Dự án Blockchain tại Việt Nam: GameFi, theo “trend”, lừa đảo

13/06/2022, 09:46

Hơn 600 dự án Blockchain đã ra đời tại Việt Nam, tuy nhiên rất ít dự án làm thật, bên cạnh đó đa phần các dự án chạy theo “trend”, có cả lừa đảo và “lùa gà”.

Sau GameFi là theo trend “Move to Earn”

Sự thành công của Axie Infinity đã kéo theo phong trào GameFi (game kết hợp công nghệ blockchain và tài chính phi tập trung) phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam gần 1 năm trở lại đây, hàng loạt dự án đã ra đời và tăng nhanh kỷ lục. Phát biểu trong một sự kiện mới đây được tổ chức ở Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, con số dự án Blockchain đã lên tới khoảng 600, trong đó chủ yếu là các dự án về GameFi.

 Một dự án GameFi tại Việt Nam - Ảnh: Lê Mỹ

Những dự án ra đời ở thời gian đầu “trend” (xu hướng) GameFi với lợi nhuận x10 thậm chí là cả x100 cho nhà đầu tư, kéo theo đó là việc các nhà đầu tư trong nước và trên thế giới liên tục đổ hàng triệu đến chục triệu USD vào các game, đã thu hút rất nhiều người nhảy vào lĩnh vực này. Việt Nam trở thành một “công xưởng” đẻ ra các dự án GameFi, khi bên cạnh các studio sản xuất game có tiếng từ trước đến nay, còn xuất hiện thêm các tầng lớp như kinh doanh bất động sản, đào tạo, Digital Marketing, gia công phần mềm, thậm chí là kinh doanh đa cấp… Những thành phần chưa làm ra một game online bao giờ trước đây, cũng tự lập studio để sản xuất game, kêu gọi đầu tư. 

Đa phần các dự án vẽ lên những game đầy hoành tráng, đồ hoạ đẹp mắt và một quy trình sản xuất dài hơi… và với thời gian đầu lợi nhuận nhân lên nhiều lần như trên, nhiều nhà đầu tư vẫn xuống tiền mà không ngần ngại gì. Lúc đó, trao đổi với VietNamNet, CEO một studio làm game lâu năm trong nước cho biết, đa phần các dự án này đều là “bánh vẽ”, dễ nhận thấy một số game là mua mã nguồn từ các trang web của Trung Quốc với giá vài ngàn đến vài chục ngàn đô, một số game thì mua đồ hoạ của nước ngoài về dựng clip, các dự án làm thật thực chất rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tuy nhiên, trào lưu đầu tư GameFi cũng chỉ diễn ra được vài tháng, với nhiều dự án kém chất lượng, thậm chí không ra được sản phẩm, các nhà đầu tư đã không còn mặn mà với lĩnh vực này. 

Nhưng đáng chú ý, trong thời gian qua, với sự thành công của dự án StepN, một dự án chạy bộ kiếm tiền của quốc tế, lại tiếp tục kéo theo trào lưu “Move to Ean” (di chuyển để kiếm tiền), xuất hiện tại Việt Nam. Nhiều dự án ăn theo StepN ra đời và một lần nữa các nhà đầu tư lại không ngại xuống tiền để kiếm lợi nhuận từ các dự án này. 

Nhiều dự án lừa đảo xuất hiện

Việc ăn theo “trend” và không có chuyên môn về làm game, đã tạo ra hàng loạt dự án GameFi lừa đảo tại Việt Nam từ trước đến nay. 

Điển hình một số vụ lừa đảo từng được cộng đồng khui ra như Zodiac, bị các nhà đầu tư tố cáo đã đánh cắp số tiền hơn 50 tỷ đồng; dự án Crypto Bike chiếm đoạt 30 tỷ đồng; chuỗi dự án Ccar, Cpan, Cguar đã chiếm đoạt của các nhà đầu tư và người chơi lên tới hơn 2.000 tỷ đồng. Mặc dù phát hiện ra, nhưng đa số các nhà đầu tư đến nay vẫn chưa thể lấy lại được tiền.

Dự án tự đưa tên các đối tác lên website như DEO Network và Pencil để lừa đảo

Mới đây nhất, một dự án move to earn bị một số đơn vị tố cáo lợi dụng tên tuổi để quảng bá nhằm mục đích lừa đảo. Cụ thể, website stepon.run quảng bá về ứng dụng cùng tên, cho phép người dùng chạy bộ để kiếm đồng token trong game. Ứng dụng được giới thiệu sẽ ghi nhận lượng calorie tiêu thụ và thức ăn nhập vào, nhằm giúp người dùng hoàn thành kế hoạch tập luyện. Một số loại giày NFT cũng được giới thiệu trên website và niêm yết giá để người chơi mua thực hiện việc chạy hay đi bộ.

Đáng chú ý là ở phần đối tác đầu tư, dự án này đã đưa tên các quỹ như DEO Network, Pencil hay Moonka… lên website của mình, trong khi đó các đơn vị này hoàn toàn không biết và chưa từng ký kết hợp tác gì với dự án. Và khi người dùng truy cập vào trang chủ của dự án đã yêu cầu kết nối ví Metamask (một loại ví chứa các loại tiền mã hoá) ngay. Theo một chuyên gia trong ngành, người dùng cần cẩn thận không kết nối ví của mình vào, nếu không sẽ có nguy cơ mất hết tài sản trong ví.

Blockchain hiện chưa có các quy định quản lý ở Việt Nam, nhưng theo ông Đào Tiến Phong, Luật sư điều hành hãng luật Investpush Legal, một luật sư đã tư vấn khá nhiều dự án công nghệ Blockchain tại Việt Nam cho biết, mặc dù các quy định cho các ứng dụng mới của công nghệ Blockchain chưa có, nhưng nếu có cá nhân hay tổ chức nào lợi dụng công nghệ để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thì vẫn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 290, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Theo đó điều luật này quy định khá chi tiết các dấu hiệu cấu thành tội phạm như: “Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoánqua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản”. Khung hình phạt tối đa của tội danh này có thể lên tới 20 năm tù giam.

Lê Mỹ


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO