Trung Quốc đặt mục tiêu bước vào hàng ngũ các nền kinh tế đổi mới sáng tạo

24/10/2022, 10:07

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác định mục tiêu "100 năm" thứ hai xây dựng Trung Quốc trở thành nước xã hội chủ nghĩa hiện đại toàn diện về mọi mặt.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa kết thúc hôm qua. Trung Quốc đặt ra mục tiêu lớn cho 5 năm tới, trở thành cường quốc tự lập, tự cường về khoa học công nghệ trình độ cao, bước vào hàng ngũ các nền kinh tế đổi mới sáng tạo. Xác định mục tiêu đối ngoại là thúc đẩy hòa bình, phát triển thế giới, xây dựng cộng đồng chung vận mệnh; tích cực tham gia cải cách, xây dựng hệ thống quản trị toàn cầu. Những thay đổi chiến lược này sẽ tác động như thế nào đến cục diện khu vực, toàn cầu, cạnh tranh các nước lớn và hợp tác giữa các nước.

Rất nhiều sự chú ý trên thế giới dành cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc, bởi vì thế giới muốn được biết đường hướng phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong thời gian tới như thế nào?

Nhìn lại những kết quả của Đại hội Đảng Cộng sản lớn nhất thế giới

Phát biểu tại phiên bế mạc, Tổng Bí thư Tập Cận Bình khẳng định, Đại hội đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình làm việc đồng thời kêu gọi đảng viên học tập, tuân thủ, quán triệt và bảo vệ Điều lệ Đảng, cống hiến  trí tuệ cho sự nghiệp của Đảng và nhân dân.

Đại hội đã công bố danh sách Ban Chấp hành Trung ương khóa 20, với 205 Ủy viên chính thức, 171 Ủy viên dự khuyết. Trong số này 3/7 Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khóa cũ tái cử là Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình; ông Vương Hộ Ninh và ông Triệu Lạc Tế. Trong danh sách Ban chấp hành Trung ương khóa 20 còn có Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa, Ngoại trưởng Vương Nghị… 

Các đại biểu tham dự Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc

Bốn Ủy viên  Thường vụ Bộ Chính trị là Thủ tướng Lý Khắc Cường, Chủ tịch Quốc hội Lật Chiến Thư, ông Uông Dương, ông Hàn Chính không tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa 20. Đại hội cũng bầu Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và thông qua nghị quyết về sửa đổi Điều lệ Đảng.

Đáng chú ý, Điều lệ Đảng được sửa đổi đã bổ sung nội dung "hai xác lập" - Xác lập vị trí hạt nhân của ông Tập Cận Bình trong Trung ương Đảng và trong toàn Đảng; xác lập vai trò chỉ đạo của tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới. 

Trong văn kiện chính trị được thông qua cũng chỉ rõ phương hướng nhiệm vụ phát triển trong thời gian tập trung phát triển chất lượng cao, ưu tiên xây dựng hệ thống công nghiệp hiện đại, tập trung đột phá về công nghệ tiến tới tự chủ  công  nghệ, tuần hoàn kép xem trọng thị trường trong nước, thịnh vượng chung - cùng  giàu. 

Giáo  sư Lưu Thụy - Đại học Nhân dân Trung Quốc: "Trước những sức ép từ bên ngoài, gần đây Trung Quốc đầu tư mạnh về tiền của, nhân lực cho công nghệ theo hướng quốc gia đổi mới sáng  tạo. Từ đó mà tăng trưởng GDP có hàm lượng chất lượng cao tăng lên đáng kể".

Trong bối cảnh hiện nay, Trung ương Đảng cũng xác định tăng cường an ninh  quốc gia, an ninh chuỗi cung ứng, an ninh năng lượng, an ninh lương thực. 

