Vì sao xe dán thẻ ETC, có tiền nhưng không qua được trạm?

04/08/2022, 10:27

Thống kê cho thấy, trong tuần đầu thực hiện chỉ thu phí tự động không dừng (ETC) toàn bộ 10 tuyến cao tốc trên cả nước, hệ thống đã ghi nhận phát sinh hơn 83.000 lỗi...

Bắt đầu từ sáng 1/8, 100% các tuyến cao tốc trên cả nước đã chính thức áp dụng thu phí tự đồng không dừng (ETC) toàn tuyến.

Để vận hành thông suốt, từ ngày 23/12/2020, hai nhà cung cấp dịch vụ là VETC và VDTC đã thực hiện kết nối liên thông giữa 2 nhà cung cấp dịch vụ, cho phép tất cả các phương tiện khi đã đăng ký dán thẻ (ePass của VDTC hoặc E-tag của VETC) và tài khoản đã nạp đủ tiền sẽ lưu thông bình thường qua các trạm thu phí tự động không dừng trên toàn quốc.

Để đảm bảo quyền lợi, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng trong dịp triển khai thu phí tự động 100% trên 8 tuyến cao tốc từ ngày 1/08/2022, VDTC và VETC luôn có lực lượng trực tiếp hỗ trợ tại trạm đến ngày 20/08 để đăng ký dịch vụ, hướng dẫn nạp tiền, xử lý sau bán, sang tên đổi chủ xe…giúp khách hàng có thể lưu thông thông suốt qua trạm.

Trong mấy ngày qua, tại trạm thu phí cao tốc Nội Bài – Lào Cai ở km6, một số xe chưa dán thẻ ETC đã được các nhân viên tại trạm phục vụ ngay tại chỗ. Các trường hợp không đủ tiền được nhân viên hướng dẫn qua trạm và nạp tiền vào tài khoản để đ ủ điều kiện lưu thông.

Tuy nhiên, một số chủ phương tiện cho biết, vẫn xảy ra tìn trạng xe đã dán thẻ thu phí ETC, trong tài khoản còn tiền nhưng khi qua trạm vẫn bị báo lỗi và lỗi này không phải xảy ra ở tất cả các trạm, mà có trạm qua được, có trạm không.

"Xe của tôi dán thẻ ePass và còn nhiều tiền, đi qua các trạm thu phí Hà Nội - Hải Phòng, Cầu Giẽ - Ninh Bình; Bắc Giang-Lạng Sơn đều qua được bình thường nhưng khi qua đây (trạm cao tốc Nội Bài – Lào Cai) nhân viên trạm lại báo lỗi, không mở được barrie", anh T., chủ một phương tiện ở Hà Nội đã dán thẻ ePass phản ánh.

Trước những thắc mắc, phản ánh của lái xe và sau 2 ngày vận hành thu phí không dừng đã ghi nhận một số lỗi phát sinh. Trong đó có lỗi từ 2 phía, chủ xe và do hệ thống thu phí, ông Bùi Trình, Tổng Giám đốc Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC) cho hay, 2 ngày nay đơn vị đã hỗ trợ khá nhiều chủ xe tại khu vực trạm thu phí này chủ yếu liên quan đến việc chưa nạp tiền vào tài khoản, dán thẻ mới hay lỗi thẻ không nhận diện.

Về việc chủ xe phản ảnh đi qua được nhiều trạm thu phí khác nhưng đến trạm thu phí này lại bị lỗi, ông Trình cho rằng chắc chắn không phải lỗi do thẻ vì xe vẫn có thể đi qua các trạm khác.

“Có nhiều nguyên nhân như đầu đọc (reader) phát chưa đủ công suất, xe không đảm bảo khoảng cách, tốc độ giới hạn, góc quét anten, cấu hình tham số hệ thống và tuân thủ quy trình giám sát vận hành như thường xuyên theo dõi tham số và hiệu chỉnh hệ thống. Những trường hợp gặp lỗi này đều được nhân viên kiểm tra số dư tài khoản, trừ tiền offline rồi cho xe qua và kiểm tra lại hệ thống hoặc thông báo ePass kiểm tra lại thẻ”, ông Trình cho biết.

Theo ông Trình, các thủ tục, quy trình đăng ký dịch vụ của ePass tuân thủ theo quy định của nhà nước nhằm đảm bảo quyền lợi và đảm bảo bảo mật thông tin của khách hàng.

“Tại các Trạm VDTC vận hành đã được áp dụng các công cụ giám sát và hậu kiểm tự động lên 90% đảm bảo thời gian xử lý sai lệnh khi khách hàng qua trạm và chuyển tiền cho BOT trước 15 giờ hàng ngày theo đúng quy định trong hợp đồng dịch vụ.

VDTC đã áp dụng hệ thống quản trị kỹ thuật đảm bảo 4 KPI của Tổng cục ĐBVN (KPI đọc thẻ đạt 99,8/98% và nhận diện biển số 99,3/91% cao hơn yêu cầu của Tổng cục ĐBVN)”, ông Trình nói.

Vị lãnh đạo VDTC cho biết, hiện tại có 8 kênh nạp tiền Momo, ViettelPay, Bankplus, VNPay, thẻ nội địa, thẻ quốc tế, Mobile Banking (tất cả các Ngân hàng có thể nạp tiền), kênh tiền mặt tại trạm giúp cho chủ phương tiện dễ dàng trong việc nạp tiền để sử dụng dịch vụ.

