Công nghệ chẩn đoán AI của Việt Nam có thể được ứng dụng toàn cầu

06/08/2022, 12:01

Nếu vượt qua những bài kiểm tra khắt khe từ FINDDX, Tổ chức y tế thế giới (WHO) sẽ chứng thực sản phẩm DrAid™ của VinBrain được phép ứng dụng trên phạm vi toàn cầu.

Công nghệ chẩn đoán AI của Việt Nam có thể được ứng dụng toàn cầu - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh lao là một trong những căn bệnh gây tử vong hàng đầu trên thế giới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người bệnh. Ảnh: Đ.H

Điều này sẽ giúp hàng triệu người trên thế giới có cơ hội được sàng lọc, phát hiện sớm để loại trừ những căn bệnh nguy hiểm như bệnh lao, COVID-19 hay bệnh Tan máu bẩm sinh (Thalassemia). 

Nan giải “bài toán” của ngành y tế toàn cầu

Theo các chuyên gia, mức sống thấp, môi trường sống bị ô nhiễm, công tác chăm sóc sức khoẻ tại các tuyến đầu lạc hậu là những nguyên nhân chính khiến bệnh lao vẫn là "cơn ác mộng" không chỉ với người dân các địa phương vùng sâu vùng xa tại Việt Nam, mà còn là vấn đề chung ở các nước kém và đang phát triển.

Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, bệnh lao là một trong những căn bệnh gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. WHO ước tính có khoảng 10 triệu người mắc bệnh lao và 1,4-2,2 triệu người chết vì lao mỗi năm. Trong giai đoạn 2000-2022, theo tính toán, đã có tới gần 40 triệu người chết vì lao, cao hơn 6 lần số ca tử vong vì COVID-19.

Không chỉ sức khỏe, gánh nặng bệnh lao còn ảnh hưởng tới thu nhập quốc dân và chỉ số phát triển con người của các quốc gia. Các nghiên cứu về kinh tế y tế cho thấy, mỗi bệnh nhân lao sẽ mất trung bình 3-4 tháng lao động, từ đó làm giảm 20-30% thu nhập bình quân của gia đình. Những gia đình có người chết sớm vì bệnh lao có thể sẽ mất tới 15 năm thu nhập.

Cùng với những tiến bộ của khoa học công nghệ, chiến lược tiếp cận bệnh lao của nhiều nước trên thế giới đang có thay đổi. Thay vì "đợi" người bệnh, các quốc gia đã tiến tới chủ động khám sàng lọc trong cộng đồng. Để thực hiện được khối lượng công việc khổng lồ này, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán trên phim chụp X-Quang phổi, giúp phát hiện bệnh sớm, chính xác được đánh giá là bước đi mang lại đột phá.

Cuộc cách tân cho ngành y tế

Không phải ngẫu nhiên, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán lại được đặt nhiều kì vọng như vậy. Thực tế thử nghiệm đã cho thấy những hiệu quả vượt trội giúp mang đến hi vọng rút ngắn thời gian xóa bỏ những căn bệnh nguy hiểm như lao khỏi cộng đồng. Đơn cử như DrAid™ của Công ty VinBrain (thuộc tập đoàn Vingroup) – sản phẩm phần mềm hỗ trợ chẩn đoán AI đầu tiên chạy trên cả Cloud (hệ thống đám mây) và On-Premise (phần mềm tại chỗ).

Về cơ chế vận hành, sau khi phân tích ảnh X-quang ngực thẳng, nếu DrAid™ nghi ngờ một người bệnh có nguy cơ dương tính với lao, nhân viên y tế sẽ tiến hành thêm xét nghiệm chuyên sâu (GeneXpert) để xác nhận bệnh lao. 

Ngược lại, nếu không có dấu hiệu bất thường, AI sẽ thông báo để có thể bỏ qua bài kiểm tra GeneXpert. Hiện tại, độ chính xác trong mô hình nghi ngờ lao của VinBrain đã đạt hơn 96%. Các chẩn đoán của AI sẽ được tự động xuất thành báo cáo y tế theo chuẩn quốc tế, giúp các bác sĩ tiết kiệm thời gian làm việc, nâng cao hiệu suất và hiệu quả chẩn đoán.

Đặc biệt, theo các chuyên gia, với ứng dụng AI, gánh nặng chi phí với người bệnh sẽ được giảm đáng kể. Hiện tại, chi phí để phát hiện một trường hợp bệnh lao là khoảng 78 USD (tương đương 1,7 triệu đồng). Trong khi ấy, chi phí cho mỗi trường hợp chụp X-quang ngực thẳng kết hợp sàng lọc với DrAid™ chỉ là vài USD và kết quả sẽ có ngay trong vòng 15 giây. 

Điều này sẽ giúp tối ưu hành trình khám bệnh cũng như giúp người bệnh thu nhập thấp tại những nước kém và đang phát triển dễ dàng tiếp cận. Ngay tại Việt Nam, DrAid™ với những hiệu quả về nhiều mặt đã được triển khai hiệu quả tại các bệnh viện và được Bộ Y tế đánh giá cao.

Công nghệ chẩn đoán AI của Việt Nam có thể được ứng dụng toàn cầu - Ảnh 2.

DrAid™ của VinBrain - Sản phẩm kỳ vọng giúp hàng tỷ người dân trên thế giới được tiếp cận với công nghệ cao trong y tế. Ảnh: Đ.H

Không chỉ Việt Nam, hi vọng đang được mở ra với người dân thế giới khi mới đây, VinBrain đã chính thức được FINDDX lựa chọn trở thành một trong những đối tượng được tổ chức này xem xét, đánh giá hiệu quả để hợp tác lâu dài. FINDDX là cơ quan được WHO ủy quyền trong việc tìm kiếm, tìm hiểu và tiếp cận các đơn vị công nghệ để đánh giá các sản phẩm hỗ trợ chẩn đoán trên toàn thế giới.

Cụ thể, FINDDX sẽ đánh giá sản phẩm DrAid™ và xây dựng lộ trình hợp tác nghiên cứu sâu rộng nhằm đưa sản phẩm này đến các các nước kém và đang phát triển. Nếu vượt qua những bài kiểm tra khắt khe từ FINDDX, WHO sẽ chứng thực sản phẩm DrAid™ của VinBrain được phép ứng dụng trên phạm vi toàn cầu. 

Không chỉ bệnh lao, DrAid™ có thể còn là mô hình bền vững trong chẩn đoán những căn bệnh lớn của thế giới như COVID-19 hay bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia). Điều này đồng nghĩa rất nhiều người trên thế giới, đặc biệt là người dân tại những nước kém và đang phát triển sẽ có thể tiếp cận các dịch vụ y tế được ứng dụng công nghệ cao.

DrAid™ là một trong các giải pháp tiên phong ứng dụng AI phục vụ bác sĩ trong việc chẩn đoán dựa trên hình ảnh do VinBrain phát triển. Ngày 21/7 vừa qua, DrAid™ đã chính thức có tên trong danh mục các sản phẩm trên nền tảng AI của Ferrum Health - Công ty hàng đầu về các giải pháp AI cho doanh nghiệp thuộc các hệ thống y tế toàn cầu.

Khách hàng của Ferrum là các tổ chức y tế uy tín tập trung ở khu vực châu Âu và Bắc Mỹ. Tìm hiểu thêm các thông tin về VinBrain tại: https://vinbrain.net/

FINDDX là một tổ chức phi lợi nhuận, có trụ sở tại Thụy Sĩ và là cơ quan được ủy quyền đại diện cho WHO trong việc tìm kiếm, tìm hiểu và tiếp cận các đơn vị công nghệ để đánh giá các sản phẩm hỗ trợ chẩn đoán vào việc sàng lọc, phát hiện sớm với những căn bệnh nguy hiểm và đang là gánh nặng toàn cầu. Hiện tại, FINDDX đã triển khai tiến hành đánh giá hơn 150 đối tác toàn cầu.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO