Thanh toán không tiền mặt tăng mạnh

20/11/2021, 09:45

Chín tháng đầu năm, thanh toán qua di động tăng hơn 76% về số lượng và 88% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Thông tin trên được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết tại hội thảo "Tiến tới quốc gia không tiền mặt" sáng 19/11.

Thống đốc đánh giá, người dân giờ không chỉ đơn thuần dùng ứng dụng Mobile Banking hay ví điện tử để chuyển tiền, vấn tin mà đã sử dụng cho hầu hết nhu cầu mua sắm, cả trực tuyến lẫn trực tiếp hàng ngày.

Theo đó, họ sử dụng cho mọi dịch vụ như thanh toán hóa đơn, học phí, viện phí, thương mại điện tử, các dịch vụ trực tuyến (đi chợ, siêu thị, gọi xe giao hàng, đặt mua vé máy bay, tour du lịch khách sạn, vé tàu xe)...

Bên cạnh đó, thanh toán qua Internet 9 tháng qua cũng tăng 51,2% về số lượng và 29,1% về giá trị.

Trong cùng giai đoạn này, giao dịch thanh toán qua điện tử liên ngân hàng tăng 41,4% về giá trị. Giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 99% về số lượng và 139,8% về giá trị.

Cho đến nay, 95% tổ chức tín dụng đã, đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Khoảng 80 ngân hàng triển khai dịch vụ Internet Banking, 44 ngân hàng cung cấp dịch vụ Mobile Banking, 45 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, hơn 90.000 điểm thanh toán QR và gần 298.000 POS.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tại hội thảo Tiến tới quốc gia không tiền mặt sáng 19/11. Ảnh: Ngân hàng Nhà nước

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tại hội thảo "Tiến tới quốc gia không tiền mặt" sáng 19/11. Ảnh: Ngân hàng Nhà nước

Khảo sát gần đây của McKinsey cũng cho thấy, người dùng Việt Nam được đánh giá có mức độ chấp nhận ngân hàng số, thanh toán số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực, tăng 41 điểm phần trăm và đạt 82% trong năm 2021.

Một số sàn thương mại điện tử, ví điện tử cũng ghi nhận thanh toán không tiền mặt tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong đợt bùng phát dịch lần 4. Mới hôm lễ hội mua sắm 11/11, số lượng đơn đặt hàng thanh toán qua ví ShopeePay trên sàn Shopee tăng 9 lần so với trung bình ngày thường.

Trước đó, số liệu của Sendo cho hay, trong 8 tháng đầu năm, tỷ lệ đơn hàng thanh toán không tiền mặt trên sàn này đã vượt mức 50%. Sendo cũng vừa cho phép thanh toán thêm một kênh không tiền mặt mới là ví SmartPay. Dù là một ví điện tử non trẻ mới ra mắt vào tháng 5/2019 nhưng đến tháng 5/2021, họ đã có 5,7 triệu người dùng trong và hơn 600.000 đơn vị chấp nhận thanh toán.

Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, trước ảnh hưởng của dịch Covid 19, cơ quan quản lý đã giảm 50% phí hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; giảm 70-100% phí chuyển mạch, bù trừ điện tử; và miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán dịch vụ công; khoảng 80% giao dịch thanh toán cá nhân trên kênh điện tử đã được miễn phí.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không tiền mặt trong thời gian tới.

Thứ nhất, sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi số hoạt động ngân hàng, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt trên cơ sở ứng dụng công nghệ, tạo thuận lợi cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận được dịch vụ...

Trước mắt tập trung vào việc hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt; Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Fintech Sandbox) và ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai.

Thứ hai, phối hợp với các bộ, ngành cơ quan liên quan triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, xử lý tức thời, hoạt động liên tục 24/7 cho mọi đối tượng và người dân.

Cùng với đó là hai giải pháp khác bao gồm tăng cường an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; cũng như phổ biến về thanh toán không tiền mặt, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp người tiêu dùng.

Viễn Thông


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO