"Thời nay, ngay cả các phương tiện lưu trữ như CD, DVD hay USB Flash cũng trở nên lỗi thời bởi Internet và điện toán đám mây. Bạn sẽ đặt câu hỏi liệu còn lĩnh vực nào vẫn sử dụng đĩa mềm để lưu trữ. Câu trả lời là có, thậm chí kinh doanh đĩa mềm vẫn ăn nên làm ra", Tom Persky, người sáng lập Floppydisk - website chuyên bán và tái chế đĩa mềm, nói với New York Post.
Theo ông, những người thích sưu tầm, các thiết bị bên trong nhà máy chuyên về thêu, chế tạo công cụ và khuôn định hình vẫn dùng đĩa mềm để lưu trữ dữ liệu. Ngành y tế cũng có sức tiêu thụ đĩa mềm lớn. Bên cạnh loại đĩa 3,5 inch mới ra đời những năm 1980, một số nơi thậm chí còn dùng loại đĩa 8 inch có từ 1960.
Trước đó, chính phủ Nhật Bản thừa nhận vẫn sử dụng đĩa mềm cho các thủ tục hành chính. Năm 2016, Văn phòng Kế toán Chính phủ Mỹ (GAO) xác nhận, Bộ Quốc phòng nước này vẫn dùng đĩa mềm trong một hệ thống hạt nhân quốc gia trước khi bị loại bỏ gần đây. Các máy tính IBM Series 1 lần đầu tiên được giới thiệu năm 1976 với ổ đĩa 8 inch tiếp tục được dùng trong hàng chục năm.
Tuy nhiên, theo Persky, lĩnh vực phổ biến nhất đến nay là ngành hàng không, liên quan đến bảo trì máy bay. "Nếu chế tạo một máy bay cách đây 20, 30 hoặc 40 năm, bạn phải sử dụng đĩa mềm để lấy thông tin ra/vào hệ thống của máy bay đó", ông nói.
Persky năm nay 73 tuổi, sống tại California. Ông từng làm trong lĩnh vực phát triển phần mềm cho một công ty thuế những năm 1990, trong đó có việc sao chép các phần mềm ra đĩa mềm. Sau khi nghỉ hưu năm 2000, ông tiếp tục công việc yêu thích ở nhà.
Ban đầu, ông sưu tầm đĩa mềm như một sở thích. Sau 2010, ông thừa nhận đã rất ngạc nhiên khi thấy nhu cầu lớn của thị trường. Đến nay, mỗi ngày ông vẫn bán được 500 đĩa các loại.
Tại nhà kho của Persky, các kệ hàng chất đầy đĩa màu xanh, cam, vàng hoặc đen. Ở một góc xa, ông đặt cỗ máy từ tính lớn với băng chuyền dài, làm nhiệm vụ xóa thông tin cũ trên đĩa. Một máy khác dùng để ghi nội dung mới. Cuối cùng là một thiết bị làm nhiệm vụ dán nhãn. Sản phẩm hoàn tất sẽ được gửi đi khắp thế giới.
Bên cạnh việc tạo đĩa mềm để bán, Persky cũng sưu tập các loại đĩa hiếm. Mẫu mà ông quý nhất là đĩa mềm 8 inch lưu cuộc tranh luận năm 1960 giữa John F. Kennedy và Richard Nixon.
Đĩa mềm ra đời từ những năm 1960 nhưng bị "khai tử" hơn chục năm nay, thay bằng các giải pháp lưu trữ hiệu quả hơn. Theo thống kê, cần 20.000 đĩa mềm mới tương đương một thẻ nhớ 32 GB.
Dù đã ra đời hơn 50 năm, đĩa mềm vẫn có các yếu tố mà công nghệ lưu trữ hiện đại không có được. "Đĩa mềm đáng tin cậy, ổn định, dễ sử dụng. Thêm vào đó, nó khó bị hack", ông nói.
Tuy vậy, Persky thừa nhận công nghệ này thực sự đã lỗi thời. "Tôi sẽ vẫn ở đây, tạo đĩa mềm chừng nào mọi người còn nhu cầu. Nhưng tôi nghĩ nó sẽ không thể tồn tại 20 năm nữa", ông chia sẻ.
Bảo Lâm