Ngoài ra chủ phương tiện có thể liên kết ứng dụng Viettelpay, Viettel Money với tài khoản giao thông, do vậy không cần đảm bảo số dư trong tài khoản giao thông và tiêu dùng bình thường vào việc viêc khác tương tự như các ví điện tử, tài khoản ngân hàng số.

“Nhân viên ePass dán thẻ có gắn chip trên các vị trí chuẩn, có lớp bảo vệ khỏi các tác nhân khách quan như thời tiết. Qua đó giúp các tài xế dễ dàng lưu thông qua các trạm thu phí. Tốc độ xe qua trạm nhanh gấp 3 lần so với KPI do ePass ứng dụng công nghệ tính cước theo thời gian thực OCS từ mạng thông tin di động”, ông Trình cho hay.

Có hay không việc chiếm dụng tiền của tài xế?

Nhiều chủ xe bức xúc khi nạp tiền vào tài khoản E-tag của VETC thì bị thu phí dịch vụ theo tỷ lệ % tiền nạp vào.

Khi được hỏi tại sao VETC không làm việc với đối tác để có hướng xử lý vấn đề này, đại diện VETC cho rằng: "Việc này là do chính sách của bên đối tác kết nối, có một số dịch vụ họ tính phí hơi cao. Hiện, Bộ GTVT cũng đang đề xuất làm việc lại với các kênh kết nối để tạo điều kiện thuận lợi cho tài xế nạp tiền vào tài khoản thu phí tự động không dừng".

Theo vị này, các kênh trung gian đang thu phí 1% khi nạp tiền vào tài khoản thu phí tự động không dừng gồm có Vnpay, Momo, VNPay và VNPTepay đều thu khoản phí này. Nhiều tài xế bức xúc cũng có lý do, nhưng vì thu phí tự động không dừng có sự tham gia của rất nhiều bên liên quan.

Tất nhiên, vẫn còn xảy ra những bất cập như mất phí mấy nghìn thì ai cũng ức chế. Hiện, đơn vị trung gian thanh toán họ chưa giảm thì VETC cũng phải chấp nhận trong giai đoạn này. Qua đó, VETC khuyến nghị tài xế tạm thời dùng các hình thức nạp tiền từ banking để không bị mất phí.

 Khi được hỏi về việc tài xế có bị chiếm dụng tiền khi chỉ đi một đoạn đường nhưng phải nạp tiền cho toàn tuyến và phải có số dư tối thiểu 50%?, đại diện VETC khẳng định: "Đơn vị không quy định như vậy".

Việc thu tiền toàn tuyến và phải có số dư tối thiểu 50% là do chủ đầu tư dự án Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thực thi theo quy định trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý.

 Được biết, ngày 29/7/2022, VEC đã có văn bản gửi tới Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn VETC (VETC), Công ty Tasco về việc hạn mức số dư tối thiểu trong tài khoản thu phí tự động không dừng ETC khi vào các tuyến cao tốc do VEC quản lý.

VEC quy định đối với các xe đi vào các tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng có số dư tối thiểu trong tài khoản là 50% phí chặng dài nhất của xe loại 1 của từng tuyến cao tốc.

Lý do theo VEC là để cho lái xe quen với điều kiện trong tài khoản luôn có tiền và đỡ bị quên…/.

Phát sinh hơn 83.000 lỗi thu phí không dừng ETC

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong tuần đầu thực hiện, toàn bộ 10 tuyến cao tốc trên toàn quốc dừng thu phí thủ công, chỉ thu phí tự động không dừng (ETC), hệ thống đã ghi nhận phát sinh hơn 83.000 lỗi...

Trong đó, tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây có hơn 37.500 lỗi; cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi gần 1.800 lỗi, cao tốc Nội Bài - Lào Cai có hơn 6.200 lỗi, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình hơn 33.600 lỗi...Tính chung, tỷ lệ giao dịch bị lỗi chiếm khoảng 20% tổng số giao dịch.

Thống kê của Tổng cục Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho thấy, các lỗi chiếm tỷ lệ cao nhất là tài khoản giao thông không đủ tiền, chiếm hơn 80%; tiếp theo là các lỗi tài khoản không hợp lệ, chưa kích hoạt thẻ…

Để đảm bảo công tác vận hành hệ thống ETC ổn định, tạo thuận lợi cho chủ phương tiện lưu thông qua trạm thu phí, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các Nhà cung cấp dịch vụ thu phí: Công ty TNHH thu phí tự động VETC (VETC); Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) khẩn trương thực hiện chấn chỉnh không để xảy ra hiện tượng kích hoạt thẻ “ảo” trong thời gian tới;

Chủ động rà soát, liên hệ với các chủ phương tiện để dán bổ sung thẻ hoặc hủy tài khoản nếu chủ phương tiện không đồng ý sử dụng dịch vụ.

Lệ với các chủ phương tiện đã dán thẻ lâu ngày, các trường hợp hay gặp sự cố về nhận diện thẻ để kiểm tra, xử lý kịp thời bảo đảm phương tiện lưu thông thông suốt qua các trạm thu phí.

Hỗ trợ các chủ phương tiện dán thẻ đầu cuối, đặc biệt là các chủ phương tiện có nhu cầu đi vào đường cao tốc.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO