COVID-19 có ‘giúp’ chuyển đổi số để sản phẩm nông nghiệp có đầu ra bền vững? 

17/08/2021, 10:23

Nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khi tiêu thụ tại các kênh bán hàng truyền thống. Để giải quyết đầu ra cần tập trung xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Sàn thương mại điện tử đang từng bước trở thành một kênh phân phối mới trong tiêu thụ nông sản
Sàn thương mại điện tử đang từng bước trở thành một kênh phân phối mới trong tiêu thụ nông sản - ẢNh ictnews

Chỉ cần thực hiện một số thao tác đơn giản cùng vài click chuột, chị Thanh Hương, quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã đặt xong 3kg nhãn trên một sàn thương mại điện tử. Cửa hàng cho biết, nhãn sẽ được đóng gói, vận chuyển đến sau khoảng 2-3 tiếng, khách có thể chọn thanh toán theo hình thức chuyển khoản hoặc trả tiền mặt khi nhận được hàng.

Chị Hương chia sẻ, các mặt hàng trên sàn thương mại khá phong phú, đa dạng. Thời gian gần đây, do hạn chế đi lại nên chị thường xuyên đặt mua thực phẩm hay trái cây trên mạng: 

“Theo tôi trong tình hình dịch bệnh như hiện nay thì mua hàng trên mạng là giải pháp tốt nhất. Mặt hàng trên mạng cũng phong phú không khác gì mua ngoài chợ. Người bán cũng muốn lần sau mình lại mua tiếp, bởi vậy họ giao hàng rất đảm bảo”.

Cũng là người thường xuyên ‘đi chợ online’, chị Thu Trang, quận Ba Đình (Hà Nội) cho hay, hơn nửa tháng qua, hình thức này là ‘cứu cánh’ cho công việc nội trợ của chị: 

“Dịch bệnh thế này thì mua bán hạn chế tiếp xúc là thuận tiện nhất, nhưng mua trên mạng đôi khi cũng có một số cái chưa được ưng ý là sản phẩm mình nhìn thấy trên mạng thì rất đẹp nhưng lúc nhận lại không được như thế”.

Trong bối cảnh giãn cách để đảm bảo phòng chống dịch, ngày càng nhiều người thay đổi thói quen, chuyển từ đi chợ truyền thống sang ‘đi chợ online’. 

Các sàn thương mại điện tử cũng đang từng bước trở thành một kênh phân phối mới trong tiêu thụ nông sản; giúp bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chủ động hơn. Bùi Thị Bích Hằng, một hộ trồng nhãn tại xã Hồng Nam, tỉnh Hưng Yên chia sẻ:

“Sàn giao dịch điện tử thì thông qua các hội chợ chúng tôi cũng được hướng dẫn, năm đầu tiên chúng tôi đã xuất được sang Mỹ, sau đó, chúng tôi phục các siêu thị trong nước”.

Nhằm xây dựng chương trình bài bản, có hệ thống, hỗ trợ tối đa cho bà con nông dân, mới đây Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương kêu gọi sự vào cuộc đồng loạt của 6 sàn thương mại điện tử lớn là Sendo, Voso, Tiki, Lazada, Postmart và Shopee, thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến”.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương cho biết: 

“Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp thì việc kết nối tiêu thụ nông sản trên thương mại điện tử, môi trường số, là cánh tay nối dài bên cạnh phương thức phân phối truyền thống, gúp bà con nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ. Chúng tôi cũng đã có kế hoạch tiếp tục triển khai mạnh mẽ ở các tỉnh, thành phố trên cả nước”.

Trong lúc tình hình dịch bệnh tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam vẫn đang diễn biến phức tạp, người dân hạn chế đi lại, thì việc phân phối, tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử được xem là giải pháp quan trọng.

Ông Trần Trung Kiên, đại diện sàn Thương mại điện tử Vỏ sò (Voso.vn), Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại điện tử Bưu Chính Viettel nhận định: 

“Khi đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Thứ nhất, người dân sẽ giảm tần suất đi lại cũng như lưu thông trên đường, phục vụ cho công tác phòng chống dịch. Thứ hai là giảm các tiếp xúc. Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử còn là một kênh để xúc tiến bán hàng và tham gia bình ổn giá.

Thời gian qua, lực lượng Shipper của Viettel Post cũng như các doanh nghiệp khác đã tham gia vào công tác đảm bảo hậu cần cung ứng hàng hóa cho bà con trong vùng dịch. Người dân chỉ cần lên các sàn thương mại điện tử để đặt hàng sau đó nhân viên sẽ giao hàng đến tận nơi”. 

Nông sản được hỗ trợ lên sàn thương mại điện tử
Nông sản được hỗ trợ lên sàn thương mại điện tử

Tiềm năng là rất lớn, tuy nhiên, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho rằng còn nhiều rào cản, thách thứ. Do nông sản có đặc thù dễ hỏng, muốn tiêu thụ được thì sản phẩm phải đảm bảo vẫn tươi ngon, đạt yêu cầu chất lượng khi tới tay người dùng.

Nhìn nhận vấn đề này, bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc Đối ngoại Sàn thương mại điện tử Lazada Việt Nam cho rằng, dù xuất khẩu hay tiêu thụ nội địa, việc thực hiện chuỗi cung ứng nông sản, từ khâu phân loại, bảo quản, vận chuyển khi đến tay người tiêu dùng, cần được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp thì mới mong phát triển bền vững, không phải ‘giải cứu’ nông sản: 

“Tôi nghĩ rằng khi đưa nông sản lên sàn sẽ giúp người nông dân có thể tận dụng lợi thế công nghệ cũng như tập khách hàng có sẵn của sàn, để có thể tiếp cận khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên nó cũng không thể thay thế được tất cả các khâu như phân loại, bảo quản, vận chuyển sản phẩm để đảm bảo chất lượng tốt nhất và hương vị tươi ngon nhất khi đến được khách hàng cuối cùng. Vì vậy, tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng vẫn phải được tổ chức rất chuyên nghiệp”.

Bên cạnh mặt tích cực, thời gian qua, thương mại điện tử cũng bộc lộ không ít mặt trái. TS. Trần Duy Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC cho rằng, hiện nay việc thành lập các sàn thương mại điện tử tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, khâu quản lý chất lượng sản phẩm lại gần như bị bỏ ngỏ, không có tiêu chí và kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng shipper bóc, đổi, thay hàng trước khi giao đến tay người mua.

Để thị trường thương mại điện tử phát triển lành mạnh, TS. Trần Duy Khanh cho rằng: 

“Các cơ quan quản lý không thể kiểm soát được đến tận các đơn vị sản xuất, các doanh nghiệp, người nông dân mà sẽ quản lý ở các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Nếu sàn nào để khách hàng phản ánh có hàng giả, hàng kém chất lượng… thì đơn vị quản lý sàn đó phải chịu trách nhiệm đầu tiên, chứ không thể đổ ngay cho các đơn vị sản xuất. Nếu  gọn đầu mối thì các cơ quan quản lý rất dễ.

Khi đó các sàn thương mại điện tử phải có đội ngũ giám sát thật rõ, thật kỹ tiêu chuẩn chất lượng đầu vào, nếu không thì nhiều khi một số sàn khi sự cố xảy ra họ đều đẩy hết trách nhiệm cho nhà sản xuất”. 

Vải thiều Bắc Giang trên sàn thương mại điện tử voso
Vải thiều Bắc Giang trên sàn thương mại điện tử voso

Có thể nói, thúc đẩy chuyển đổi số đang là giải pháp tiêu thụ nông sản hiệu quả trong thời đại 4.0, giúp người nông dân bán được sản phẩm với giá bình ổn, không bị thương lái ép giá, bên cạnh đó, người tiêu dùng cả nước cũng có thể mua đặc sản của các địa phương chỉ thông qua một cái nhấp chuột. Những gian hàng trên mạng không chỉ giải quyết tiêu thụ nông sản ùn ứ trước mắt mà còn hướng tới xây dựng một thị trường hiện đại, bền vững trong tương lai. 

Đây cũng là góc nhìn của VOVGT: Xây dựng thị trường bền vững - Vừa phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế

Dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại Bắc Giang đầu tháng 6 vừa qua đúng thời điểm vải thiều Lục Ngạn và một số địa phương vào chính vụ thu hoạch. Những tưởng tình cảnh này sẽ khiến quả vải rớt giá và điệp khúc ‘giải cứu’ nông sản lại xảy ra. 

Tuy nhiên, Bắc Giang vẫn có một vụ mùa bội thu, được cả mùa lẫn giá. Kết thúc vụ vải 2021, địa phương này thu gần 7.000 tỷ đồng từ vải thiều và các hoạt động phụ trợ, cao hơn năm trước 830 tỷ đồng.

Đây được xem là kỳ tích ở vùng đất từng là tâm dịch lớn nhất cả nước.

Thực tế cho thấy, thành công của mùa vải năm nay ở Bắc Giang có đóng góp quan trọng từ hoạt động chuyển đổi số trong kết nối tiêu thụ nông sản. Ngay từ đầu vụ, Bắc Giang đã đẩy mạnh quảng bá, đưa vải thiều lên 6 sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam cũng như quốc tế. 

Hoạt động này giúp vải thiều tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước nhanh, rộng hơn, thích ứng với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nếu như năm 2020, vải thiều trên sàn thương mại điện tử chỉ bán được 7 tấn, thì năm nay sản lượng đạt 7.000 tấn. 

Mô hình thành công này khiến mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị trực tuyến, chia sẻ kinh nghiệm tiêu thụ vải Bắc Giang trên sàn thương mại điện tử cho các tỉnh phía Nam, nhằm giải bài toán ùn ứ trái cây trong bối cảnh giãn cách vì Covid-19. 

Thời gian qua, chuyển đổi số nông nghiệp là cụm từ được nhắc tới nhiều tại Việt Nam, trong đó sàn giao dịch thương mại điện tử đang là hướng đi có những tín hiệu hết sức khả quan. 

Thực tế, khái niệm thương mại điện tử không còn quá xa lạ với người tiêu dùng, tuy nhiên sàn giao dịch thương mại điện tử nông sản vẫn là lĩnh vực khá mới mẻ. Tác động của dịch bệnh khiến những hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp buộc phải chuyển mình để thích ứng. 

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, việc tiêu thụ nông sản thông qua sàn thương mại điện tử không chỉ tạo thói quen bán hàng cho người nông dân, mà còn là chìa khóa quan trọng để nâng tầm giá trị các nông đặc sản của Việt Nam.

Tiềm năng là rất lớn, tuy nhiên, để sàn giao dịch thương mại điện tử phát triển lành mạnh, trở thành hướng đi căn cơ, bền vững, thì những hành vi gian lận như chụp ảnh hàng thật đưa lên mạng nhưng giao hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng hoặc quảng cáo quá công dụng của sản phẩm cần phải được loại bỏ.

Đây là những trường hợp ‘con sâu làm rầu nồi canh’, không chỉ ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng, mà còn gây tình trạng cạnh tranh không bình đẳng cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính trên các sàn thương mại điện tử.

Với xu thế thương mại toàn cầu trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc tăng cường giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử sẽ là hướng đi tất yếu, tạo tiền đề xây dựng một thị trường bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế mà Chính phủ đề ra.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO