Trung Quốc toan tính gì khi quyết 'mạnh tay' với tiền điện tử?

01/10/2021, 10:07

Tuần trước, Trung Quốc đã gây "náo loạn" thị trường tài chính thế giới khi thông báo rằng tất cả các giao dịch liên quan tới tiền điện tử bị coi là bất hợp pháp. Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát và hạn chế giao dịch và khai thác tiền điện tử từ năm 2013.

Việc Chính phủ Trung Quốc quyết định cấm tiền điện tử không phải vì lo ngại rằng trong một tương lai không xa công nghệ này sẽ thất bại, mà nước này dường như đang muốn triển khai một thử nghiệm mới có giá trị hàng nghìn tỷ USD.

Với động thái mới nhất của mình, Trung Quốc đang tham gia bản danh sách các quốc gia cấm tiền điện tử.

Đây là "cú lật cánh" theo chiều hướng ngược lại so với El Salvador, quốc gia đã chấp nhận đồng bitcoin là đồng tiền hợp pháp và được những người theo chủ nghĩa tự do, cũng như những người tin tưởng vào đồng bitcoin, tán dương.

Tuần qua, Trung Quốc tiếp tục có động thái 'mạnh tay' với tiền điện tử. (Nguồn: Getty)

Sức hút của tiền điện tử

Tại Mỹ, mặc dù cho phép giao dịch tiền điện tử, các nhà chức trách đang giám sát đồng tiền kỹ thuật số này một cách kỹ lưỡng. Trong bối cảnh đó, một số người đã nhìn thấy cơ hội từ chính các biện pháp siết chặt kiểm soát ngày càng sâu rộng của Trung Quốc.

Theo Bloomberg, việc hiểu được càng nhiều khía cạnh của cuộc đua kiểm soát tiền điện tử sẽ là chìa khóa mở ra hy vọng cho hàng triệu nhà đầu tư để "săn lùng" lợi nhuận từ cơn sốt này. Các biện pháp kiểm soát giao dịch tiền điện tử được thiết lập để đối phó với các tình huống xảy ra trên hệ thống tài chính toàn cầu.

Hiện nay, mỗi ngày trôi qua, tin tức về các sản phẩm, như quỹ giao dịch trao đổi bitcoin, những cái tên kỳ lạ của các loại tài sản kỹ thuật số mã hóa (digital token) và NFT (chuỗi mã đại diện không thể thay thế dựa trên công nghệ chuỗi khối) xuất hiện ngày càng nhiều.

Giới siêu giàu cũng quan tâm và cả các thể chế tài chính chính thống cũng đang đầu tư vào các loại tiền kỹ thuật số. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đều đang nỗ lực giám sát thị trường, với mong muốn làm thế nào để có thể tạo ra tác động sâu rộng nhất.

Ông Matt Hougan, Giám đốc đầu tư tại Công ty quản lý tài sản Bitwise Asset Management, cho biết: "Vai trò của tiền điện tử đã trở nên quá lớn để có thể ‘phớt lờ’.

5 năm trước đây, ít nhất là trong suy nghĩ của các nhà quản lý, tiền điện tử đơn giản chỉ là một trò chơi thu nhỏ giữa các nhà đầu tư cá nhân.

Nhưng ngày nay, đây đã là thị trường giao dịch trị giá 2.000 tỷ USD và mọi ngân hàng lớn ở Phố Wall đều sẵn sàng giúp các nhà đầu tư tiếp cận với tiền điện tử. Do vậy, giờ đây họ (các nhà quản lý) phải đối phó với chúng".

Tạo luật lệ cho tiền điện tử

Vào tuần trước, Trung Quốc đã gây "náo loạn" thị trường tài chính thế giới khi thông báo rằng tất cả các giao dịch liên quan tới tiền điện tử bị coi là bất hợp pháp. Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát và hạn chế giao dịch và khai thác tiền điện tử từ năm 2013.

Thay vào đó, Trung Quốc đặt mục tiêu phát hành tiền điện tử của riêng nước này. Trung Quốc đã trở thành một trong số 81 quốc gia đang phát triển các loại tiền tệ kỹ thuật số.

Bản danh sách bắt đầu với những "người chơi" sớm chấp nhận tiền điện tử, như Venezuela và Estonia, nhưng giờ đây đã có thêm những "người chơi" mới, lớn hơn rất nhiều.

Điều này sẽ tạo ra lợi thế cho cường quốc lớn thứ hai thế giới, khi Trung Quốc bắt đầu phát hành đồng nhân dân tệ (NDT) kỹ thuật số trên quy mô toàn cầu tại Thế vận hội mùa Đông, dự kiến diễn ra ở Bắc Kinh vào năm 2022. Một viễn cảnh mà trong đó một số nhà chính trị Mỹ muốn cấm các vận động viên nước này sử dụng đồng tiền điện tử khi tới đây.

Phó Giáo sư Nicolas Christin, thuộc Đại học Carnegie Mellon, nói: "Đối với Trung Quốc, tôi nghĩ rõ ràng là họ muốn quảng bá đồng NDT kỹ thuật số và họ chỉ đơn giản là quan tâm đến sự cạnh tranh".

Trung Quốc cho biết 10 cơ quan quản lý, bao gồm ngân hàng trung ương, sẽ làm việc cùng với nhau để theo dõi hoạt động liên quan tới tiền điện tử. Lệnh cấm thậm chí nêu rõ các sàn giao dịch ở nước ngoài cũng bị cấm cung cấp dịch vụ cho các nhà đầu tư tại Trung Quốc đại lục.

Theo Giáo sư Randall Kroszner, Hiệu phó Trường Kinh doanh Booth, thuộc Đại học Chicago, đồng thời là cựu Thống đốc của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, các động thái của Trung Quốc trong những năm gần đây đã siết chặt khối lượng giao dịch tiền điện tử trong nước.

Mặc dù đồng bitcoin và một số loại tiền điện tử khác đã bị sụt giảm vào ngày 24/9, sau khi Bắc Kinh công bố thông tin, nhưng các đồng tiền này đã phục hồi lại nhanh chóng. Giá của đồng bitcoin đã tăng lên mức 44.350 USD vào ngày 27/9, gần tiệm cận mức đỉnh trước khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm.

Chuyên gia Hougan cho biết các chính phủ lựa chọn tăng cường giám sát quản lý tiền điện tử vì hai lý do.

Thứ nhất, họ muốn hạn chế hoạt động khai thác tiền điện tử, một quá trình sử dụng nhiều năng lượng, liên quan tới các thuật toán tạo ra tiền kỹ thuật số và xác minh giao dịch.

Thứ hai, và có lẽ là quan trọng hơn, các chính phủ mong muốn có thể giám sát mọi giao dịch tiền tệ và phủ nhận bất kỳ thách thức nào có thể xảy ra đối với loại tiền kỹ thuật số "cây nhà lá vườn" mà họ đang tạo ra.

Cách tiếp cận của Mỹ

Tại Mỹ, chiến lược điều tiết của chính phủ có điểm khác biệt.

Theo Giáo sư Christin, cách tiếp cận này nhằm mục đích ngăn chặn những thiệt hại có thể xảy ra. Ví dụ, các thị trường tài chính trong lịch sử luôn giữ rào cản gia nhập cao đối với một số loại giao dịch nhất định, nhưng không có biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nào được áp dụng cho các nhà giao dịch tiền điện tử.

Điều đó mở ra cánh cửa cho các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm tham gia các giao dịch có tính đòn bẩy tài chính cao, và có thể dẫn đến khả năng xảy ra tổn thất tài chính thảm khốc.

"Tất nhiên, hiện đang có một luồng suy nghĩ rằng mọi người có thể làm bất cứ điều gì mà họ muốn, suy cho cùng, đó là tiền của họ. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu nhiều nhà đầu tư cá nhân, tham gia các thị trường này, có thực sự được trang bị để đủ khả năng đánh giá rủi ro một cách hợp lý, thay vì tham gia vào các phi vụ tương tự như cờ bạc hay không", Giáo sư Christin nói.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, đều đang nỗ lực giám sát thị trường tiền điện tử. (Nguồn: CNBC)

Ông Gary Gensler, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) - người đã ví tiền điện tử là "Miền Tây hoang dã", đang báo hiệu sẽ thực hiện chế độ giám sát chặt chẽ đối với tiền điện tử.

Chương trình Cho vay theo kế hoạch của Sàn giao dịch tiền điện tử lớn của Mỹ Coinbase cho phép người dùng kiếm được 4% lợi nhuận, bằng cách cho mượn token (một dạng chữ ký số hay chữ ký điện tử, được mã hóa thành dãy số trên thiết bị) của họ. Đây là "đầu mối" chính trong việc gia tăng căng thẳng giữa cơ quan quản lý và lĩnh vực tiền điện tử tại Mỹ.

Giám đốc điều hành Công ty cho vay tiền điện tử BlockFi Zac Prince gần đây cho biết SEC và các cơ quan quản lý khác cần đưa ra những quy định rõ ràng đối với lĩnh vực này.

Trên thực tế, Chủ tịch Gensler đã quan tâm đến thị trường tiền điện tử trong nhiều năm và từng giảng dạy môn học "Blockchain và Tiền" tại Trường Quản lý Sloan của Đại học MIT. Ông thậm chí còn báo hiệu một lộ trình để SEC chấp thuận một quỹ đầu tư giao dịch trên sàn chứng khoán (ETF) để theo dõi các hợp đồng tương lai của đồng bitcoin.

Theo các tác giả bài báo của Bloomberg, sự thận trọng của các nhà quản lý là điều dễ hiểu. Ngày nay, rất nhiều kẻ lừa đảo đã lấy sạch hàng tỷ USD của nhà đầu tư, thông qua hình thức "thổi giá" tiền điện tử. Chúng sử dụng vô số các chiến thuật khác nhau, nhằm thu hút và tạo sự tin tưởng từ các nhà đầu tư.

Ông James Seyffart, một nhà nghiên cứu của Bloomberg Intelligence, cho biết "chính phủ đang lo lắng về việc làm thế nào để bảo vệ người tiêu dùng. Chính phủ Mỹ thường không cấm các công nghệ mới, họ thường sẵn sàng đón nhận sự đổi mới. Sắp tới sẽ có thêm các quy định chặt chẽ hơn, nhưng họ nên hướng dẫn cho người dân".

Ông Lawrence Summers, Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, nhận định, thay vì chống lại các quy định, lĩnh vực tiền điện tử nên chấp nhận chúng vì chính lợi ích của ngành.

Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh Bloomberg TV, ông Summers nói, với những khoản tài chính lớn liên quan đến tiền điện tử, lĩnh vực này mong đợi được hoạt động trong bí mật mà không có sự giám sát của chính phủ là điều không thực tế.

Ông nhấn mạnh: "Lĩnh vực tiền điện tử nên loại bỏ ý tưởng rằng lĩnh vực này sẽ hoạt động như một ‘thiên đường của chủ nghĩa tự do’, nơi các quy tắc của chính phủ không thể áp đặt được".

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO