Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng: “Bộ lọc” nhiều lớp để ngăn chặn vi phạm

10/07/2021, 10:28

VHO- Trước những bất cập nảy sinh từ thực tiễn công tác quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Bộ TT&TT đã xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

 Sẽ có nhiều quy định mới nhằm ngăn chặn tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử Ảnh minh họa

 Với kỳ vọng lấp đầy những “khoảng trống”, khắc phục những bất cập như tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội (MXH) cùng những thách thức trong quản lý các nền tảng và dịch vụ xuyên biên giới..., dự thảo Nghị định hiện đang được đăng tải xin ý kiến rộng rãi.

Khoảng trống pháp lý cần hoàn thiện

Kể từ thời điểm Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ra đời đến nay, các loại hình thông tin cung cấp trên mạng ngày càng phong phú, đáp ứng nhu cầu và thói quen của người sử dụng. Nếu như trước đây, hoạt động cung cấp thông tin chủ yếu thông qua báo chí thì nay, việc sản xuất và phát hành nội dung không còn là vị trí độc tôn của báo chí nữa mà đã chuyển dần sang chính người dùng trên các MXH. Người dùng lên mạng không chỉ tìm kiếm thông tin mà họ còn được phục vụ cho nhu cầu giải trí, học tập, sáng tạo, mua sắm, chơi game, nghe nhạc, xem phim, thương mại điện tử...

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, trong đó có những khoảng trống pháp lý cần được hoàn thiện. Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), nhu cầu và xu hướng thực tiễn đang tác động rất lớn đến thị trường cung cấp dịch vụ nội dung thông tin điện tử trên mạng trong nước, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Trang thông tin điện tử tổng hợp vốn được kỳ vọng là cánh tay nối dài của báo chí, góp phần truyền tải kịp thời những thông tin chính thống để đẩy lùi các thông tin xấu độc, tin giả. Tuy nhiên, còn nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp chạy theo xu hướng thị trường, tập trung tổng hợp thông tin tiêu cực để câu khách, khiến cho bức tranh thông tin trên mạng bị sai lệch, không phản ánh đúng tình hình xã hội của đất nước…“Đây là vấn đề nhức nhối, tạo phản ứng bất bình trong dư luận, gây khó khăn đối với công tác quản lý nhà nước. Ngoài ra, tình trạng vi phạm bản quyền báo chí trên các trang thông tin điện tử tổng hợp ngày càng gia tăng...”, ông Lê Quang Tự Do nói.

Đối với hoạt động cung cấp dịch vụ MXH, các MXH xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok... chưa tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật Việt Nam. Các quy định hiện hành đối với hoạt động cung cấp thông tin, dịch vụ qua biên giới vẫn còn nhiều bất cập. Đây cũng là môi trường tồn tại nhiều thông tin vi phạm pháp luật, lan truyền tin giả, gây mất ổn định xã hội và bức xúc trong xã hội. “Nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng MXH để hoạt động báo chí, tổ chức phát trực tuyến để cung cấp thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín, nhân phẩm tổ chức, cá nhân khác và thông tin, dịch vụ vi phạm pháp luật, cần sớm bổ sung quy định điều chỉnh. Tình trạng “báo hóa” MXH đang ngày càng diễn biến phức tạp..”, ông Do cho biết.

Thực tế cũng cho thấy có nhiều bất cập nảy sinh trong các lĩnh vực như hoạt động cung cấp trò chơi điện tử trên mạng (game), dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động, các kho ứng dụng và nền tảng MXH đa dịch vụ... Những bất cập này dự kiến sẽ được điều chỉnh bởi các quy định trong dự thảo Nghị định sửa đổi.

Sẽ có nhiều điểm mới

Mục đích của Nghị định sửa đổi là nhằm điều chỉnh các hoạt động cung cấp nội dung thông tin trên mạng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nước phát triển lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; tạo hành lang pháp lý phù hợp với thực tế, khắc phục những hạn chế; bắt kịp xu thế phát triển của Internet và các dịch vụ nội dung thông tin trên mạng.

Đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng chia sẻ, quan điểm xây dựng Nghị định sửa đổi là khuyến khích phát triển các dịch vụ, nội dung, ứng dụng tiếng Việt phục vụ cho cộng đồng người Việt Nam trên Internet; đẩy mạnh việc đưa các thông tin lành mạnh, hữu ích lên Internet, hạn chế thông tin tiêu cực; ngăn chặn những hành vi lợi dụng Internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và vi phạm quy định của pháp luật; áp dụng các biện pháp bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên khỏi tác động tiêu cực của Internet... Theo ông Lê Quang Tự Do, dự thảo Nghị định sửa đổi có một số điểm mới đáng chú ý so với quy định hiện hành.

Cụ thể, dự thảo quy định mỗi trang tin điện tử tổng hợp chỉ được tổng hợp về một trong các lĩnh vực khoa học-công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao, giải trí, quảng cáo, an sinh xã hội và phù hợp với ngành nghề đăng ký kinh doanh, chức năng của tổ chức doanh nghiệp. Trang tổng hợp địa phương nào tổng hợp địa phương đó, hạn chế tổng hợp những thông tin tiêu cực của địa phương khác. Một số quy định được bổ sung như thực hiện các biện pháp ngăn chặn khẩn cấp đối với trường hợp vi phạm không hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước; yêu cầu các trang thông tin điện tử tổng hợp phải tuân thủ các quy định về bảo vệ bản quyền khi sử dụng, đăng tải lại các tác phẩm báo chí ; có cơ chế kiểm tra, rà soát và tự gỡ bỏ thông tin vi phạm bản quyền; sẵn sàng kết nối đến hệ thống giám sát của cơ quan quản lý nhà nước để quản lý hoạt động cung cấp thông tin...

Đối với tổ chức, doanh nghiệp không phải là cơ quan báo chí, dãy ký tự tạo tên miền không được giống hoặc trùng với cơ quan báo chí, không sử dụng những từ ngữ có thể gây nhầm lẫn với cơ quan báo chí như Báo, Tạp chí, Tin tức, New, Times, Online, Daily… Đối với MXH trong nước mới thành lập, dự thảo Nghị đinh quy định lượng người truy cập chưa đạt mức phải cấp phép chỉ cần thông báo theo mẫu, khi được cơ quan quản lý xác nhận đã thông báo thì bắt đầu được hoạt động theo quy định. Sau khi thông báo, Bộ TT&TT sẽ gắn công cụ đo để theo dõi lượng người truy cập thường xuyên của trang. Khi MXH trong nước đạt đến mốc từ 10.000 người truy cập thường xuyên/ tháng thì phải thực hiện thủ tục cấp phép, vì với lượng thành viên này, mạng xã hội đã bắt đầu có tác động lớn đối với xã hội...

Dự thảo cũng có một số quy định để hạn chế tình trạng “báo hóa” như chỉ các tài khoản đã được định danh 2 lớp (xác thực tài khoản với tên thật và số điện thoại) mới được viết bài, đăng bình luận, livestream, nếu không chỉ được xem tin, bài. Chỉ các MXH có giấy phép thiết lập MXH mới có quyền thu phí sử dụng dịch vụ dưới mọi hình thức; cung cấp dịch vụ phát trực tuyến livestream... Đồng thời, dự thảo cũng bổ sung trách nhiệm của MXH trong nước như: tạm khóa/xóa các nội dung (trong vòng 24h) bị khiếu nại chính đáng từ cá nhân/tổ chức bị ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp khi nhận được yêu cầu; phải có bộ lọc để chặn lọc sơ bộ trước những nội dung, hình ảnh vi phạm pháp luật do người dùng đăng tải trên MXH; không cho phép thành viên lợi dụng MXH để thực hiện hoạt động báo chí (theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Báo chí). Đối với chủ kênh, tài khoản trên các MXH, dự thảo cũng bổ sung một số quy định quản lý. Theo đó, các kênh/ tài khoản tại Việt Nam có lượng người sử dụng theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên phải thực hiện thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT. Các chủ kênh/ tài khoản MXH tại Việt Nam phải chịu trách nhiệm quản lý nội dung đăng tải trên kênh, tài khoản của mình (bao gồm cả nội dung bình luận của người sử dụng). 

 Chủ kênh, tài khoản trên các MXH có trách nhiệm tạm khóa, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật, thông tin ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, thông tin ảnh hưởng đến trẻ em đăng tải trên kênh, tài khoản MXH của mình ngay khi có yêu cầu từ người sử dụng MXH hoặc cơ quan quản lý... Đây cũng là những nội dung được quan tâm tại dự thảo Nghị định sửa đổi.
(Ông LÊ QUANG TỰ DO, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ TT&TT)

MAI PHƯƠNG - THANH NGỌC


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO