Trách nhiệm bảo đảm quyền tự do ngôn luận của các cơ quan báo chí - kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới và bài học cho Việt Nam

TS. Mai Thị Mai. Ths. Nguyễn Thị Quỳnh Trang, SV. Vũ Quang Trung | 09/06/2023, 09:29

Tham luận của TS. Mai Thị Mai. Ths. Nguyễn Thị Quỳnh Trang, SV. Vũ Quang Trung

TRÁCH NHIỆM BẢO ĐẢM QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN CỦA CÁC CƠ QUAN BÁO CHÍ - KINH NGHIỆM MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT NAM

TS. Mai Thị Mai [1]

Ths. Nguyễn Thị Quỳnh Trang [2]

SV. Vũ Quang Trung [3]



[1] GV. Bộ môn Luật Hiến pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội.

[2] GV. Bộ môn Luật Hiến pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội.

[3] Sinh viên K44 Trường Đại học Luật Hà Nội.

Đặt vấn đề

Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền con người trong lĩnh vực dân sự, chính trị được ghi nhận từ rất sớm trong các văn bản pháp luật quốc tế. Việt Nam với tư cách là tổ chức thành viên tích cực của Liên hợp quốc, đã sớm phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền con ngừoi trong lĩnh vực dân sự, chính trị (ICCPR) vào năm 1982, cam kết đảm bảo các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận.

Ngay từ Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam - Hiến pháp năm 1946 cho đến những Hiến pháp sau này, quyền tự do ngôn luận của công dân Việt Nam luôn được cam kết bảo đảm trong các điều khoản của Hiến pháp. Hiến pháp hiện hành - Hiến pháp năm, 2013 tiếp tục hiến định quyền tự do ngôn luận tại Điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Như vậy có thể thấy, quyền tự do ngôn luận có liên quan mật thiết đến các quyền cơ bản khác như tự do báo chí, tiếp cận thông tin… Việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận đã được cụ thể hoá trong các luật chuyên ngành, trực tiếp nhất là Luật báo chí năm 2016. Sau 6 năm thực hiện, luật báo chí đã bắt đầu có những bất cập nhất định, để có thể giúp hoàn thiện hơn về hành lang pháp lý của Luật báo chí thông quá đó cũng góp phần đảm bảo tốt hơn về quyền tự do ngôn luận của người dân, các vấn đề liên quan đến quyền tự do ngôn luận được quy định trong Luật báo chí năm 2016 cũng cần được hoàn thiện hơn. Bài viết tập trung vào đánh giá trách nhiệm bảo đảm tự do ngôn luận của các cơ quan báo chí ở Việt Nam theo quy định của Luật báo chí năm 2016 và tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, từ đó có thể đề xuất một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam về vấn đề này.

1. Trách nhiệm bảo đảm quyền tự do ngôn luận của các cơ quan báo chí Việt Nam theo quy định hiện hành

1.1. Thực trạng quy định của pháp luật về bảo đảm quyền tự do ngôn luận của cơ quan báo chí theo quy định của pháp luật hiện hành

Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người, được thừa nhận trong các văn bản quốc tế về Quyền con người. Trong Công ước quốc tế về Quyền dân sự, chính trị 1966, (ICCPR) Tại khoản 2 Điều 19 đã nêu rõ: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ. Là thành viên tích cực của Liên hợp quốc, và là quốc gia sớm phê chuẩn ICCPR từ năm 1982, các quyền con người nói chung và quyền tự do ngôn luận nói riêng được Nhà nước Việt Nam công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm. Điều này được thể hiện rõ nét trong sự ghi nhận tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Trong đó, thể hiện nội hàm của quyền tự do ngôn luận trong công ước, việc bảo đảm về quyền tự do ngôn luận không chỉ được thể hiện trong Luật Báo chí năm 2016 mà còn được ghi nhận và cụ thể trong Luật tiếp cận thông tin 2015, Luật An ninh mạng 2016…Tuy nhiên, có thể thấy, nội hàm quyền tự do ngôn luận được thể hiện ở khoản 2 Điều 19 rất gần gũi với các hoạt động biểu đạt, truyên truyền thông tin của các cơ quan báo chí. Do đó, có thể thấy trách nhiệm bảo đảm quyền tự do ngôn luận là trách nhiệm của không chỉ các cơ quan nhà nước mà đến từ cả các cơ quan, tổ chức xã hội khác, trong đó, đặc biệt là vai trò của báo chí - lực lượng nòng cốt và không thể thay thế trong việc đảm bảo quyền này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định: Báo chí là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa; cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng; cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Do vậy, trách nhiệm của ngành báo chí trên mặt trận tư tưởng, văn hoá, cũng như trong việc bảo đảm quyền tự do cơ bản của người dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận là hết sức quan trọng. Trên cơ sở quy định Hiến pháp 2013, Luật Báo chí năm 2016 cũng đã ghi nhận một trong những chức năng, nhiệm vụ của báo chí đó là: “diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân”[4] Cùng với đó, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân cũng được ghi nhận với các hình thức cụ thể, gồm:

1. Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới.

2. Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

3. Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác.

Có thể thấy, một trong những hình thức để thể hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân là sự thể hiện ý kiến của mình trên báo chí. Cùng với đó, trong nội dung luật báo chí hiện hành đã có riêng một điều khoản ghi nhận về trách nhiệm của cơ quan báo chí đối với quyền tự do báo chí nói chung và quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân nói riêng[5]:

1. Đăng, phát kiến nghị, phê bình, tin, bài, ảnh và tác phẩm báo chí khác của công dân phù hợp với tôn chỉ, mục đích và không có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 9 của Luật này; trong trường hợp không đăng, phát phải trả lời và nêu rõ lý do khi có yêu cầu.

2. Trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có thẩm quyền trả lời bằng văn bản hoặc trả lời trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến.

Thêm vào đó, tại Điều 13 của Luật Báo chí 2016 cũng xác định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền tự do báo chí: Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình; Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân; Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng[6]. Đây chính là cơ sở pháp lý rõ ràng về trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo quyền tự do ngôn luận của nhân dân trên báo chí, đưa ra cơ sở để các cơ quan báo chí đảm bảo trách nhiệm thể hiện các ý kiến của ngừoi dân trên mọi vấn đề mà không có sự “kiểm duyệt” hay can thiệp không chính đáng từ phía Nhà nước.

Như vậy, xét về mặt nội dung ghi nhận có thể thấy, các quy định của pháp luật hiện hành về trách nhiệm bảo đảm quyền tự do ngôn luận của các cơ quan báo chí trong Luật Báo chí năm 2013 đã tương đối đầy đủ và hoàn thiện. Tuy nhiên, từ các quy định của pháp luật đến việc triển khai, áp dụng các quy định này trên thực tiễn sẽ cần có sự nhìn nhận và đánh giá một cách toàn diện hơn.

1.2. Thực tiễn thi hành các quy định về trách nhiệm của cơ quan báo chí trong việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận

Luật Báo thí năm 2016, trải qua 6 năm thi hành trên thực tế, việc ghi nhận các nội dung như tại Điều 11, Điều 12 đã phát huy một số hiệu quả nhất định và vẫn còn tồn tại những hạn chế, cụ thể:

*Ưu điểm

Thứ nhất, hiện nay hầu hết các bài viết, thông tin trên các loại hình báo chí đều có tiếng nói của người dân. Người dân được phát biểu nêu quan điểm, nhận xét về đường lối chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước qua báo chí. Khi người dân có tiếng nói thì cơ quan báo chí sẽ đến cơ quan quản lý để lấy thông tin

Ví dụ như con đường chỉ dài khoảng 500 m nhưng là nút giao thông quan trọng nối đường Nguyễn Hữu Thọ, khu đô thị Đại Kim - Định Công với đường Định Công, Lê Trọng Tấn để vào trung tâm thành phố Hà Nội. Ngay sau khi có những chia sẻ bức xúc của người dân về con đường này với phóng viên báo Tuổi trẻ thì sau đó phóng viên báo Tuổi trẻ đã có cuộc trao đổi trực tiếp với chủ tịch UBND quận Hoàng Mai[7].

Thứ hai, hầu hết các cơ quan báo chí đều mở chuyên mục, chuyên trang, chuyên đề bạn đọc tiếp cận gần hơn với tin tức có tính xác thực cao.

Ví dụ như báo Nhân dân mới có mục “Kiểm chứng thông tin” trên báo Nhân Dân điện tử. Mục này đã đi đầu trong việc chống tin giả (fake news), giúp độc giả thẩm định thông tin trước tình trạng tin giả ngày càng nhiều trên báo chí và mạng xã hội. Đọc Báo Nhân Dân từ lâu, bài viết cho chuyên mục “Ý kiến bạn đọc” được đăng lần đầu tiên năm 2000 và là báo đã làm rất tốt công tác tiếp bạn đọc, giải quyết đơn thư phản ánh của bạn đọc.

Trong báo Vietnamnet có Ban bạn đọc - nhận được nhiều đơn thư phản ánh về việc thu hồi đất nhưng không đền bù, cơ quan chức năng không giải quyết triệt để những vụ kiện cáo kéo dài[8], hay những tấm long hảo tâm ủng hộ cho các bé có hoàn cảnh khó khăn,…[9]

Thứ ba, ở các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đều tổ chức họp báo trong đó cơ quan báo chí được đặt câu hỏi với cơ quan quản lý nhà nước xung quanh nội dung người dân kiến nghị hoặc đề xuất.

Ví dụ về vấn đề cắt điện tại Hà Nội những ngày nắng nóng, một số người dân đã rất bức xúc. Phản ánh tới Tuổi Trẻ Online, anh Hữu Dũng cho biết, khu vực anh đang ở thuộc xã Lăng Thành (Yên Thành, tỉnh Nghệ An) trong ngày 1-6 cũng bị mất điện từ khoảng 11h trưa tới 17h chiều vẫn chưa có điện trở lại. “Trời rất nóng mà mất điện, không chịu nổi luôn, hôm kia cũng mất, nay lại mất tiếp, về quê 5 ngày mà mất điện 2 ngày” - anh Dũng bức xúc. Hay chị Đỗ Hường (Hà Nội) phản ánh: “Tôi có hai cửa hàng, một cửa hàng tại Yên Sở (Hoài Đức) bị mất điện, nên phải đóng cửa hoàn toàn. Mặt bằng và lương nhân viên vẫn phải trả mà thu nhập thì không có, mà mất điện cũng không hề thông báo trước cho khách hàng”.

Trước đó, khi phóng viên đặt câu hỏi tình hình thiếu điện và thực tế cắt điện luân phiên đang xuất hiện ở một số khu vực, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết trong thời kỳ nắng nóng và mùa khô hàng năm, ngành điện lực luôn phải đối mặt với khó khăn về việc đảm bảo cung ứng”. Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm các kế hoạch về cung cấp điện, cung cấp than cho phát điện, đàm phán nguồn điện gió, mặt trời chuyển tiếp để huy động nguồn điện, khắc phục các sự cố tại các nhà máy, thực hiện tiết kiệm điện… để giảm căng thẳng cung ứng điện”- ông Hoà nói [10]

Thứ tư, các cơ quan quản lý nhà nước khi muốn ban hành chính sách đều lắng nghe tiếng nói của người dân, phản ứng của dư luận qua các cơ quan báo chí rồi mới đưa ra quyết định hoặc sẵn sàng sửa đổi để phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.

Ví dụ như Quảng Nam những năm qua rất nỗ lực trong cải cách hành chính. Ở bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019, Quảng Nam nằm vào vị trí đứng đầu tốp 11 địa phương có thứ hạng “tốt” - kết quả tập hợp từ khảo sát ý kiến của khoảng 12.400 doanh nghiệp trên cả nước, địa phương nào mà dịch vụ công không tốt, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn khi tiếp cận chính quyền thì mất điểm ngay[11].

*Hạn chế

Bên cạnh những thành tựu đạt được thì vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định, cụ thể:

Thứ nhất, nhiều cơ quan báo chí không bám sát thực tiễn nên đưa bài viết không chính xác, không có sự thuyết phục, không phản ánh đúng đời sống.

Ví dụ cuối tháng 8-2016, các cơ quan báo chí đã đăng tải hàng loạt bài viết có nội dung cho rằng em học sinh lớp 6 tên là Ksor Sôn ở tỉnh Gia Lai tự tử là do không có quần áo mới đến trường. Trong khi thực tế, nguyên nhân tự tử là do bất đồng ý kiến với gia đình và do tâm lý của lứa tuổi dậy thì... chứ không phải do không có áo mới đến trường.[12]

Thứ hai, nhiều cơ quan báo chí nhận được đơn khiếu nại từ người dân nhưng vì công việc bận rộn hoặc vì lý do nào đó không gửi tới cơ quan chức năng. Mặc dù, đây là một trong những nhiệm vụ quyền hạn cụ thể được nói đến tại Khoản 2. Điều 12 Luật Báo chí năm 2016.

Thứ ba, sự trả lời của cơ quan chức năng đối với các cơ quan báo chí còn hạn chế, vòng vo, không đúng trọng tâm thậm chí rơi vào im lặng không trả lời ý kiến cử tri.

Ví dụ như việc cử tri bức xúc vụ đất vàng Phú Yên- “Nhiều khu đất có vị trí đắc địa ở TP. Tuy Hòa biến thành tài sản riêng của một số doanh nghiệp (DN), làm lợi cho một số cá nhân nhưng HĐND tỉnh và UBND tỉnh Phú Yên lại né tránh trách nhiệm”. Ông Nguyễn Văn Chín, cựu chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy (UBKTTU) Phú Yên, đặt vấn đề tại cuộc tiếp xúc của đại biểu HĐND tỉnh Phú Yên với cử tri phường 7, TP Tuy Hòa mới đây[13]. Hay như Sở Xây dựng đã có văn bản trả lời các câu hỏi liên quan đến đề án cải tạo, thay thế 6.700 được đại diện các cơ quan báo chí đặt ra tại cuộc họp báo hôm 20/3[14].

Từ thực tế có thể thấy, tiếng nói của người dân chưa được thể hiện đầy đủ ở nhiều hoạt động của cơ quan báo chí. Nhất là trách nhiệm bảo đảm quyền tự do ngôn luận của người dân thông qua cơ quan báo chí vẫn còn chưa tương xứng với vai trò của ngành. Thêm vào đó, mặc dù, tại khoản 2 Điều 12 Luật Báo chí 2016 có quy định của pháp luật trong việc các cơ quan báo chí “yêu cầu tổ chức, người có thẩm quyền trả lời bằng văn bản hoặc trả lời trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến” nhưng trên thực tế, qua các ví dụ nêu trên có thể thấy, nếu các cơ quan có thẩm quyền không chủ động hợp tác với các cơ quan báo chí thì các cơ quan báo chí cũng không có bất kỳ quy định nào để buộc những cơ quan hữu quan này thực hiện việc trả lời các kiến nghị của công dân gửi đến cả một cách đầy đủ và kịp thời. Điều này khiến cho các quy định về trách nhiệm đảm bảo quyền tự do ngôn luận của công dân trên báo chí của các cơ quan báo chí trở nên hình thức.

2. Trách nhiệm đảm bảo quyền tự do ngôn luận của cơ quan báo chí theo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới

Bảo đảm quyền tự do ngôn luận nói chung và trách nhiệm bảo đảm quyền tự do ngôn luận của các cơ quan báo chí là một trong những nội dung cơ bản được ghi nhận trong các công ước quốc tế và được bảo đảm thực thi và thúc đẩy đối với các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt là các quốc gia có trình độ phát triển về kinh tế - xã hội, gồm: Singapore, Thuỵ Điển và Hoa Kỳ

2.1. Trách nhiệm đảm bảo quyền tự do ngôn luận của cơ quan báo chí theo quy định pháp luật của Singapore

Singapore là một đảo quốc tại Đông Nam Á. Là một đất nước phát triển và văn minh, Singapore đặc biệt quan tâm đến quyền tự do ngôn luận của người dân. Singapore là một trong những nước ở khu vực Đông Nam Á ghi nhận quyền tự do ngôn luận của người dân trong đạo luật gốc của của đất nước mình. Theo đó, Điều 14 Hiến pháp Singapore quy định rằng: “(a) Mỗi công dân Singapore có quyền tự do phát ngôn và thể hiện ý kiến”. Với quy định trên, Hiến pháp chỉ ghi nhận quyền tự do ngôn luận cho công dân nước mình. Quyền tự do ngôn luận được quy định một cách rất chi tiết, không chỉ ghi nhận quyền mà còn cụ thể hóa nội dung và yêu cầu cụ thể đối với cơ quan nhà nước để đảm bảo sự tôn trọng đối với cơ quan nhà nước để đảm bảo sự tôn trọng đối với các quyền này.

Đối với quyền tự do ngôn luận trên báo chí, Điều 21, Chương 206 Đạo luật báo chí và in ấn năm 1974 (Newspaper and Printing Presses Act of 1974) có quy định rằng: “Không cá nhân nào được phép in ấn hoặc xuất bản hoặc hỗ trợ in ấn hoặc xuất bản báo chí tại Singapore nếu tổng biên tập hoặc chủ báo trước đó không được giấy phép do Bộ trưởng cấp cho phép việc xuất bản mà cho phép Bộ trưởng tùy ý, từ chối hoặc thu hồi, hoặc theo đó mà cấp phép có điều kiện”. Có thể thấy, với quy định trên, các cơ quan báo chí trong nước bị kiểm soát hoàn toàn bởi cơ quan nhà nước. Đạo luật báo chí và in ấn năm 1974 chính là văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động quản lý của các quan nhà nước đối với cơ quan báo chí. Báo chí chỉ được in ấn, phát hành khi nó có nội dung được Bộ trưởng kiểm duyệt. Thậm chí, ngay sau khi in ấn, phát hành, nếu như thấy nội dung bài báo không hợp lý hoặc thậm chí ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước thì Bộ trưởng có quyền thu hồi. Cơ quan báo chí có trách nhiệm đảm bảo những quan điểm, ý kiến, suy nghĩ của công dân được đăng tải một cách đầy đủ, chính xác. Tuy nhiên, trên thực tế, nhà nước Singapore trực tiếp quản lý và theo dõi sát sao các cơ quan báo chí cùng hệ thống báo in. Do vậy, mặc dù có trách nhiệm đảm bảo quyền tự do ngôn luận của công dân nhưng cơ quan báo chỉ cần phải có sự kiểm duyệt chặt chẽ đối với những nội dung được in ấn, phát hành. Đây cũng chính là đặc trưng trong việc thực hiện quyền tự do ngôn luận trên báo chí của các nước châu Á khi mà tất cả các thông tin được đăng tải lên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là báo chí luôn được kiểm duyệt một cách khắt khe. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí có trách nhiệm trong việc đăng tải quan điểm của chính quyền bên cạnh các quan điểm khác không phải của chính quyền. Điều này giúp cho người dân có thể tiếp cận thông tin về các vấn đề liên quan đến chính trị, kinh tế, xã hội một cách nhanh chóng, đảm bảo cho công dân đủ điều kiện để thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình.

Tóm lại, các cơ quan báo chí tại Singapore có trách nhiệm to lớn trong việc đảm bảo quyền tự do ngôn luận của công dân khi thực hiện việc in ấn, phát hành báo chí. Mặt khác, cơ quan báo chí cũng chính là cánh tay nối dài của chính quyền trong việc kiểm soát chặt chẽ vấn đề tự do ngôn luận, đảm bảo cho người dân thực hiện quyền của mình một cách phù hợp nhất. Năm 2015, tổ chức Phóng viên không biên giới xếp Quốc đảo Singapore hạng 153 trên 180 quốc gia tại bảng xếp hạng Chỉ số tự do báo chí[15], khiến nước này đứng hạng thấp nhất trong số các nền kinh tế phát triển dựa trên Chỉ số phát triển con người.

2.2. Trách nhiệm đảm bảo quyền tự do ngôn luận của cơ quan báo chí theo quy định pháp luật của Thụy Điển

Năm 2006, báo cáo của Phòng tình báo kinh tế (EIU) thuộc tờ Economist đánh giá Thụy Điển là quốc gia dân chủ nhất thế giới với điểm số 9,88/10[16]. Cùng với đó, Thụy Điển là quốc gia nổi tiếng thế giới khi luôn nằm trong top đầu bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc. Chính vì vậy, quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền được nhà nước vô cùng quan tâm và bảo vệ. Khác với Hiến pháp của các nước trên thế giới, Hiến pháp Thụy Điển gồm 4 đạo luật cơ bản, trong đó có hai đạo luật trực tiếp ghi nhận và bảo đảm quyền tự do ngôn luận đó chính là Đạo luật tự do báo chí (1949) và Luật Tự do ngôn luận (1991)[17].

Ngay tại Điều 1 Luật cơ bản về tự do ngôn luận đã nêu rõ: “Mọi công dân Thụy Điển đều được đảm bảo quyền theo quy định tại Luật này, so với các tổ chức công, công khai bày tỏ suy nghĩ, ý kiến và tình cảm của mình, để truyền đạt thông tin về bất kỳ chủ đề nào trên đài phát thanh, truyền hình và một số đường truyền tương tự, thông qua phát lại công khai tài liệu cơ sở dữ liệu và trong phim, bản ghi video, bản ghi âm và các kỹ thuật khác các bản ghi âm”. Nội dung điều luật hướng đến sự quy định cụ thể và bao quát việc thực hiện quyền tự do ngôn luận của người dân. Nó kkhông chỉ dừng lại ở việc được bày tỏ ý kiến quan điểm của mình mà việc thể hiện nó thông qua các phương tiện đại chúng, đặc biệt là qua báo chí đều không phải chịu bất kỳ sự kiểm duyệt khắt khe nào. Điều này càng được khẳng định, khi Luật Tự do báo chí của Thụy Điển có quy định rằng, cấm mọi hình thức kiểm duyệt trước khi xuất bản[18]. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức báo chí là đảm bảo công dân được bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của mình đầy đủ, trực tiếp. Thêm vào đó, nguyên tắc cơ bản đằng sau Luật Tự do báo chí Thụy Điển là báo chí phải được hưởng quyền tự do ở mức cao nhất có thể được nhằm thực hiện hữu hiệu chức năng kiểm soát của nó trong xã hội. Chính vì vậy, cơ quan báo chí tại Thụy Điển cần phải đảm bảo tối đa tự đo của người dân khi thực hiện quyền của mình.

Không những vậy, tại Thụy Điển, quyền tự do ngôn luận luôn gắn liền chặt chẽ với quyền được tiếp cận thông tin của người dân. Khi người dân được tiếp cận đầy đủ các nguồn khác nhau thì việc thể hiện quan điểm cá nhân hay lập trường cũng sẽ đảm bảo và khách quan hơn. Do vậy, cơ quan báo chí chính là một trong những kênh quan trọng nhằm giúp người dân tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và chính xác nhất. Thêm vào đó, Thụy Điển cũng thiết lập một trang báo riêng là openaid.se - được xây dựng trên cơ sở dữ liệu chính phủ mở[19]. Đây có thể là một cổng thông tin kết nối người dân với Chính phủ, tại đó, Chính phủ có trách nhiệm công khai minh bạch các dữ liệu chính thức, người dân, các tổ chức trong xã hội có quyền truy cập và tiếp cận nguồn thông tin đó. Sự đảm bảo luôn hướng đến sự tối đa, cũng từ hoạt động này, mỗi người dân sẽ có thể giám sát và kiểm tra các hoạt động của Chính phủ từ đó nâng cao kiến thức bảo vệ quyền lợi cho bản thân mình.

Cùng với đó, mặc dù Thụy Điển có đạo luật về quyền tư do ngôn luận, quyền tự do báo chí nhưng trên thực tế việc áp dụng các quy tắc đạo đức để điều chỉnh hành vi của phóng viên diễn ra phổ biến hơn. Các cơ quan báo chí ở Thụy Điển luôn ngăn ngừa việc sử dụng báo chí nhằm lạm dụng các quyền tự do được Hiến pháp đảm bảo. Vì vậy, năm 1916, Hội đồng báo chí Thụy Điển được thành lập bởi Câu lạc bộ báo chí quốc gia; Hội các nhà xuất bản, báo, tạp chí (đại diện cho giới chủ báo) và Hội Nhà báo Thụy Điển (tổ chức công đoàn của các nhà báo). Ngay khi Hội đồng báo chí ra đời, câu lạc bộ báo chí quốc gia đã thông qua bản Quy ước đạo đức nhà báo lần đầu tiên vào năm 1923. Sau nhiều lần bổ sung, Bản Quy ước hiện nay được thông qua năm 1997 và đã được các nhà báo, các nhà xuất bản và các hãng phát thanh, truyền hình ở Thụy Điển tán thành. Bản Quy ước này gồm các phần: quy ước đạo đức đối với báo chí, phát thanh truyền hình; các quy định về phổ biến thông tin (cung cấp thông tin chính xác, độ lượng trước việc phản bác, tôn trọng chuyện riêng tư của cá nhân, thận trọng trong việc sử dụng hình ảnh, lắng nghe từng bên, thận trọng khi đăng tải tên). Bản Quy ước nhằm duy trì những tiêu chuẩn đạo đức cao cả nói chung, đặc biệt nhằm bảo vệ sự toàn vẹn của cá nhân chống lại việc xâm phạm vào đời sống riêng tư, bôi nhọ hoặc tuyên truyền gây tổn thương khác. Qua đó, ngoài những quy định pháp luật, các cơ quan báo chí tại Thụy Điển đưa ra những tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, giúp đảm bảo quyền tự do ngôn luận của công dân được thực hiện một cách đầy đủ, chính xác và toàn diện.

2.3. Trách nhiệm đảm bảo quyền tự do ngôn luận của cơ quan báo chí theo quy định pháp luật của Mỹ

Khi nhắc tới Mỹ, người ta nghĩ ngay một đất nước tiến bộ, nơi mà sự tự do, công bằng được ưu tiên hàng đầu thì pháp luật Mỹ cũng đặt ra các quy định nhằm bảo đảm quyền tự do ngôn luận được thực hiện trên thực tế. Quyền tự do ngôn luận được coi như là một trong những giá trị truyền thống của nền dân chủ Mỹ. Chính vì vậy, quyền này đã được ghi nhận và bảo vệ trong Tu chính án thứ nhất (First Amendment) của Hiến pháp Mỹ. Theo đó, Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do ngôn luận thông qua việc ấn định nghĩa vụ của Nhà nước phải bảo vệ quyền này: “Quốc hội không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, tự do báo chí và quyền của dân chúng được hội họp và kiến nghị chính phủ được sửa chữa những điều gây bất bình[20]. Theo quy định này, Mỹ nhìn nhận quyền tự do ngôn luận như một giá trị hiến định không thể xâm phạm và không thể bị hạn chế bởi bất cứ đạo luật nào.

Cùng với đó, theo Hiến pháp Mỹ, chính phủ không nắm hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả báo chí mà giao cho tư nhân để đảm bảo quyền tự do ngôn luận. Do vậy, các cơ quan báo chí tại Mỹ được chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, chức năng của mình. Cơ quan báo chí có trách nhiệm đảm bảo công dân thực hiện đầy đủ quyền tự do ngôn luận của mình. Hơn nữa, với việc không có một đạo luật nào ngăn cản quyền tự do ngôn luận của công dân, cơ quan báo chí có trách nhiệm phải đăng tải, phát hành những quan điểm, ý kiến hay suy nghĩa công dân một cách đầy đủ về mọi mặt như chính trị, kinh tế, xã hội. Không những vậy, với một đầt nước luôn đề cao dân chủ, những quan điểm về chính trị luôn được các cơ quan báo chí đặc biệt quan tâm, đảm bảo cho người dân có thể thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình. Mặc dù dân chủ và tự do như vậy nhưng các cơ quan báo chí cũng cần phải tuân thủ theo quy tắc nghề nghiệp nhất định. Theo đó, các nhà báo hoạt động nghề nghiệp phải tuân theo Quy tắc Báo chí (do Hội các Chủ bút nước Mỹ quy định) và Quy tắc về Vô tuyến truyền hình (thông qua từ ngày 09/6/1958). Quy tắc Báo chí Mỹ thể hiện “lý thuyết trách nhiệm xã hội của báo chí” gồm 7 yêu cầu hoạt động nghề nghiệp là: 1/Trách nhiệm; 2/Tự do báo chí; 3/Sự độc lập; 4/Lòng thành, sự xác thật, đúng đắn; 5/Sự vô tư; 6/Bảo đảm tôn trọng thanh danh; 7/Giữ thuần phong, mỹ tục. Qua đó, có thể thấy, cơ quan báo có trách nhiệm cao cả trong việc đảm bảo quyền tự do ngôn luận của công dân, giúp công dân tại Mỹ có thể bảy tỏ, thể hiện quan điểm của mình một cách đầy đủ, tự do nhưng vẫn phù hợp với xã hội, với quy định của pháp luật.

  Qua nghiên cứu kinh nghiệm của 3 quốc gia trên, có thể nhận thấy, cả 3 quốc gia này đều đề cao vai trò của cơ quan báo chí trong việc đảm bảo quyền tự do ngôn luận của công dân. Trong đó, Singapore là quốc gia có những quy định chặt chẽ trong việc kiểm soát, kiểm duyệt những quan điểm, ý kiến của công dân thông qua báo chí. Do vậy, các cơ quan báo chí chính là cầu nối quan trọng giữa công dân với nhà nước, vừa đảm bảo quyền tự do ngôn luận của công dân được thực hiện đầy đủ, vừa giúp cho nhà nước kiểm soát quyền tự do ngôn luận không vượt quá giới hạn. Mỹ và Thụy Điển có những quy định cởi mở hơn trong việc thể hiện quyền tự do ngôn luận trên báo chí. Chính vì vậy, các cơ quan báo chí với những quy tắc riêng nghề nghiệp của mình (Quy tắc Báo chí tại Mỹ và Quy ước đạo đức nhà báo tại Thụy Điển) là những công cụ quan trọng trong viẹc đảm bảo quyền tự do ngôn luận của công dân cũng như kiểm soát những nội dung trong quan điểm, ý kiến của công dân không xâm phạm lợi ích của nhà nước, xã hội, cá nhân.

3. Một số đề xuất kinh nghiệm góp ý cho Việt Nam

Trên cơ sở nghiên cứu các quy định của pháp luật Việt Nam và tham khảo về sự ghi nhận các trách nhiệm đảm bảo quyền tự do ngôn luận của cơ quan báo chí theo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, có thể rút ra đề xuất kinh nghiệm mà Việt Nam có thể tham khảo, về vấn đề trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong việc thể hiện các ý kiến, quan điểm của người dân trên báo chí. Cụ thể:

Mặc dù quyền tự do ngôn luận là một quyền cơ bản, tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng, quyền tự do ngôn luận không phải là một quyền tuyệt đối[21]. Do vậy, việc đặt ra những trường hợp hạn chế quyền tự do ngôn luận là cần thiết. Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại lựa chọn những cách ứng xử khác nhau đối với việc đưa ra những quy định liên quan đến trách nhiệm của cơ quan báo chí trong việc hạn chế quyền tự do ngôn luận của công dân.

Singapore là quốc gia hướng đến sự quản lý chặt chẽ của nhà nước đối với hoạt động của cơ quan báo chí. Trong đạo luật báo chí, chủ thể có quyền kiểm duyệt nội dung các bài báo trước khi in ấn chính là Bộ trưởng. Các cơ quan báo chí có nhiệm vụ chính là biên tập nội dung nhằm đảm bảo những ý kiến, quan điểm của công dân được phát đi một cách chính xác nhất. Còn việc có được đăng tải hay không sẽ được các Bộ trưởng kiểm soát, đảm bảo quyền tự do ngôn luận của công dân không vượt quá giới hạn.

Mỹ là một quốc gia đề cao sự dân chủ, tự do nên quyền tự do ngôn luận của công dân là vấn đề được quan tâm đặc biệt. Nhà nước hoàn toàn không nắm hệ thống phương tiện truyền thông mà giao cho tư nhân thực hiện việc đó. Cùng với đó, Hiến pháp Mỹ quy định không được bất cứ đạo luật nào ngăn cản quyền tự do ngôn luận của công dân. Chính vì vậy, cơ quan báo chí có trách nhiệm đăng tải những quan điểm, ý kiến của người dân một cách đầy đủ, chính xác nhất. Mặc dù vậy, với những quy tắc nghề nghiệp của mình, cơ quan báo chí cần phải có trách nhiệm đảm bảo quyền tự do ngôn luận của công dân phải không vượt quá các giới hạn.

Tương tự như Mỹ, Thụy Điển cũng là quốc gia có những quy định cởi mở nhằm đảm bảo quyền tự do ngôn luận. Cơ quan báo chí có trách nhiệm đăng tải những quan điểm, ý kiến của công dân mà không được phép kiểm duyệt trước. Cùng với đó, Thụy Điển còn có những công thông tin mở nhằm giúp cho người dân có thể tiếp cận thông tin một cách toàn diện, chính xác nhất. Tuy nhiên, với Bản Quy ước nhà báo, các cơ quan báo chí tại Thụy Điển phải thận trọng trước khi xuất bản nhằm ngăn ngừa việc người dân lạm dụng quyền tự do ngôn luận xâm phạm lợi ích của cá nhân, nhà nước và xã hội.

Ở Việt Nam, nhà nước Việt Nam luôn cam kết đảm bảo và thúc đẩy thụ hưởng các quyền cơ bản, trong đó có quyền báo chí, tự do ngôn luận, vì vậy ngay từ đầu, Việt Nam đã cam kết không thực hiện hoạt động kiểm duyệt báo chí như Singapore[22] và ghi nhận quyền tự do ngôn luận là quyền cơ bản, các cơ quan báo chí có trách nhiệm đảm bảo quyền tự do ngôn luận cho công dân Việt Nam, mặc dù vậy, quyền này vẫn có thể bị hạn chế trong những trường hợp đã được liệt kê tại Điều 9 của Luật Báo chí năm 2016. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm các nước có thể thấy, việc làm luật theo hình thức liệt kê như vậy sẽ rất dễ bị thiếu sót, chưa kể với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế, sự thay đổi của các quan hệ xã hội, có thể sẽ phát sinh thêm những trường hợp khác mà Luật không thể dự liệu được. Do đó, từ kinh nghiệm của các nước đã nghiên cứu, Việt Nam có thể ghi nhận sự cam kết trách nhiệm của các cơ quan báo chí dưới hình thức là các “Quy tắc xử sự của các cơ quan báo chí” hoặc “Quy tắc đạo đức nghề nghiệp”- để tạo ra những công cụ quan trọng trong việc đảm bảo thể hiện quyền tự do ngôn luận của công dân cũng như kiểm soát những nội dung trong quan điểm, ý kiến của công dân không xâm phạm lợi ích của nhà nước, xã hội, cá nhân.

Kết luận

Tự do ngôn luận và tự do báo chí là vấn đề toàn cầu và được quan tâm ở tất cả các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Trách nhiệm của báo chí trong việc đảm bảo quyền tự do ý chí, tự do ngôn luận của công dân Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập ra nên cách mạng báo chí Việt Nam thể hiện một cách rất giản dị và sâu sắc như sau: “chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là quyền lợi mà cũng là nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hoá ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải là chân lý[23].

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Công ước quốc tế về Quyền dân sự chính trị (ICCPR).
  2. Hiến pháp Việt Nam năm 2013.
  3. Luật Báo chí 2016.
  4. Hiến pháp Vương Quốc Thuỵ Điển.
  5. Luật tự do báo chí năm 1949 của Thụy Điển.
  6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.
  7. Vũ Công Giao, Nguyễn Đình Đức (2018), “Chống phát ngôn thù ghét, phỉ bang trên Internet ở Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và những giá trị tham khảo cho VIệt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 17 (369), tháng 9/2018.


[1] GV. Bộ môn Luật Hiến pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội.

[2] GV. Bộ môn Luật Hiến pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội.

[3] Sinh viên K44 Trường Đại học Luật Hà Nội.

[4] Điểm c khoản 2 Điều 4 Luật Báo chí năm 2016.

[5] Xem Điều 12 Luật Báo chí năm 2016.

[6] Xem Điều 13, Luật Báo chí năm 2016.

[15] Reporters Without Borders Index.

[16] Mega Story, Thụy Điển, Báo Vietnamplus https://special.vietnamplus.vn/2018/09/06/sweden/, truy cập ngày 30/5/2023.

[17] Trường Đại học Luật Hà Nội, Hiến pháp Vương quốc Thụy Điển, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2010.

[18] Điều 2 Chương I Luật Tự do báo chí năm 1949 của Thụy Điển.

[19]https://openaid.se/en , truy cập ngày 04/6/2023.

[20] Vũ Công Giao, Nguyễn Đình Đức (2018), “Chống phát ngôn thù ghét, phỉ bang trên Internet ở Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và những giá trị tham khảo cho VIệt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 17(369), tháng 9/2018.

[21] Khoản 3. Điều 19 của ICCPR: “Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để:

a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác,

b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội”.

[22] Xem Điều 13 Luật Báo chí năm 2016.

[23] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 216.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO