Tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra nguy cơ: Cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, già hóa dân số, chênh lệch giàu nghèo, đại dịch COVID, phục hồi kinh tế...
Và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cam kết: "Nếu ngày này năm sau Thủ tướng đến diễn đàn, mà không nhìn thấy sự phát triển của lĩnh vực công nghệ số, các sản phẩm do những doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm ra, giúp cho người dân hạnh phúc, đất nước phát triển, tôi xin phép từ chức".
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra lời cam kết mạnh mẽ, quyết liệt và bảo đảm bằng sinh mệnh chính trị của mình. Mạnh mẽ và quyết liệt là vì chỉ trong một năm, sẽ có những sản phẩm công nghệ "Make in Viet Nam" mang đến hạnh phúc, thịnh vượng. Như Thủ tướng nói, chuyển đổi số phải mang tinh thần dân tộc "Make in Viet Nam".
Chúng ta đã nói về "Make in Viet Nam" lâu rồi, nhưng cho đến nay, sản phẩm công nghệ có tầm nhân loại thì chưa. Chúng ta nói đến khởi nghiệp cũng đã nhiều năm, nhưng chưa có nhiều start up có vị trí nổi bật trong làng khởi nghiệp quốc tế.
Nói về sự phát triển của một quốc gia thì phải có những thành quả cụ thể, không nói chung chung. Ví dụ như, trong số 801 startup kỳ lân, có 316 công ty đạt trạng thái kỳ lân trong khoảng thời gian từ ngày 1.1.2021 đến ngày 20.8.2021. Các lĩnh vực "sản sinh" ra kỳ lân tập trung vào công nghệ, có điều chưa thấy chân dung Việt trong danh sách này.
Vậy thì sau một năm, Việt Nam phải có doanh nghiệp công nghệ dù chưa phải là kỳ lân thì cũng "kỳ phùng địch thủ" với những doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
Một năm sau, Việt Nam có những doanh nghiệp tạo ra nền tảng quốc gia đúng tinh thần "Make in Viet Nam", đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp công nghệ.
Một năm sau, phải có được những sản phẩm công nghệ do chính con người Việt Nam làm ra, xử lý các vấn đề lớn như biến đổi khí hậu, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, hay nói đúng hơn là làm cho dân mình giàu lên.
Đúng là chỉ có "công nghệ số, giải pháp số, trí tuệ, sự đổi mới sáng tạo Việt Nam" mới giải quyết được những vấn đề lớn lao đó. Song cam kết chỉ vỏn vẹn một năm để giải quyết những vấn đề trên thì quả là điều đột phá chưa từng thấy. Nhưng cũng chính công nghệ số sẽ không cho phép tính bằng thời gian bằng năm, mà tính bằng ngày, giờ, thậm chí là từng giây. Mặt khác, nhiều DN Việt Nam đã tiếp cận công nghệ số rất nhanh, đầu tư lớn và rất nghiêm túc vì nó là sự sống còn của chính họ.
Bởi vậy có đủ niềm tin và hy vọng vào lời cam kết của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.