Chuyển đổi số - Thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo với 5G

15/12/2021, 10:30

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đang sở hữu những điều kiện tốt để xây dựng kinh tế số. Bên cạnh đó, Việt Nam là điểm đến của nhiều công ty công nghệ thông tin và công nghệ thông minh hàng đầu thế giới như Apple, Samsung, Ericsson, ABB, Qualcomm…

Ngày 14/12, Diễn đàn “Chuyển đổi số - Thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo với 5G” do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra sôi nổi với sự trao đổi thẳng thắn, thiết thực giữa đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia từ các hiệp hội quốc tế cùng đông đảo doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam và quốc tế. Diễn đàn diễn ra với hình thức trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng Zoom cũng như được livestream trên nhiều kênh khác nhau.

Trên thế giới, kinh tế số đang tăng trưởng rất nhanh, trở thành chìa khoá cho không ít nền kinh tế vươn ra toàn cầu. Tại Việt Nam, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh nhưng nền kinh tế số năm 2021 dự kiến đạt 21 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2020, tương đương Malaysia và chỉ đứng sau Indonesia, Thái Lan. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định, đến năm 2025 kinh tế số đạt tỷ trọng 20% GDP, đến năm 2030 kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP.

Tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận về xu hướng chuyển đổi số, vai trò của 5G đối với tăng trưởng kinh tế, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, những cơ chế chính sách nhằm “dọn đường” cho thương mại hóa 5G, cũng như bài học kinh nghiệm từ các nước để chuyển đổi số thành công.

Diễn đàn cũng là tạo kênh đối thoại giữa các cơ quan Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, cũng như giao lưu, kết nối cơ hội đầu tư kinh doanh giữa các doanh nghiệp công nghệ trong nước và quốc tế. Cũng thông qua diễn đàn, các cơ quan nhà nước đã nhận được nhiều đóng góp, chia sẻ từ phía các doanh nghiệp và kinh nghiệm thực tế các nước phát triển từ phía đại diện các tổ chức quốc tế và hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, để có thể có những giải pháp triển khai mạng 5G được sớm nhất trong điều kiện của Việt Nam và làm nền tảng đáp ứng nhu cầu phát triển của kinh tế số, xã hội số.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống khẳng định: Chuyển đổi số càng trở nên cấp bách khi dịch COVID-19 đã tác động, thay đổi cuộc sống, thói quen của con người; gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc các tổ chức, cá nhân và cả cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải thay đổi và thích ứng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư với cam kết luôn đi đầu trong đổi mới và cải cách, đã phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc cùng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất và triển khai các giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam.

Cũng tại Diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Viễn Thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Phong Nhã nhấn mạnh, với mục tiêu: Viễn thông Việt Nam phải đi cùng nhịp với các quốc gia phát triển trên thế giới trong việc nghiên cứu, triển khai ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến nhất là hạ tầng băng rộng trong đó có mạng di động 5G, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ các đơn vị, các doanh nghiệp viễn thông triển khai nhiều biện pháp. Trong đó, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2021/NĐ-CP về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai đấu giá và cấp phép các băng tần cho di động 4G và 5G; tháo gỡ & nút thắt; về cơ sở pháp lý của việc triển khai đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.

“Bộ cũng đã ban hành các quy chuẩn về 5G như: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị trạm gốc thông tin di động 5G - Phần truy nhập vô tuyến (QCVN 128:2021/BTTTT); Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối mạng thông tin di động 5G độc lập - Phần truy nhập vô tuyến (QCVN 127:2021/BTTTT); Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất 5G – (QCVN 126:2021/BTTTT). Đặc biệt, trong năm 2022, hạ tầng cáp quang được triển khai tới 100% các thôn, bản. Đây là hạ tầng truyền dẫn quan trọng để triển khai nhanh phần vô tuyến và đảm bảo chất lượng. Thêm vào đó, Bộ TT&TT đã đặt mục tiêu sẽ chính thức cấp phép thương mại hoá 5G trong năm 2022 và sớm phủ sóng đến các khu công nghiệp công nghệ cao; khu vực cho nhu cầu, đây là quyết tâm của ngành thông tin và truyền thông trong việc đưa Việt Nam đồng hành với các nước đi đầu về 5G. Trong thời gian tới, Cục Viễn thông sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các đơn vị, các doanh nghiệp viễn thông khẩn trương tổng kết đánh giá quá trình thử nghiệm mạng 5G, xây dựng tiêu chí về vùng phủ, chất lượng để cấp phép; giải pháp sử dụng chung hạ tầng để tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác mạng đồng thời làm chủ công nghệ 5G thông qua việc sử dụng thiết bị Make in Vietnam” – ông Nguyễn Phong Nhã nói.

Ước tính, mạng 5G sẽ bao phủ 75% thế giới dân số vào năm 2027 và chuyển mạng 62% tổng lưu lượng dữ liệu di động (Ảnh chụp màn hình) 

Trao đổi tại Diễn đàn, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar cho rằng, thời đại công nghệ đang đưa chúng ta đang sang không gian mới của máy móc, của phương tiện giao thông, của thiết bị đeo và của nhiều thiết bị máy móc được kết nối khác. Những không gian này sẽ sản sinh ra những loại hình doanh nghiệp và mô hình kinh doanh mới, mang lại cơ hội tạo ra giá trị mới trong các lĩnh vực sản xuất, giao thông vận tải, chăm sóc sức khỏe, năng lượng và các lĩnh vực khác. 5G sẽ mở ra tiềm năng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.

“Trong bối cảnh Việt Nam đang có hoài bão số hóa xã hội, chúng tôi kỳ vọng 5G sẽ đóng vai trò nền tảng thông qua tăng cường kết nối băng rộng, cải thiện vùng phủ sóng nông thôn, tạo điều kiện thu hẹp khoảng cách số, phát triển Công nghiệp 4.0 và gia tăng đóng góp của lĩnh vực truyền thông số vào GDP của Việt Nam. Một thành phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam là phát triển nền kinh tế số, dự kiến sẽ đóng góp 7% GDP vào năm 2025 và 7,5% vào năm 2030.” – ông Denis Brunetti nói.

Đồng quan điểm trên, ông Christophe Poisson, đại diện cho các thành viên Tiểu ban Kỹ thuật số EuroCham cho hay, thế giới đang trải qua một sự thay đổi lớn khi bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số và Việt Nam đang tham gia vào kỷ nguyên này. 5G dự kiến sẽ mang đến nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp EU tại Việt Nam trong thời gian tới. Việc ra mắt 5G tại Việt Nam hỗ trợ tầm nhìn của Chính phủ về việc phát huy năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong việc thúc đẩy và tạo ra làn sóng phát triển kinh tế xã hội toàn vẹn và bền vững tiếp theo ở Việt Nam.

Theo ước tính của Ericsson về thị trường di động, tới năm 2027, 5G sẽ trở thành công nghệ truy cập di động chủ đạo. Dự báo, đến cuối năm 2027 sẽ có 4,4 tỷ thuê bao 5G, chiếm 49% tổng số thuê bao di động tại thời điểm đó. Ước tính, mạng 5G sẽ bao phủ 75% thế giới dân số vào năm 2027 và chuyển mang 62% tổng lưu lượng dữ liệu di động. Ở Đông Nam Á và Châu Đại Dương, vào năm 2021, thuê bao 5G dự kiến sẽ chiếm 45% tổng số thuê bao di động./.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO