Cuộc cách mạng 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; mở ra nhiều cơ hội, đồng thời đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, địa phương, tổ chức và cá nhân. Chuyển đổi số càng trở nên cấp bách khi dịch COVID-19 thay đổi cuộc sống, thói quen của con người; gây ra khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc tổ chức, cá nhân và cơ quan quản lý nhà nước phải tìm mọi cách thích ứng.
Vì vậy, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thế giới, là yêu cầu khách quan của sự phát triển. Chuyển đổi số cần cách tiếp cận toàn cầu, không thể làm một mình mà phải hợp tác và học hỏi. Bên cạnh đó, chuyển đổi số tác động tới mọi người dân, cần cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân và doanh nghiệp (DN) là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực. Ngược lại, người dân và DN cũng phải tích cực, chủ động tham gia hiệu quả vào quá trình chuyển đổi số.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, từ thực tiễn triển khai chuyển đổi số thời gian qua, có thể coi 2020 là năm khởi động nhận thức về chuyển đổi số, 2021 là năm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số trong đại dịch COVID-19, 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện. Định hướng xuyên suốt về chuyển đổi số của tỉnh trong năm 2022 là đưa hoạt động của người dân, DN lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, DN thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số.
Năm 2022, An Giang đẩy mạnh phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử cho người dân và hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể; phổ cập sử dụng nền tảng dạy học trực tuyến (hướng dẫn người dân chủ động sử dụng các nền tảng số phục vụ việc học tập, ôn luyện môn học về khoa học tự nhiên, ngoại ngữ, kỹ năng số, kỹ năng mềm).
Đồng thời, phổ cập sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn sức khỏe cá nhân, kết nối trực tiếp người dân với bác sĩ theo quy định của pháp luật, sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa của các bệnh viện. Phổ cập sử dụng nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, như: Liên lạc, giải trí, du lịch, đi lại, ăn uống và bảo đảm an toàn thông tin mạng; dịch vụ công trực tuyến; phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN nhỏ và vừa.
Giám đốc Sở Y tế An Giang Trần Quang Hiền thông tin, đơn vị sẽ chủ trì, phối hợp cơ quan, đơn vị, địa phương thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành y tế; phổ cập tư vấn sức khỏe từ xa cho người dân; triển khai ứng dụng hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân, từng bước thay thế hồ sơ giấy.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn cho biết, địa phương sẽ đôn đốc, tăng cường chuyển đổi số trong chỉ đạo điều hành, nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân, DN. Đồng thời, phối hợp sở, ngành tuyên truyền, khuyến khích DN trên địa bàn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất - kinh doanh, quảng bá hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm trên môi trường trực tuyến…
Ông Nguyễn Thanh Bình yêu cầu, việc triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số ở tỉnh phải tuân thủ quy định, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Nhiệm vụ, giải pháp triển khai cần cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên nguồn lực tập trung thực hiện, phấn đấu nâng chỉ số chuyển đổi số của tỉnh tăng lên từ 2 đến 5 bậc trong xếp hạng chung của cả nước năm 2022.
Chuyển đổi số (Digital transformation) là ứng dụng tiến bộ về công nghệ số, như: Điện toán đám mây (cloud), dữ liệu lớn (Big data)... vào mọi hoạt động của tổ chức, DN, nhằm mang lại hiệu suất cao, thúc đẩy phát triển doanh thu và thương hiệu. Chuyển đổi số không đơn thuần thay đổi cách thực hiện công việc từ thủ công truyền thống (ghi chép trong sổ sách, họp trực tiếp...) sang vận dụng công nghệ để giảm thiểu sức người. Trên thực tế, chuyển đổi số đóng vai trò thay đổi tư duy kinh doanh, phương thức điều hành, văn hóa tổ chức... |