Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lẵng hoa chúc mừng. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tham dự Hội nghị.
Là đơn vị chủ lực dẫn dắt quá trình chuyển đổi số trong ngành Tài chính, ngay từ năm 1991, Tổng cục Thuế đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý. Qua 30 năm liên tục đầu tư, hệ thống công nghệ thông tin của ngành đã phát triển một cách toàn diện, điện tử hóa được mọi ứng dụng trong tất cả các khâu của quản lý thuế, từ tiếp nhận, xử lý hồ sơ, hạch toán nghĩa vụ thuế của cá nhân, doanh nghiệp trên cả nước với trên 41 triệu mã số thuế và hàng trăm triệu hồ sơ thuế, đến truyền nhận các văn bản chỉ đạo trong nội bộ cơ quan thuế.
Đặc biệt, với 12 năm phát triển cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Tổng cục Thuế là một trong những cơ quan nhà nước tiên phong trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ điện tử cho người dân, doanh nghiệp.
Tổng cục Thuế liên tục cải cách và hiện đại hóa công tác quản lý để mang lại những tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Ngay từ năm 2010, cơ quan này đã đề xuất với Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định bổ sung hóa đơn điện tử vào hệ thống hóa đơn chứng từ hạch toán kế toán, tạo cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp hiện đại hóa công tác quản trị doanh nghiệp phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại.
Đến nay, việc tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ của người nộp thuế đều được thực hiện tập trung và tự động. Cơ quan thuế từ việc phải nhập dữ liệu kê khai của người nộp thuế vào hệ thống phần mềm thì nay chỉ thực hiện việc đối chiếu, kiểm soát, giám sát dữ liệu kê khai của người nộp thuế, từ đó phân tích thông tin, đưa ra các biện pháp nghiệp vụ phù hợp để quản lý thuế hiệu quả.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận ngành Tài chính đã rất nỗ lực, chủ động đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong các hệ thống thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, thị trường chứng khoán. Trong đó, cải cách công tác quản lý thuế theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả đã được ngành Thuế đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ đăng ký thuế điện tử hiện đạt 100%; tỷ lệ khai thuế điện tử đạt 99,9%; tỷ lệ đăng ký nộp thuế điện tử đạt 99%, hoàn thuế điện tử đạt gần 98%.
“Đây là một bước tiến dài; nhờ đó, các chỉ số về môi trường kinh doanh trong lĩnh vực thuế được cải thiện rõ rệt, đặc biệt người dân, doanh nghiệp được trực tiếp hưởng lợi, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 được thực hiện nghĩa vụ nộp thuế qua mạng, không phải trực tiếp đến các cơ quan liên quan”, Phó Thủ tướng nói.
Nhấn mạnh hóa đơn điện tử đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý thuế hiện đại, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của nền kinh tế, thay đổi phương thức quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế cũng như của doanh nghiệp, người nộp thuế; vừa tiết giảm chi phí hành chính, vừa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn (big data) đặc biệt quan trọng không chỉ đối với cơ quan thuế mà còn đối với khu vực doanh nghiệp và nền kinh tế.
Đầu năm nay, tại Nghị quyết số 01-NQ/CP, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xây dựng lộ trình và triển khai áp dụng hóa đơn điện tử. Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã lập kế hoạch triển khai hóa đơn điện tử theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022, triển khai trước tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Định. Giai đoạn 2 từ tháng 4-7/2022, triển khai tiếp tại 57 tỉnh, thành phố còn lại.
Phó Thủ tướng cũng ghi nhận những kết quả đạt được của ngành Thuế nói riêng và ngành Tài chính nói chung trong việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cắt giảm thủ tục hành chính thuế theo hướng tạo thuận lợi cho người nộp thuế; tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm quản lý thu và bảo đảm nguồn ngân sách nhà nước…
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, việc tổ chức Hội nghị công bố và kích hoạt Hệ thống hóa đơn điện tử là kết quả của một quá trình phấn đấu với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, toàn ngành Thuế và sự phối hợp chặt chẽ, ủng hộ, đồng hành của các cấp, các ngành, các địa phương, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra rằng, công tác tài chính - ngân sách nhà nước nói chung và công tác quản lý thuế nói riêng vẫn còn những hạn chế, bất cập. Có lúc, có nơi còn hiện tượng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà trong công tác quản lý thuế.
Lưu ý ngành Tài chính, ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, quản lý thuế theo hướng công khai, minh bạch, tạo thuận lợi và giảm thiểu thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý, Phó Thủ tướng nêu rõ, Hội nghị hôm nay mới chỉ là bước khởi đầu, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm ở phía trước để bảo đảm đạt được mục tiêu 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc đến ngày 30/6/2022.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế tăng cường quán triệt trong toàn ngành tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hơn nữa Hệ thống hóa đơn điện tử; bảo đảm thông tin, dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất, an ninh, an toàn, đáp ứng yêu cầu quản lý và tạo thuận lợi cho người nộp thuế; nỗ lực bắt kịp, tiến cùng và vươn lên trong quản lý thuế so với khu vực, thế giới. Cần xác định rõ việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số; rà soát, hoàn thiện quy định về các hệ thống tài nguyên thông tin, dữ liệu số có tính kết nối, liên thông cao, không chỉ phục vụ công tác quản lý thuế mà còn các lĩnh vực khác.
“Phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan, địa phương có kế hoạch, phương án, giải pháp cụ thể để triển khai thành công hệ thống hóa đơn điện tử, nhất là phối hợp với ngành Ngân hàng để thanh toán điện tử, tạo sự minh bạch về tài chính, thuận tiện cho người sử dụng. Đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo phối hợp chặt chẽ, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả trên địa bàn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đề cập đến vai trò đặc biệt quan trọng của ngành Tài chính, là huyết mạch của nền kinh tế, Phó Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh tình hình đại dịch COVID-19 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp hiện nay, ngành Tài chính, ngành Thuế lại càng có ý nghĩa quan trọng, nhất là đối với quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh theo tinh thần kết luận của Trung ương và nghị quyết của Quốc hội. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gắn với Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt quan trọng để đưa đất nước vượt qua khó khăn, không để lỡ nhịp với xu hướng phục hồi mạnh mẽ của kinh tế thế giới.
Với quan điểm chính sách tài chính cho phát triển, vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế, ngành Tài chính cần phân tích, đánh giá, tính toán kỹ, bảo đảm sử dụng các công cụ chính sách tài khóa thực sự linh hoạt, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm đủ nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; xác định rõ mức bội chi ngân sách nhà nước hợp lý và bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn theo quy định.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, lãnh đạo Tổng cục Thuế cùng đại diện các bộ, ngành, đơn vị và lãnh đạo 6 địa phương tại các điểm cầu: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Định đã thực hiện nghi thức kích hoạt triển khai Hệ thống hóa đơn điện tử.