Xác định chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn là yêu cầu tất yếu khách quan và là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của doanh nghiệp và người nông dân, thời gian qua Công ty TNHH Một thành viên Bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa đã tiên phong trong việc chuyển đổi số ở 2 lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Công ty đã được đầu tư hệ thống trại bò sữa và vùng nguyên liệu làm thức ăn cho bò sữa đạt chuẩn Global Gap, là một bộ tiêu chuẩn quốc tế về nông trại dành để thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, bắt kịp với xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao và bền vững của thế giới hiện nay. Hệ thống trang trại bò sữa lớn của công ty đã góp phần gia tăng chuỗi giá trị cho ngành chăn nuôi bò của Vinamilk và xây dựng một thị trường minh bạch về nguồn gốc sản phẩm.
Ngoài việc đảm bảo các yếu tố về điều kiện vệ sinh thú y, Ngành chăn nuôi bò sữa được công ty ứng dụng công nghệ số nhiều nhất. Mỗi cá thể bò sẽ được theo dõi 24/24 qua chip điện tử. Với các thiết bị, phần mềm công nghệ hiện đại 4.0, các chuyên gia có thể theo dõi tình trạng hoạt động và sức khỏe của đàn bò từ xa thông qua phần mềm, ứng dụng di động mà không cần phải có mặt tại trang trại. Nhờ đó, các đối tác không thể trực tiếp làm việc tại trang trại do tình hình dịch bệnh, nhưng vẫn có thể phối hợp cùng công ty thực hiện quá trình chăm sóc bò sữa, đảm bảo chất lượng sữa tốt nhất.
Trong trồng trọt, công ty TNHH Một thành viên Bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa đã ứng dụng các sản phẩm công nghệ số như: phần mềm cho phép phân tích các dữ liệu về môi trường, đất đai, loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây, người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi các thông số này theo thời gian thực. Công ty đã đẩy mạnh việc sử dụng nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, vận dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, giảm tác động tiêu cực đến môi trường, ứng dụng công nghệ canh tác hữu cơ hay vòng tuần hoàn nước. Đây cũng là những chương trình hành động cụ thể trong lộ trình chuyển đổi số mà công ty đang đẩy mạnh, nhằm thực hiện chiến lược phát triển bền vững.
Thanh Hóa là tỉnh có lợi thế về nông nghiệp với diện tích tự nhiên lớn thứ 5 cả nước, nguồn lao động dồi dào, cùng với nhiều chính sách kích cầu thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Những năm qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã chủ động ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy nhanh lộ trình số hóa dữ liệu ngành, hình thành chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm nông nghiệp sạch. Công nghệ số đã góp phần thay đổi phương thức quản lý, sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm nhân công, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Là công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới đã bước đầu quan tâm đầu tư chuyển đổi số trong trang trại và sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch mang nhãn hiệu Qeeen Farm. Công ty chủ động ứng dụng các phần mềm, mua công nghệ từ các nước có nền nông nghiệp tiên tiến như Nhật Bản về áp dụng vào sản xuất, nhờ đó giảm thiểu những bất lợi từ thời tiết, sâu bệnh...Việc bón phân, tưới nước cho cây trồng cũng được tự động hóa. Thiết bị cảm ứng nhiệt sẽ tự động điều chỉnh, điều hòa chế độ tưới để đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển ổn định nhất. Nhờ được chăm sóc theo quy trình khắt khe, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp của công ty đạt sản phẩm OCOP 4 sao, được bán trực tiếp vào các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, mới đây Queen Farm đã hoàn thiện lắp đặt dây chuyền sơ chế - chế biến rau má hoàn toàn khép kín, với năng suất mỗi ngày đạt 1 tấn rau má tươi. Công ty đã áp dụng việc phân phối, bán hàng, ký gửi hàng hóa trên các trang thương mại điện tử lớn như Lazada, shopee, amazon, alibaba... để tiếp cận khách hàng nhanh nhất mà không cần gặp mặt trực tiếp.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật, “chuyển đổi số”, “sàn thương mại điện tử”… là những thuật ngữ ngày càng trở nên quen thuộc với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngành nông nghiệp. Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử có thể xem là một trong các giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Xã Bình Sơn, huyện Triệu Sơn là nơi nổi tiếng với nghề sản xuất chè và mật ong của tỉnh Thanh Hóa. Hiện tại, diện tích chè của Bình Sơn đã đạt 300 ha, trong đó có 200 ha chè búp. Ngoài các kênh bán hàng truyền thống, từ vài năm nay, HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn đã tiến hành số hóa, đưa hình ảnh, thông tin các sản phẩm do HTX sản xuất lên sàn thương mại điện tử, các nền tảng internet, mạng viễn thông di động và mạng mở khác.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, chuyển đổi số đã được thực hiện trên nhiều lĩnh vực sản xuất, chế biến: nông, lâm, ngư nghiệp. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp vẫn chưa rộng khắp, còn nhỏ lẻ, cục bộ. Nguyên nhân chính là do: Cơ sở hạ tầng cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới chưa đồng bộ; kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa; trình độ cơ giới hóa còn thấp; nguồn nhân lực chỉ quen với việc sản xuất nông nghiệp thuần túy, truyền thống... Để thực hiện thành công chuyển đổi số trong nông nghiệp, quan trọng hơn cả là cần sự kết hợp của chính sách, công nghệ và trình độ dân trí, cần những quyết sách mang tính chiến lược, căn cơ từ các cấp, ngành chức năng để dẫn dắt quá trình chuyển đổi số đi đúng hướng. Với kế hoạch cụ thể và những bước đi thận trọng, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đang đón nhận cơ hội chuyển đổi số để tạo ra những bước đổi mới cơ bản cho nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung./.
Minh Thúy – Xuân Quang/Chuyên mục Đưa Nghị quyết vào cuộc sống ngày 17.3-TTV
Trình bày: Minh Hương