Mục tiêu tự cường công nghệ
Cuộc họp cấp cao có sự tham gia của một số thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng với các quan chức hàng đầu các ban ngành của chính phủ.
Theo trang SCMP, trong cuộc họp, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng, các cơ quan chức năng hãy thu hút nhân tài và các chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại Trung Quốc. Điều này sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển đất nước.
"Đây là chìa khóa thúc đẩy phát triển đất nước, hướng đến mục tiêu tự cường công nghệ và trẻ hóa quốc gia", ông Tập nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đang bước vào giai đoạn tìm kiếm nhân tài chất lượng cao và điều này là xu hướng tất yếu. Báo cáo của hãng thông tấn Tân Hoa Xã nêu rõ, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh, Trung Quốc cần thiết phải tăng cường phát triển khoa học và công nghệ...
"Bức tranh tổng thể của đất nước dựa trên năng lực của đội ngũ nhân sự có tay nghề cao… Sự phát triển của quốc gia phụ thuộc vào nhân tài đất nước và sự trẻ hóa quốc gia cũng phụ thuộc vào nhân tài đất nước", Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định khi đề cập đến việc Trung Quốc có thể giành chiến thắng trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đề cập đến tầm quan trọng của việc thu hút các chuyên gia nước ngoài và hứa hẹn sẽ tạo nên một môi trường tốt nhất để họ có cơ hội phát triển ở Trung Quốc.
"Chúng ta phải không ngừng ươm mầm tài năng đối với đội ngũ trí thức, truyền cảm hứng về yêu nước sâu sắc và sẵn sàng phục vụ đất nước", Tân Hoa Xã trích dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trong vòng hai thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc hàng đầu thế giới về khoa học và công nghệ với nhiều nhân tài tầm cỡ thế giới.
"Mục tiêu của chúng ta là tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển đến năm 2025 và chú trọng vào việc tập trung nhiều nhà khoa học hàng đầu", ông Tập nói.
"Đến năm 2030, về cơ bản, đội ngũ nhân tài Trung Quốc có thể đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước. Khả năng độc lập về nhân sự chất lượng cao tại Trung Quốc có thể cải thiện đáng kể", ông Tập nói thêm.
Cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc
Trong cuộc họp cấp cao, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng khẳng định, đến năm 2035, Trung Quốc có thể đạt được lợi thế tương đối bởi sự hội tụ của nhân lực chất lượng cao ở nhiều lĩnh vực.
"Trung Quốc hy vọng sẽ xếp hạng trong danh sách các quốc gia hàng đầu thế giới về nguồn nhân lực công nghệ và quân sự vào thời gian tới", ông Tập khẳng định.
Nhắc đến khu vực thu hút nguồn lực chất lượng cao, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng Bắc Kinh, Thượng Hải... sẽ là các khu vực quan trọng để tăng cường phát triển nghiên cứu, thí nghiệm và là nền tảng đổi mới đẳng cấp thế giới ở Trung Quốc.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tồn tại các căng thẳng về công nghệ và thương mại. Trước đó, trong bài phát biểu quan trọng đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden trước Quốc hội vào tháng 4, ông Biden cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ bước vào cuộc chạy đua công nghệ mang tính thế kỷ, trong đó sở hữu trí tuệ là một trong các lĩnh vực quan trọng.
Gần đây, Mỹ có sự điều chỉnh về tư duy trong chính sách có mục tiêu, toàn diện và tập trung hơn trong nỗ lực tăng cường hợp tác mật thiết với đồng minh cũng như đối tác. Chính quyền của ông Biden tiếp nối chính sách cứng rắn thời cựu Tổng thống Trump tăng cường tham vấn, hợp tác chặt chẽ với đồng minh và đối tác trong cuộc cạnh tranh công nghệ cao với Trung Quốc. Mỹ cũng đầu tư các gói nghìn tỷ USD và mức giảm thuế "khủng" nhằm nhanh chóng xốc lại nền công nghệ cao, đảm bảo tự chủ và duy trì lợi thế dẫn đầu.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đặt ra ưu tiên bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong kế hoạch 5 năm từ 2021 đến 2025 – một phần trong chiến lược tìm kiếm sự tự chủ trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng. Bắc Kinh từng tuyên bố chiến lược tự cường công nghệ, định hướng kế hoạch trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (IP) vào năm 2035 trong bối cảnh chạy đua công nghệ với Mỹ. Để đạt được mục tiêu, Bắc Kinh sẽ tăng cường phát triển các lĩnh vực công nghệ mới như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ di truyền.
Theo ông Dan Wang, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Hang Seng (Trung Quốc), Bắc Kinh quyết tâm thúc đẩy đăng ký bằng sáng chế và đăng ký bản quyền giữa các doanh nghiệp trong nước bởi vì họ nhìn thấy xu hướng thương mại dịch vụ toàn cầu sẽ phát triển với tốc độ nhanh hơn nhiều so với thương mại hàng hóa./.