Hôm  nay, 23/10 Trong phiên họp toàn thể lần thứ nhất  Ban Chấp hành Trung ương khóa 20 sẽ bầu Bộ Chính trị, Thường vụ Bộ Chính trị. Vậy là Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bước vào hành trình mới trong mục tiêu dài hơi 100 năm lần thứ hai xây dựng Trung Quốc thành nước Xã hội Chủ nghĩa hiện đại toàn diện về mọi mặt. Trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới là hiện đại hóa nền kinh tế, tự chủ về công nghệ trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Các chuyên gia cho rằng, Đại hội đã đề ra nhiều đường hướng phát triển phù hợp cùng với sự đầu tư mạnh cho công nghệ, Trung Quốc sẽ đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội.

Thắng lợi, thách thức trong thời đại mới

Đại hội 20 lần này cũng là dịp để Đảng Cộng sản Trung Quốc tổng kết lại hành trình 5 năm kể từ Đại hội 19 và 10 năm dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tập Cận Bình. Báo cáo chính trị của Đại hội nhận định, 5 năm vừa qua là 5 năm vô cùng bất thường và phi thường, ghi dấu những mốc phát triển quan trọng của đất nước tỷ dân. Đây là tiền đề để Trung Quốc bước vào giai đoạn phát triển mới.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường tại lễ bế mạc Đại hội Đảng lần 20 vào sáng 22/10. (Ảnh: Reuters)

Trong 5 năm kể từ Đại hội 19 đến nay và trong 10 năm thời đại mới, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tập Cận Bình, Trung Quốc đã trải qua ba sự kiện lớn: Một là, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc; Hai là, Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc bước vào thời đại mới; Ba là, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử cuộc chiến công kiên thoát nghèo; hoàn thành xây dựng xã hội khá giả toàn diện, thực hiện muc tiêu phấn đấu 100 năm lần thứ nhất.

Về cuộc chiến chống thoát nghèo tại Trung Quốc có quy mô lớn nhất trong lịch sử nhân loại, toàn bộ 832 huyện đã xóa bỏ nghèo đói, gần 100 triệu dân đã thoát nghèo. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) đã tăng hơn gấp đôi, từ 54.000 tỷ NDT (tương đương 7454 tỷ USD) tăng lên 114.000 tỷ NDT (tương đương 15.737 tỷ USD), tổng sản lượng kinh tế  trong nước của Trung Quốc chiếm tỷ trọng 18,5% GDP thế giới, đứng vững ở vị trí thứ hai thế giới. Tổng sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc đứng đầu thế giới.

Trung Quốc xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt cao tốc, mạng lưới đường bộ cao tốc lớn nhất thế giới, việc xây dựng các cơ sở hạ tầng đều thu được thành tựu quan trọng.

Trung Quốc khẳng định đã bước vào hàng ngũ các nước đổi mới sáng tạo nhờ đẩy nhanh tự lập, tự cường về công nghệ, số vốn đầu tư cho nghiên cứu phát triển tăng 2,8 lần từ 1.000 tỷ NDT (138 tỷ USD) lên 2.800 tỷ NDT (386 USD), đứng thứ hai thế giới, số lượng người hoạt động nghiên cứu và phát triển đứng đầu thế giới. Nghiên cứu cơ bản và sáng tạo gốc không ngừng được tăng cường. Trung Quốc đã tạo đột phá về một số công nghệ cốt lõi, then chốt; các dự án vũ trụ có người lái, thám hiểm Mặt Trăng, sao Hỏa, siêu máy tính, vệ tinh dẫn đường... thu được thành quả quan trọng.

Tuy nhiên trong báo cáo chính trị của  Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chỉ ra một số thiếu sót, đối diện với không ít khó khăn như: phát triển không cân xứng; thúc đẩy phát triển chất lượng cao còn có rất nhiều nút thắt cổ chai; năng lực sáng tạo đổi mới công nghệ chưa mạnh; khoảng cách phát triển và phân phối thu nhập giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền vẫn khá lớn…

Báo cáo Chính trị của Đại hội cũng đã khẳng định, những thành tựu này là thắng lợi lịch sử mà Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc đoàn kết phấn đấu giành được, là mốc son thắng lợi lịch không chỉ với Trung Quốc, mà toàn thế giới.

Mục tiêu, sứ mệnh mới của Trung Quốc

Báo cáo Chính trị được Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua nhấn mạnh, hoàn thành xây dựng cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại được chia làm hai bước: Từ năm 2020 đến năm 2035 cơ bản thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa; Từ năm 2035 đến khoảng giữa thế kỷ, xây dựng Trung Quốc thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp.

Đến năm 2035, hoàn thành xây dựng cường quốc giáo dục, cường quốc khoa học - công nghệ, cường quốc nhân tài, cường quốc văn hóa, cường quốc thể dục thể thao.

Trung Quốc sẽ đẩy nhanh xây dựng cục diện phát triển mới, thúc đẩy phát triển chất lượng cao, có nền tảng vật chất và kỹ thuật vững chắc: Tăng cường động lực nội tại và độ tin cậy của vòng tuần hoàn lớn trong nước, nâng cao chất lượng và trình độ của vòng tuần hoàn quốc tế; nâng cao tính linh hoạt và mức độ an toàn của chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng.

Xây dựng hệ thống ngành sản xuất hiện đại: phát triển kinh tế thực, thúc đẩy công nghiệp hóa kiểu mới, đẩy nhanh xây dựng cường quốc về sản xuất, chất lượng, vũ trụ, giao thông, về mạng Internet và kinh tế số.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường tại lễ bế mạc Đại hội Đảng lần 20 vào sáng 22/10. (Ảnh: Reuters)

Ưu tiên đối ngoại của Trung Quốc giai đoạn mới

Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh, thúc đẩy hòa bình và phát triển thế giới, đẩy mạnh xây dựng cộng đồng chung vận mệnh là mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Ông Mã Triều Húc - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc: "Xây dựng một cộng đồng với một tương lai chung cho nhân loại là nơi tương lai nằm ở người dân của tất cả các quốc gia. Hợp tác cùng có lợi vì một thế giới thịnh vượng chung; tiếp tục trao đổi và học hỏi lẫn nhau để xây dựng một thế giới mở và hòa nhập; cũng như thúc đẩy một thế giới sạch đẹp thông qua phát triển xanh và carbon thấp".

Văn kiện Đại hội cũng cho biết: Trung Quốc kiên định chính sách ngoại giao hòa bình độc lập và tự chủ, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước, khẳng định các nước đều bình đẳng, phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền, phản đối tư duy Chiến tranh Lạnh, phản đối can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, phản đối áp đặt các tiêu chuẩn kép.

Trung Quốc khẳng định kiên trì phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước trên cơ sở Năm nguyên tắc cùng chung sống hòa bình, thúc đẩy xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới; thúc đẩy phối hợp, tương tác tích cực giữa các nước lớn; kiên trì phương châm ngoại giao láng giềng "thân, thành, huệ, dung" và thân thiện với láng giềng.

Trung Quốc chủ trương theo đuổi chiến lược mở cửa cùng có lợi, cùng thắng, không ngừng mang lại cơ hội mới cho thế giới bằng sự phát triển của Trung Quốc, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế thế giới mở; phản đối chủ nghĩa bảo hộ, phản đối "dựng hàng rào, xây tường ngăn", "tách rời đứt chuỗi", phản đối trừng phạt đơn phương, gây sức ép tối đa.

Ông Mã Triều Húc - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc: "Trung Quốc kiên định giữ vững quan hệ quốc tế, trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế cũng như các chuẩn mực cơ bản điều chỉnh các mối quan hệ quốc tế dựa trên các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, để giúp quản trị toàn cầu theo hướng công bằng và bình đẳng hơn".

Văn kiện Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc nêu bật chủ trương tích cực tham gia cải cách và xây dựng hệ thống quản trị toàn cầu, thi hành quan điểm quản trị toàn cầu cùng bàn, cùng xây dựng, cùng hưởng lợi; phản đối chủ nghĩa đơn phương, lôi bè kéo cánh, lập nhóm nhằm vào những quốc gia nhất định; thúc đẩy các cơ chế đa phương, tăng cường tính đại diện, quyền phát ngôn trong công việc toàn cầu của các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển; tích cực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, đóng vai trò xây dựng trong việc bảo vệ hòa bình thế giới và ổn định khu vực.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO