Cần thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch

23/08/2021, 10:16

Kinhtedothi- Các DN đang hết sức khó khăn, nhiều DN đã phải rút lui khỏi thị trường, trong đó có một số DN quy mô vừa và lớn. Khó khăn của các DN hiện đang đối mặt là chưa từng có, do vậy các các chuyên gia cho rằng giải pháp hỗ trợ phải tăng liều, mạnh mẽ hơn.

Doanh nghiệp còn khó, cần thêm trợ lực

Trong 7 tháng năm 2021, cả nước có gần 80.000 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có gần 12.000 DN rút lui khỏi thị trường, trong đó có một số DN quy mô vừa và lớn.

Với tinh thần đồng hành cùng DN, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Như: chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động; chính sách giãn, hoãn, giảm thuế; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ… Những chính sách này đã phần nào giảm bớt các khó khăn của DN, góp phần quan trọng duy trì tăng trưởng và phát triển kinh tế năm 2020 và những tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, hiện tại, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, khiến các DN vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.


Ảnh minh hoạ

Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh cho biết, hầu hết các DN đều đang đối mặt với những thách thức do không tiêu thụ được sản phẩm đầu ra vì bị ách tắc ở khâu lưu thông, vận chuyển; thiếu nguyên vật liệu đầu vào và giá cả nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao. Thêm nữa, lại không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng và phát sinh các chi phí trong quá trình thực hiện chống dịch nên khó có thể đảm bảo lâu dài nguồn thu nhập cho người lao động.

Mặc dù các gói hỗ trợ và chính sách nhanh chóng được Chính phủ đưa ra, nhưng trên thực tế DN vẫn khó tiếp cận như các chính sách tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động.

Về các gói chính sách về tài khóa, được triển khai khá nhanh và áp dụng ngay, song quy mô của các gói hỗ trợ còn khiêm tốn. “Ngay như chính sách giãn thuế cũng vậy, giãn thời hạn xong trước sau thì DN vẫn phải nộp...", ông Mạc Quốc Anh nói.

Do vậy, Hanoisme kiến nghị Chính phủ cho giảm thuế đất hàng năm phải nộp của năm 2021 để bù đắp cho DN những tháng phải ngừng sản xuất kinh doanh của năm 2020 – 2021; đồng thời, cải thiên môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực đất đai, mặt bằng sản xuất để tạo cơ hội cho DN có điều kiên tăng quy mô hoạt động; tiếp tục thực hiện chính sách cơ cấu nợ vay, giãn nợ vay đối với khoản nợ phát sinh trong năm 2020 - 2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021.

TS Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng, chính sách hỗ trợ giảm thuế nên phân theo từng vùng cụ thể. Đối với các hộ kinh doanh ở vùng dịch, gần như các hoạt động bị đóng băng, không có doanh thu để nộp thuế, có thể miễn 100% cho họ. Những hộ kinh doanh không ở vùng dịch cũng chịu tác động chung của dịch bệnh thì có thể miễn 50%. Sự hỗ trợ này sẽ giúp các hộ kinh doanh có động lực phục hồi kinh doanh, ít nhất là sau thời gian giãn cách. Tuy nhiên, mọi chính sách đều cần nhanh chóng triển khai thì mới có ý nghĩa.

Mở rộng đối tượng, cắt giảm chi phí trực tiếp cho DN

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đề xuất, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện các gói hỗ trợ đến thời điểm hiện tại và tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Các chính sách này cùng với các gói giảm phí, lệ phí khác nên được tính toán để gia hạn, ít nhất là đến khi Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng (hết quý II/2021). Đồng thời, nên xem xét điều chỉnh ngân sách hỗ trợ từ cấu phần này sang cấu phần khác thiết thực hơn (nếu chậm thực thi giải ngân).

Với gói hỗ trợ tiền điện nên giảm mạnh hơn, giảm tiếp tiền điện cho người dân và DN, tương đương đợt 1 năm 2020 (khoảng 9.300 tỷ đồng); theo đó, EVN có thể xem xét mở rộng đối tượng được giảm, với ngân sách giảm bổ sung khoảng 6.800 tỷ đồng.

“Hay như gói hỗ trợ viễn thông, hiện được công bố có giá trị ước khoảng 10.000 tỷ đồng, nhưng chủ yếu là gia tăng quyền lợi, ưu đãi cho khách hàng, chứ không giảm trực tiếp vào giá cước, nên chỉ có tác động đến một số đối tượng nhất định (như người dùng dịch vụ trả trước, còn những ai đang dùng gói ưu đãi sẽ không có tác dụng nhiều bởi nhiều người chưa dùng hết khuyến mại…)”. Do đó, theo TS Lực, cách hỗ trợ tốt nhất là nên giảm giá cước 20-30% trong khoảng 3 tháng (quý 3), vì như vậy tính vào chi phí của DN và việc hỗ trợ thiết thực hơn.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, mong muốn của cộng đồng DN là bên cạnh các giải pháp trước mắt đã được Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương ban hành như miễn giảm thuế, giãn thuế, gia hạn nộp thuế, giảm lãi suất, giảm các chi phí của hoạt động kinh doanh, cần phải chú ý đến những giải pháp có tính chất hạn dài hơn. Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ DN kịp thời theo hướng làm giảm những chi phí phí vốn, vận tải, logistics, đất đai, chi phí về các thủ tục hành chính. 4 nhóm giải pháp VCCI kiến nghị gồm: hỗ trợ về tín dụng; hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động; hỗ trợ mở rộng thị trường; hỗ trợ về thông tin, đào tạo nguồn nhân lực. Xem xét hỗ trợ hoặc điều chỉnh một số chi phí sản xuất kinh doanh cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo hướng: Hỗ trợ 100% kinh phí khi DN tham gia thực hiện chương trình xúc tiến thương mại trong nước, chương trình về xúc tiến thương mại điện tử từ ngân sách nhà nước; điều chỉnh giá một số yếu tố đầu vào giảm cho DN (giá điện…), điều chỉnh giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021.

Bộ KH&ĐT vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết hỗ trợ DN. Theo đó, với mục tiêu sớm khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất, Bộ KH&ĐT chú trọng đến 4 phần việc: Thực hiện linh hoạt hiệu quả biện pháp phòng dịch, tạo điều kiện ổn định, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; lưu thông hàng hoá thông suốt, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn; cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia.

Nhận xét dự thảo Nghị quyết, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng , trong điều kiện cực kỳ khó khăn hiện nay, Nghị quyết nếu được thông qua, sẽ phát huy vai trò hỗ trợ, phục hồi sản xuất kinh doanh rất lớn cho DN. Tuy nhiên, ông Thịnh lưu ý giải pháp nêu trong dự thảo cần được xem xét kỹ, có gì khác với các gói đang thực hiện; nguồn lực, cách thức hỗ trợ từ đâu; khả năng chịu đựng của ngân sách nhà nước, và khả năng tiếp nhận của DN đến mức nào. “Hỗ trợ đưa ra nhưng không thực hiện được thì rất mất uy tín. Vừa qua, một số ngân hàng cam kết hỗ trợ tín dụng, giảm lãi suất nhưng DN vẫn không tiếp cận được, đã có trường hợp từ chối vì điều kiện phức tạp. Hỗ trợ liên quan đến lãi suất cần có mức hưởng cụ thể, không cào bằng, xem xét trên cơ sở khó khăn của mỗi DN”, ông Thịnh nói.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO