Biên tập viên ảo trong bản tin được tạo trên máy tính, mô phỏng 100% khẩu hình, biểu cảm khuôn mặt, ngôn ngữ hình thể và phong cách dẫn chương trình của người thật dựa trên các thuật toán học máy (Machine Learning) và học sâu (Deep Learnning).
Với mỗi biên tập viên ảo, hệ thống sẽ sử dụng hàng nghìn mẫu khẩu hình, động tác biểu cảm, cử chỉ khuôn mặt/ hình thể khác nhau để phân tích và khớp với nội dung, ngữ điệu, sắc thái thể hiện của từng bản tin.
Đây là một sản phẩm do báo tự nghiên cứu, phát triển dựa trên hạ tầng hệ thống điều hành tác nghiệp và mạng sản xuất – xuất bản đa phương tiện NDI của Trung tâm Truyền thông Đa Phương tiện.
Bản tin do BTV trí tuệ nhân tạo dẫn chương trình đầu tiên trên báo Lao Động:
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động mạnh mẽ tới mô hình hoạt động và phương thức tác nghiệp của các hãng tin, toà soạn. Ở thời điểm hiện tại, các hãng tin lớn trên thế giới đang chạy đua để ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động nghiệp vụ hàng ngày nhằm tăng cường hiệu quả, tốc độ sản xuất, xuất bản tin tức và giảm thiểu chi phí vận hành.
Hãng tin Reuters đã hợp tác cùng Graphiq, sử dụng các thuật toán AI để dự đoán chủ đề tin tức, sau đó thu thập và xử lý dữ liệu, phát triển các sản phẩm nội dung hàng ngày. Trong khi đó, Washington Post đã áp dụng hệ thống Heliograf để sản xuất các tác phẩm báo chí từ dữ liệu có sẵn.
Cuối năm 2018, Tân Hoa Xã đã giới thiệu người dẫn chương trình ảo mô phỏng giọng nói, phong cách dẫn chương trình của biên tập viên tin tức Qui Meng. Mặc dù còn nhiều hạn chế về mặt xử lý ngôn ngữ tự nhiên và động tác hình thể nhưng người dẫn chương trình ảo này đã đánh dấu một bước tiến của nhân loại trong việc ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo vào quá trình sản xuất và xuất bản các tác phẩm báo chí.
Ở thời điểm hiện tại, một số quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ cũng đã xuất hiện các biên tập viên ảo thay thế các nhà báo trong việc xử lý một số công đoạn trong quy trình sản xuất, xuất bản tin tức.
Tại Việt Nam, một số cơ quan báo chí lớn như Thông tấn xã Việt Nam, Báo Lao Động, Báo Thanh Niên, Báo Dân trí… đã từng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tạo ra các robot đọc bài báo bằng ngôn ngữ tiếng Việt.
Báo Lao Động là một trong những đơn vị tiên phong tại Việt Nam ứng dụng khoa học công nghệ để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ báo chí xuất bản. Với mô hình và quy trình sản xuất bản tin tự động dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo, báo có thể thực hiện hàng loạt các bản tin truyền hình định kỳ hàng ngày và các bản tin nóng tại bất kỳ thời điểm nào để cung cấp thông tin tới độc giả.
Trong thời gian tới, ngoài việc hoàn thiện sản phẩm người dẫn chương trình ảo và bản tin truyền hình tự động, Báo Lao Động sẽ tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào các công đoạn khác trong quy trình quản trị, sản xuất và xuất bản tin tức để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số theo mô hình toà soạn đa phương tiện tích hợp.