Rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục
Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh Cà Mau đã đưa ra những chiến lược phát triển cụ thể. Trong đó, ưu tiên tập trung vào các giải pháp rút ngắn chi phí, thời gian thực hiện thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản, ứng dụng công nghệ thông tin, chất lượng đào tạo nghề và hỗ trợ khởi nghiệp cũng như đẩy mạnh giao dịch trực tuyến...
Cùng với đó, sẽ tập trung thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, đẩy mạnh tiến độ thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hoá các quy trình, thủ tục.
Chuyển đổi số được kỳ vọng là giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, hiệu quả quản trị nội bộ, mở ra những cơ hội tiếp cận khách hàng toàn cầu. Bên cạnh đó, còn rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ, sáng tạo ra sản phẩm dịch vụ mới, tăng trưởng doanh thu với các mô hình kinh doanh mới…
Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Cà Mau về việc chuyển đổi số, thanh toán số, tiến tới xu hướng thanh toán không cần tiền mặt, từ tháng 4/2022, UBND Phường 5, TP.Cà Mau đã phối hợp với Viettel triển khai dự án "Chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt".
UBND Phường 5 cho biết, khách hàng thanh toán tại khu vực chợ sẽ không cần dùng tiền mặt, hướng tới sự nhanh chóng và thuận lợi trong kinh doanh, mua bán. Đây là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh mua bán nói chung.
Ông Hồ Chí Linh, Giám đốc Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau khẳng định, thanh toán trực tuyến là chìa khoá quan trọng cho bài toán làm thế nào để đưa kinh tế số, xã hội số đến với người dân. Nền tảng này cần được phát triển nhanh, phổ biến rộng rãi.
Hiện nay, toàn tỉnh đã cung cấp 92 dịch vụ công mức độ 3, 254 thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công mức độ 4. Tất cả các dịch vụ công ở mức độ này đều đã tích hợp, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, đồng thời các dịch vụ thanh toán trực tuyến cũng được tích hợp tạo nên hệ thống hoàn chỉnh.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu
Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động, tỉnh Cà Mau xác định việc đẩy mạnh chuyển đổi số tạo ra những động lực tăng trưởng mới, góp phần thúc đẩy giá trị đổi mới sáng tạo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Tỉnh Cà Mau quyết tâm hiện thực hóa chương trình chuyển đổi số với 3 trụ cột là xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số một cách thực chất.
Ông Trần Quốc Chính, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau, cho biết: Cà Mau đã đạt được những kết quả tích cực về phát triển hạ tầng số như 100% xã, phường, thị trấn đã có cáp quang tới trung tâm xã; 100% trường học, bệnh viện trong tỉnh có kết nối Internet băng rộng; tỷ lệ dân số được phủ sóng di động đạt 100%. Tất cả các cơ quan nhà nước đã được trang bị hệ thống mạng cục bộ (LAN), kết nối internet tốc độ cao. Trung tâm dữ liệu chính và Trung tâm dữ liệu dự phòng của tỉnh tiếp tục được đầu tư, bổ sung thiết bị để nâng cao năng lực hoạt động…
Trong phát triển hệ thống nền tảng thì ưu tiên triển khai nền tảng điện toán đám mây tại Trung tâm dữ liệu tỉnh, sử dụng giải pháp công nghệ ảo hóa; nền tảng tích hợp để chia sẻ dữ liệu. Bước đầu đã kết nối API với các cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin như: hộ tịch tư pháp, bảo hiểm xã hội, đăng ký doanh nghiệp, cấp mã số cho đơn vị có quan hệ ngân sách, thanh toán quốc gia. Ngoài ra, Cà Mau đang chuẩn bị các điều kiện và gấp rút đầu tư Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC).
Hiện Cà Mau có khoảng 142 phần mềm, hệ thống thông tin đang được sử dụng và khai thác tại các cơ quan, đơn vị nhà nước. Trong đó, trên 60 phần mềm, hệ thống thông tin do địa phương triển khai.
Ứng dụng, dịch vụ phục vụ chính quyền và người dân đã triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành (iOffice) trên 650 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Triển khai chữ ký số chuyên dùng cho 1.316 cơ quan Đảng và Nhà nước. Cấp 11.000 tài khoản hộp thư điện tử cho các cơ quan, đơn vị. Đầu năm 2021, đã đưa vào vận hành hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ…
Đặc biệt, Cà Mau còn triển khai ứng dụng CaMau-G làm đại diện cho các hệ thống phần mềm Chính quyền điện tử của tỉnh Cà Mau. Từ đây, nhằm tập trung về một đầu mối cài đặt một lần để sử dụng nhiều dịch vụ số, hướng tới phục vụ đa dạng người dùng, tăng trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp trên môi trường số.
Để thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện. Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông cũng có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh về chuyển đổi số.
Thông qua chuyển đổi số, Cà Mau kỳ vọng sẽ từng bước đổi mới toàn diện hoạt động quản lý, chỉ đạo và điều hành của cơ quan Đảng, các cấp chính quyền và đoàn thể. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành số hoá các lĩnh vực kinh tế-xã hội; đến năm 2030, số hóa toàn diện các lĩnh vực, kinh tế số thành lợi thế cạnh tranh, trong đó kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đánh giá, chuyển đổi số không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, hiệu quả quản trị nội bộ mà còn mở ra những cơ hội tiếp cận khách hàng toàn cầu, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ, sáng tạo ra sản phẩm dịch vụ mới, tăng trưởng doanh thu với các mô hình kinh doanh mới.
"Cần nhân rộng những cách làm hay trong công tác chuyển đổi số. Các đơn vị, địa phương phải phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng để thực hiện thành công mục tiêu chung", Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh.