, bổ sung. Việc sửa này theo hướng các tổ chức trung gian thanh toán, đối tác nhà cung cấp nền tảng số nước ngoài và chủ sở hữu sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp thông tin, khai thuế, nộp thuế thay cho người bán. Ngành thuế cũng nâng cấp hạ tầng công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý thuế, quản lý rủi ro với thương mại điện tử...