‘Trải nghiệm nhập vai’, cuộc đua mới của các nhà mạng

04/06/2022, 07:17

Với đà phát triển mạnh mẽ của công nghệ 5G, các hãng viễn thông đang chuẩn bị bước vào cuộc đua đem lại trải nghiệm mới lạ cho khách hàng.

Kỷ nguyên thực tế ảo

Với sự phát triển của công nghệ trong 2 thập kỷ qua, kỳ vọng cũng như hành vi mua sắm của khách hàng đã thay đổi đáng kể. Do đó, các nhà mạng viễn thông tiếp tục phải tự tái tạo và đầu tư vào các công nghệ mới song song với việc đảm bảo lợi nhuận từ các mảng kinh doanh cốt lõi.

Năm 2020, các nhà mạng đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng 5G hơn 8 tỷ USD, chiếm 21,3% tổng đầu tư cơ sở hạ tầng không dây. Để có thể thu lại số vốn đã bỏ ra đầu tư, các nhà mạng cần đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mới mẻ, tận dụng được sự phát triển của công nghệ 5G và công nghệ thông tin nói chung. Một trong các công nghệ được các nhà mạng đẩy mạnh nghiên cứu triển khai gần đây là “trải nghiệm nhập vai” (immersive experience).

‘Trải nghiệm nhập vai’, cuộc đua mới của các nhà mạng

Công nghệ thực tế ảo (Virtual reality – VR) và thực tế tăng cường (Augmented reality – AR) là các công nghệ chủ chốt trong trải nghiệm nhập vai. Do đó không bất ngờ khi các nhà mạng hàng đầu thế giới đều đang đầu tư mạnh mẽ cho các lĩnh vực trên. Công nghệ VR là trải nghiệm mô phỏng kỹ thuật số tạo ra bởi máy tính, có thể giống hoặc khác hoàn toàn với thế giới thực, trong đó người dùng vẫn có thể cảm nhận môi trường này qua các giác quan khác nhau. Trong khi đó, công nghệ AR cho phép lồng ghép các thông tin ảo với các vật thể trong thế giới thực, cho phép người sử dụng tương tác với các nội dung số trong thực tại.

KT, công ty viễn thông lớn nhất Hàn Quốc, tuyên bố phát triển dịch vụ giải trí thực tế ảo cho hành khách trên các chuyến bay. SK Telecom, một nhà mạng lớn khác cũng công bố hợp tác với Microsoft hướng đến tạo ra các nội dung ứng dụng công nghệ mô phỏng AR/VR. Nhà mạng T-Mobile cũng định hướng chiến lược phát triển gắn với AR/VR ứng dụng mạng lưới 5G tốc độ cao phục vụ nhiều ngành công nghiệp, từ chăm sóc sức khỏe cho tới sản xuất chế tạo, nông nghiệp…

Miếng bánh hấp dẫn

Thị trường nội dung nhập vai đang trở thành một miếng bánh hấp dẫn với các nhà cung cấp dịch vụ di động, đặc biệt trong bối cảnh mạng 5G được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của nội dung thực tế mở rộng. Bên cạnh đó, tình hình đại dịch Covid-19 đã làm phát sinh nhu cầu các dịch vụ từ xa, không tiếp xúc trực tiếp.

Theo Bộ Khoa học và ICT Hàn Quốc, thị trường nội dung nhập vai toàn cầu kỳ vọng sẽ tăng trưởng cán mốc 363 tỷ USD vào năm 2023, gấp 6 lần chỉ trong 6 năm kể từ năm 2017.

SK Telecom, một nhà mạng lớn của Hàn Quốc đã có kế hoạch sản xuất các nội dung truyền thông phổ biến và hấp dẫn cho các công ty giải trí, quảng cáo, thể thao cũng như giáo dục; đồng thời khai thác thị trường toàn cầu thông qua cung cấp các dịch vụ Jump AR/VR (mô phỏng thực tế tăng cường cung cấp các dịch vụ giải trí đa dạng, gồm cả chụp ảnh với hình đại diện 4D của người nổi tiếng).

Trong khi đó, Felix&Paul Studios, hãng chuyên làm phim thực tế ảo, đã ký kết hợp đồng đồng tài trợ và phân phối với nhóm liên minh các công ty viễn thông toàn cầu để thực hiện chương trình ghi lại cuộc sống của các phi hành gia trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Không chỉ người dùng hưởng lợi

Sự phát triển của AR/VR không chỉ góp phần tạo ra các sản phẩm nội dung nhập vai đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mới lạ mà còn có thể được ứng dụng trong các khâu hoạt động khác của công ty viễn thông và nhà mạng.

Để đảm bảo dịch vụ người dùng cuối không bị gián đoạn, các công ty viễn thông và nhà mạng thường tiến hành kiểm tra và bảo trì mạng lưới liên tục. Các hoạt động này thường tốn kém và tẻ nhạt. Bằng cách triển khai giải pháp dựa trên các công nghệ thực tế mở rộng, các công ty viễn thông có thể giảm thiểu đáng kể chi phí và thời gian, do các chuyên gia thay vì phải trực tiếp xuống hiện trường giờ đây có thể kết nối với thiết bị từ xa.

Các chương trình đào tạo, huấn luyện nhân viên cũng sẽ là những lĩnh vực được hưởng lợi từ các nội dung số nhập vai. Thông qua việc sử dụng công nghệ AR/VR, các nhà mạng có thể đem tới cho học viên những trải nghiệm thực tế phong phú nhưng cũng không ảnh hưởng tới mạng lưới thực tế và hoạt động của công ty.

Xu hướng tất yếu hậu Covid-19

Nhu cầu số hoá hoàn toàn là không thể tránh khỏi nhằm duy trì các dịch vụ thiết yếu duy trì kết nối và liên lạc liên tục. Điều này càng rõ ràng hơn trong bối cảnh đại dịch toàn cầu diễn ra. Công nghệ mô phỏng và nội dung nhập vai sẽ là bước nhảy vọt tiếp theo trong hành trình số hoá của các công ty viễn thông và các nhà mạng.

Các nhà sản xuất hàng đầu, nhà cung cấp thiết bị, hay nhà phát triển ứng dụng trong không gian AR/VR đã đẩy mạnh các khoản đầu tư lớn cho lĩnh vực này. Gần đây, Qualcomm đã phát triển quan hệ đối tác với các nhà khai thác mạng viễn thông gồm Sprint, Telstra, SK Telecom, LG Uplus và Swisscom. Verizon phối hợp với công ty sản xuất kính thực tế mô phỏng ThirdEye Gen và khoản đầu tư 280 triệu USD của NTT DoCoMo vào Magic Leap, một trong những AR/VR tiên phong.

Với sức mạnh của công nghệ thực tế ảo, các công ty viễn thông đang đứng trước cơ hội kinh doanh mới khi tham gia vào hệ sinh thái AR/VR, đồng thời đây cũng là công cụ hiệu quả để nâng cao hiệu suất xử lý công việc trong kỷ nguyên số hoá hoàn toàn.

Vinh Ngô


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO