Xe năng lượng mới - “Vũ khí chiến lược” thúc đẩy ngành ô tô của Trung Quốc

24/09/2021, 09:52

Trong cuộc đua trên thị trường ô tô toàn cầu, quốc gia 1,4 tỷ dân đang nổi lên với chiến lược đầu tư mạnh mẽ vào “át chủ bài” là các dòng xe năng lượng mới.

Cú hích từ đầu tư "khủng" với ngành xe năng lượng mới Trung Quốc

Hồi tháng 5, trong chuyến thăm nhà máy chế tạo xe điện của ông lớn Ford tại Michigan, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có tuyên bố mạnh mẽ: "Tương lai của ô tô chính là xe điện. Trung Quốc đang dẫn trước trong cuộc đua xe điện… nhưng chúng ta sẽ không để cho họ chiến thắng cuộc đua này, bởi nước Mỹ đang trở lại".

Tổng thống Mỹ Joe Biden phải thừa nhận Trung Quốc đang chiếm lợi thế trong cuộc đua xe điện (Nguồn: AP)

Lời phát biểu của vị Tổng thống 78 tuổi cũng là sự thừa nhận cho lợi thế của Trung Quốc trên thị trường xe điện toàn cầu hiện nay, mà nước Mỹ đang có phần thất thế hơn. Nền kinh tế số 1 thế giới tiêu thụ khoảng 300 nghìn xe điện năm ngoái, so với con số 1,3 triệu chiếc từ quốc gia đông dân nhất hành tinh.

Ở bên kia bờ Thái Bình Dương, chính phủ Trung Quốc từ lâu đã nhìn ra tiềm năng của các dòng xe năng lượng mới, như xe điện và xe lai xăng-điện (hybrid) với thị trường ô tô toàn cầu, và bắt đầu dồn sự quan tâm vào lĩnh vực này từ sau năm 2009. Thành quả của sự đầu tư dài hơn này là đến năm 2016, Trung Quốc đã là thị trường xe năng lượng mới lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất hành tinh.

Khoảng 60 tỷ USD đã được rót vào ngành xe năng lượng mới, bao gồm việc trợ giá xe cho người tiêu dùng hay đầu tư ban đầu vào các startup xe điện nội địa. Nước này cũng xây dựng hệ thống trạm sạc bao phủ toàn quốc, và đầu tư vào những mảng thiết yếu khác tạo ra "bàn đạp" cho lĩnh vực nhiều triển vọng này.

Hiện đã có khoảng hơn nửa triệu trạm sạc đang hoạt động tại Trung Quốc – gấp 5 lần so với Mỹ. Một trong những lợi thế không nhỏ khác của nước này đến từ CATL, công ty sản xuất pin xe điện số 1 thế giới với khoảng 30% thị phần, và là đối tác của nhiều ông lớn của thị trường xe điện toàn cầu như Tesla.

CATL hiện là tên tuổi số 1 toàn cầu về sản xuất pin xe điện (Nguồn: CNBC)

Một trong những quyết định được xem là táo bạo nhất giúp Trung Quốc phát triển thị trường xe điện trong nước, chính là việc giới chức nước này bắt tay với Tesla, mở đường cho hãng xe điện hàng đầu thế giới này bước chân vào thị trường tỷ dân. Tesla nhận được rất nhiều sự ưu đãi chưa từng có tiền lệ, như việc là công ty ô tô nước ngoài đầu tiên được mở nhà máy tại Trung Quốc mà không cần lập liên doanh với doanh nghiệp trong nước. Các dòng xe xuất xưởng từ nhà máy Gigafactory Thượng Hải cũng đủ điều kiện hưởng mọi trợ giá và ưu đãi như sản phẩm của các hãng xe năng lượng mới trong nước.

Theo Nikkei, việc dọn đường cho Tesla vào Trung Quốc, thể hiện một tầm nhìn dài hơi của giới chức nước này. Chính quyền mong muốn Tesla sẽ giống như "Apple của ngành ô tô", việc hợp tác với công ty của tỷ phú Elon Musk sẽ góp phần gây dựng chuỗi cung ứng trình độ cao cho ngành xe năng lượng mới.

Tỷ phú Elon Musk tham dự lễ bàn giao chiếc xe Tesla đầu tiên từ nhà máy Thượng Hải hồi tháng 1/2020 (Nguồn: Reuters)

Với thương hiệu danh tiếng và mức giá hấp dẫn, Tesla đã nhanh chóng vọt lên dẫn đầu thị trường xe điện Trung Quốc trong năm 2020, và trở thành một sản phẩm biểu tượng cho các tầng lớp trung - thượng lưu ở thành thị nước này.

Dường như đây cũng chính là một mục tiêu khác, theo bình luận từ một chuyên gia của Nikkei: Đó là khả năng thu hút người tiêu dùng Trung Quốc đối với ngành xe năng lượng mới. Bất chấp những thiết hại khá đáng kể trong ngắn hạn, các doanh nghiệp nội địa cũng sẽ có động lực để gia tăng sức cạnh tranh khi không gian thị trường đã được mở rộng, nhờ sự xuất hiện của Tesla.

Những định hướng mới của Trung Quốc đối với ngành xe năng lượng mới

Hồi cuối năm 2020, chính phủ Trung Quốc đưa ra mục tiêu điều chỉnh, trong đó đặt mục tiêu tới năm 2025, cứ 5 ô tô mới bán ra thị trường nước này sẽ có 1 xe thuộc dòng năng lượng mới = gấp 4 lần mức hiện nay - một mục tiêu lớn nhưng không quá xa vời, khi thị trường nội địa vẫn đang tăng trưởng tốt. Tính riêng trong tháng 3 vừa qua, xe năng lượng mới đã chiếm khoảng 10% lượng xe mới tiêu thụ tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, giới chức cũng hiểu rằng, việc "nuôi sống" lĩnh vực này sẽ không thể kéo dài mãi mãi. Nước này đã có kế hoạch dừng trợ cấp mua xe năng lượng mới vào cuối năm 2020, sau đó gia hạn tới hết năm 2022 do ảnh hưởng của đại dịch. Mức trợ cấp cũng đang dần được điều chỉnh, giảm 20% trong năm nay, và năm tới sẽ là 30%.

Kế hoạch điều chỉnh trợ cấp đã phần nào có tác động trong ngắn hạn, khi châu Âu vượt qua Trung Quốc về lượng xe điện và xe hybrid bán ra trong năm ngoái. Tuy nhiên giới phân tích nhìn nhận, cú sốc sẽ dần hạ nhiệt khi tâm lý người tiêu dùng đã quen với xe năng lượng mới, đặc biệt là ở giới trẻ.

Giới trẻ Trung Quốc vẫn rất quan tâm tới ô tô điện dù không còn được trợ giá lớn (Nguồn: CNBC)

Ông Michael Dunne, nhà sáng lập ZoZo Go – một hãng chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp xe điện đánh giá: "Các khảo sát cho thấy lần đầu tiên người tiêu dùng Trung Quốc không còn quan tâm nhiều tới trợ giá, mà chú trọng hơn vào mẫu mã và quãng đường xe đi được cho mỗi một lần sạc, khi chọn mua xe mới".

Chính phủ Trung Quốc cũng đang dần mạnh tay chấn chỉnh thị trường, không khoan nhượng với cả những cái tên lớn nhất. Từ đầu năm, giới chức đã công khai chỉ trích trên truyền thông đối với Tesla - tên tuổi dẫn đầu thị trường xe điện Trung Quốc, sau một loạt bê bối liên quan đến hãng này như cháy nổ pin sạc hay lỗi tự kích hoạt phần mềm tự lái.

Lời xin lỗi công chúng cùng động thái thu hồi tới gần 300 nghìn xe để sửa chữa hồi tháng 6 là không đủ để cứu vãn tình hình - doanh số tiêu thụ của Tesla tại Trung Quốc đã giảm gần 30% trong nửa đầu năm, mà người hưởng lợi chủ yếu là các doanh nghiệp nội địa.

Không chỉ Tesla, giới chức cũng đã phát đi những tín hiệu tới toàn ngành. Chỉ cách đây vài tuần, Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc Tiêu Á Khánh đưa ra tuyên bố: "Để hướng tới tương lai, các doanh nghiệp xe điện cần to lớn và mạnh mẽ hơn. Hiện đang có quá nhiều công ty hoạt động trên thị trường".

Được định giá "khủng" nhưng Evergrande NEV liên tục phải trì hoãn kế hoạch sản xuất (Nguồn: SCMP)

Theo Bloomberg, hiện có tới hơn 300 công ty trong lĩnh vực này tại Trung Quốc, với nhiều cái tên "hữu danh vô thực" dù được rót vốn hàng tỷ USD. Một ví dụ điển hình chính là Evergrande NEV - công ty con trong lĩnh vực xe điện của hãng bất động sản số 2 Trung Quốc Evergrande. Có thời điểm vốn hóa lên tới hơn 80 tỷ USD trên sàn Hong Kong (Trung Quốc), nhưng cho đến giờ công ty này vẫn chưa thể bán nổi một sản phẩm nào, kế hoạch sản xuất liên tục bị trì hoãn, và tương lai ngày càng mờ mịt khi công ty mẹ dính vào khủng hoảng nợ.

Để khắc phục vấn đề này, giới chức Trung Quốc đang khuyến khích hoạt động sáp nhập trong ngành, tạo nên các công ty với quy mô lớn và tình hình kinh doanh lành mạnh hơn. Điều đó không chỉ nhằm tái cấu trúc lại hoạt động của ngành, mà theo các chuyên gia, còn là biện pháp giúp thị trường xe năng lượng mới đi đúng định hướng trong công cuộc cải tổ nền kinh tế lớn số 2 thế giới.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO