Chuyên gia Hàn Quốc, Mỹ hiến kế giúp Việt Nam phát triển công nghiệp

07/12/2021, 10:52

Các chuyên gia cho rằng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ là cơ hội bứt phá cho Việt Nam vượt lên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phục hồi và phát triển kinh tế .

Tại diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về công nghiệp 4.0 được Ban Kinh tế Trung ương tổ chức sáng 6/12, TS Mary C.Hallward Driemeier - Cố vấn kinh tế cấp cao về tài chính, Ngân hàng thế giới (World Bank) cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ liên quan đến ngành sản xuất mà đang mở ra cơ hội lớn cho ngành dịch vụ.

Các dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn trong chuỗi giá trị như: Marketing, bán hàng... Trong quá trình công nghiệp hóa, các ngành thương mại dịch vụ có vai trò quan trọng hơn. Đối với Việt Nam, bà cho rằng cần định hướng cung cấp thêm nhiều dịch vụ ngoài rắp ráp, linh kiện điện tử...

"Cần có khuôn khổ chính sách dựa trên 3 chữ C đó là khả năng cạnh tranh, năng lực và tính kết nối. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, cần quan tâm đến lĩnh vực, mô hình kinh doanh mới. Không chỉ kỹ năng số mà còn kỹ năng quản lý, khả năng hấp thu công nghệ, khả năng thích ứng linh hoạt", bà Mary C.Hallward Driemeier nhìn nhận.

Theo bà, khi Việt Nam tập trung ngành sản xuất cũng cần quan tâm đến các ngành dịch vụ để tạo ra giá trị, việc làm trong tương lai.

"Ngoài ra, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư, nâng cao năng lực trên phạm vi rộng hơn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đào tạo lao động. Đặc biệt cần có hệ thống kinh tế thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0", bà nói.

Hiện, Adidas đang chuyển nhà máy từ Đức sang Trung Quốc, Việt Nam để tiếp cận gần hơn chuỗi cung ứng, do đó Việt Nam cần đảm bảo năng lực kinh tế, dịch vụ hỗ trợ. Bà Driemeier đánh giá cách mạng công nghiệp 4.0 là tiền đề để nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường tính kết nối...

Han Quoc My hien ke phuc hoi kinh te anh 1
Tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường tất yếu của các quốc gia nếu muốn phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Ảnh: Việt Hùng.

Ứng dụng công nghệ để phục hồi

Ông Yong Hongtaek - Thứ trưởng Bộ khoa học, Công nghệ thông tin và Truyền thông Hàn Quốc - cho rằng có 3 nội dung cần thiết để phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19. Trước hết cần tăng cường đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ bởi điều này sẽ tạo ra thay đổi trong tương lai, cho phép các nhà khoa học trẻ tạo ra sản phẩm thiết yếu cho xã hội.

Trong đại dịch Covid-19, một công ty công nghệ sinh học là Mordena có trụ sở tại Hoa Kỳ khá mới đã thành công sản xuất ra vaccine Covid-19 bằng khả năng nghiên cứu chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm.

"Do đó, đổi mới khoa học công nghệ sẽ mở đường cho hoạt động khởi nghiệp, giúp nhà khoa học vượt qua thách thức trong quá trình tiếp cận thông tin mới để thương mại hóa các kết quả khoa học nghiên cứu của họ", ông nói.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ khoa học, Công nghệ thông tin và Truyền thông Hàn Quốc cho rằng để phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch Việt Nam cũng cần chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi số.

Mô hình làm việc từ xa, học tập online được sử dụng phổ biến trong thời gian gần đây. Đây cũng là tiền đề cho sự phát triển của các dịch vụ sáng tạo dựa trên trí tuệ nhân tạo AI như chăm sóc sức khỏe, tài chính, giáo dục.

"Trong bối cảnh chuyển đổi số nhanh chóng, việc một công ty đi đầu trong nền kinh tế kỹ thuật số không chỉ quyết định sự phát triển tăng trưởng của công ty đó mà còn quyết định đến sự phát triển của một quốc gia", ông Yong Hongtaek nói.

Han Quoc My hien ke phuc hoi kinh te anh 2
Bên trong nhà máy ôtô VinFast, các robot vận hành hoàn toàn tự động theo tiêu chuẩn công nghiệp 4.0. Ảnh: Hoàng Hà.

Ngoài ra, ông cho biết để phục hồi phát triển kinh tế, cần có khái niệm về các cụm đổi mới sáng tạo. Nền kinh tế có thể được phục hồi dựa trên kết quả nghiên cứu đã được thương mại hóa sau khi thực hiện ứng dụng cũng như các sản phẩm dịch vụ.

"Để tạo ra một quy trình thương mại hóa công nghệ cần thiết lập nền tảng, để cung cố tăng cường mối quan hệ đối tác, kết nối trường đại học, viện nghiên cứu, nhà sáng lập, công ty khởi nghiệp", ông nói.

Ông cho rằng Chính phủ cần đưa ra các chính sách để hỗ trợ các nền tảng này. Bộ Kế hoạch đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư 141,9 tỷ Won đầu tư vào đặc khu nghiên cứu, phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới.

Khi công nghệ được ứng dụng và tạo ra các sản phẩm được sáng tạo sẽ góp phần phục hồi và phát triển kinh tế. "Cả 3 chính sách này có mối quan hệ hữu cơ, mang tính chất tương hỗ với nhau. Công nghệ số sẽ thúc đẩy phát triển nhanh hơn nữa, tốc độ đổi mới trong từng giai đoạn khác nhau", ông đánh giá.

Chú trọng phát triển nông nghiệp bền vững

Chia sẻ về kinh nghiệm thành công của bang trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ông Spencer J.Cox - Thống đốc Bang Utah, Mỹ - cho biết tiểu bang có tỷ lệ rất thấp, chỉ 2,2% và là địa phương phát triển nhất Mỹ.

Về cơ sở hạ tầng giao thông, tiểu bang nằm ở trung tâm của khu vực miền Tây với các tuyến đường liên bang chính, tuyến đường sắt kết nối bờ biển phía Đông và phía Tây của Mỹ kết nối với Mexico và Canada.

Nền công nghiệp sản xuất tiên tiến của tiểu bang bao gồm các công ty chuyên sâu vào lĩnh vực sản xuất vật liệu tiên tiến, phát triển công nghệ...

Nhìn chung, tùy lĩnh vực sản xuất đã tạo ra hơn 1/5 tổng số việc làm ở Utah, 1/4 tổng thu nhập cũng như GDP của tiểu bang. Lĩnh vực sản xuất đã tạo ra 143.000 việc làm, đây là ngành công nghiệp lớn thứ 5 của tiểu bang.

Nông nghiệp sẽ hỗ trợ cho an ninh, kinh tế - xã hội, văn hóa cũng như phúc lợi của người dân.

Ông Spencer J.Cox - Thống đốc Bang Utah, Mỹ.

Điều quan trọng, ông cho rằng Utah chú trọng tìm ra giải pháp đảm bảo nền nông nghiệp phát triển bền vững. Bởi nông nghiệp sẽ hỗ trợ cho an ninh kinh tế xã hội văn hóa cũng như phúc lợi của người dân. Utah tập trung đảm bảo an ninh lương thực cho người dân để không phụ thuộc vào bên ngoài, điều đó sẽ giúp bảo toàn ngoại tệ.

Ngoài ra, ông cho biết ở Utah quy hoạch đô thị cũng đóng vai trò quan trọng. Chúng tôi tìm cách bảo tồn nguồn đất trọng yếu, phát triển giao thông thay thế và hợp tác với các địa phương để xây dựng khu dân cư, tái sử dụng các khu đất chưa được sử dụng, quy hoạch đô thị...

Cuối cùng, Utah đã thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu bằng cách xây dựng kế hoạch chiến lược 10 năm về năng lượng. Bao gồm cân bằng nguồn nhiên liệu hóa thạch thân thiện với môi trường, phát triển công nghệ tiên tiến mới, hiện đại hóa môi trường pháp lý để hỗ trợ sản xuất điện năng bền vững...


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO