Giới xuất bản tiếp cận chuyển đổi số

16/08/2021, 10:10

Nhiều đơn vị xuất bản, phát hành sách đã tận dụng thời cơ trong mùa dịch để lên kế hoạch bước đầu cho mục tiêu chuyển đổi số.

Đại dịch ập đến ảnh hưởng nền kinh tế, xã hội. Ngành xuất bản cũng không nằm ngoài những hệ lụy đó, nhất là khi sách không được coi là mặt hàng thiết yếu. Song, người làm sách lại nhìn nhận đây là cơ hội tốt để cùng thực hiện chuyển đổi số toàn ngành.

Chuyen doi so trong xuat ban anh 1
Chuyển đổi số trong ngành xuất bản là xu thế tất yếu. Ảnh: HNM.

Nghiên cứu, đánh giá thị trường

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhiều người bắt đầu hình thành thói quen đọc sách, vừa để giải trí, vừa để nâng cao kiến thức. Nhu cầu đọc sách trong mùa dịch tăng cao chính là cơ hội lớn cho ngành xuất bản.

Khi sách giấy gặp khó khăn trong việc in ấn (vì nhiều xưởng in phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động) và vận chuyển tới bạn đọc, các định dạng sách khác (ebook, audio book, multimedia) được đánh giá có nhiều lợi thế hơn.

TS Nguyễn Mạnh Hùng, CEO Thái Hà Books, cho biết: “Tranh thủ thời gian làm việc tại nhà, đơn vị chúng tôi nghiên cứu phát triển và kinh doanh audio book vì doanh thu khả quan. Audio book sẽ trở thành mặt hàng chiến lược của chúng tôi trong tương lai không xa”.

Ông Hùng nhận định thời điểm này là cơ hội “triệu năm có một” để các đơn vị xuất bản sáng tạo, đổi mới, đào tạo nội bộ, nâng cao chuyên môn; đồng thời, chuẩn bị thật tốt về mặt nhân lực, kỹ thuật, cơ sở vật chất trước khi thực hiện chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là một việc rất cần thiết. Đặt trong bối cảnh dịch bệnh, nó lại càng trở nên cấp thiết hơn.

Phó giám đốc NXB Thế giới Phạm Trần Long

Bản chất của chuyển đổi số là chuyển mọi hoạt động kinh doanh, sản xuất từ môi trường thực địa sang trực tuyến. Điều này cũng là tiền đề để các đơn vị xuất bản, phát hành học hỏi hoặc kết hợp các công ty công nghệ trong và ngoài nước.

Người đại diện Thái Hà Books cho biết đơn vị mình đang tranh thủ kết nối với các nhà xuất bản lớn trên thế giới qua môi trường số, cho các cán bộ công ty tham dự nhiều hội sách, hội thảo online, một mặt để tăng cường ngoại ngữ, mặt khác giao lưu học hỏi và tìm kiếm cơ hội cho ngành xuất bản trong nước.

Là đơn vị phát hành các ấn phẩm ngoại ngữ, song ngữ, NXB Thế giới từ lâu đã xác định chuyển đổi số là một trong những ưu tiên hàng đầu để tiếp cận độc giả quốc tế. Nó vừa là mục tiêu cho toàn ngành, vừa là đích đến rộng mở cho đơn vị này.

“Với đơn vị chúng tôi, chuyển đổi số là một việc rất cần thiết. Đặt trong bối cảnh dịch bệnh, nó lại càng trở nên cấp thiết hơn. Covid-19 diễn biến phức tạp, đồng nghĩa việc giao thương quốc tế chưa thể bình thường trở lại. Đây cũng là nguyên nhân khiến các xuất bản phẩm của chúng tôi chưa có được lượng bạn đọc như trước”, ông Phạm Trần Long, Phó giám đốc NXB Thế giới, chia sẻ.

Chuyen doi so trong xuat ban anh 2
Ebook là một trong những định dạng được ưu tiên của các đơn vị xuất bản, phát hành hiện nay. Ảnh: Ipub.

Lên kế hoạch, phương án cụ thể

Ông Long cho biết với kho dữ liệu đầu sách và tạp chí bằng tiếng nước ngoài qua hơn 60 năm hoạt động, NXB Thế giới sẽ tiến hành chuyển đổi sang dạng ebook, audio book hoặc sách multimedia tương tác để phát hành trên các sàn giao dịch sách điện tử trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, nhà xuất bản đang thực hiện đồng bộ quy trình thanh toán qua các kênh trực tuyến nhằm đảm bảo tính an toàn, thuận tiện; đồng thời, đầu tư xây dựng lại trang web, phát triển các kênh mạng xã hội để tăng cường đưa sách đến tay bạn đọc qua mọi mặt trận.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam, cũng cho biết đơn vị đang tận dụng thời gian giãn cách xã hội để lên kế hoạch bước đầu cho chiến lược chuyển đổi số.

“Chúng tôi đang rà soát các dữ liệu đề tài để chuẩn bị cho việc số hoá các xuất bản phẩm. Trước tiên, chúng tôi bắt tay vào giai đoạn thử nghiệm với ebook”, bà Hoa Phượng chia sẻ.

Song, để thực hiện chuyển đổi số trong ngành xuất bản, khó khăn là điều không thể tránh khỏi. Theo người đứng đầu NXB Phụ nữ Việt Nam, cần xây dựng mô hình chung cho toàn ngành để tiết kiệm nguồn lực đầu tư của Nhà nước và các đơn vị xuất bản, phát hành, nhất là khi ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số của ngành xuất bản còn “chưa mang tính hệ thống và có tầm nhìn dài hơi”. Bên cạnh đó, cũng cần có các quy định xử phạt lỗi vi phạm bản quyền trên nền tảng số.

Bà Mai Thị Thanh Hằng, người đứng đầu NXB Lao Động, cũng nhận định chuyển đổi số phụ thuộc nhiều yếu tố như pháp lý, vật chất, nguồn lực, kỹ thuật.

Trước những khó khăn đó, các đơn vị xuất bản, phát hành sách vẫn đồng thuận đi theo “xu hướng tất yếu” của toàn ngành. Trong khi Thái Hà Books đề ra khẩu hiệu “Work from anywhere - Làm việc ở bất cứ đâu” để làm quen với chuyển đổi số, tăng cường các hoạt động trực tuyến, thì NXB Lao Động đang vạch ra kế hoạch tiến vào thị trường ebook và audiobook.

“Chuyển đổi số trong xuất bản không còn là vấn đề có thực hiện hay không, mà là chuyện đi được đến đâu. Đơn vị tôi, trước hết là lãnh đạo, sau đó đến nhân viên, cùng nhau tìm hiểu về vấn đề này trong thời gian giãn cách. Khâu chuẩn bị càng kỹ lưỡng bao nhiêu, khi khởi động, chiến lược sẽ càng chạy êm bấy nhiều”, bà Thanh Hằng nói.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO