Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ban hành chỉ thị về việc thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2025.
Việc này nhằm giải quyết những bất cập, hạn chế trong công tác cải cách hành chính thời gian qua như: ban hành văn bản còn chậm, giải quyết hồ sơ còn hạn chế, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trễ hạn ngày càng được cải thiện nhưng số lượng tuyệt đối còn khá lớn, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chậm ứng dựng công nghệ thông tin, bộ máy hành chính chưa được tinh gọn kịp thời…
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký ban hành chỉ thị về việc thực hiện hiệu quả cải cách hành chính giai đoạn 2022 - 2025. sỹ đông |
Tập trung các giải pháp cải cách hành chánh
Để tạo bước đột phá mạnh mẽ và vượt trội trong công tác cải cách hành chính, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện tập trung các giải pháp cải cách hành chính để nâng cao chất lượng quản lý, điều hành.
TP.HCM thống nhất quan điểm đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho sự phát triển với phương châm “đã nói phải làm”, giải quyết dứt điểm, chất lượng, đúng tiến độ.
Người đứng đầu phải thể hiện vai trò nêu gương và chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo thống nhất việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính trong phạm vi quản lý của mình.
UBND TP.HCM yêu cầu đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đảm bảo 100% cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm đã được phê duyệt. Đặc biệt chú trọng thực hiện chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, tập trung tinh giản biên chế.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải chủ động trong công tác phối hợp, tham mưu UBND TP.HCM giải quyết hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp. Cơ quan, đơn vị nào chậm trễ thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP.HCM.
TP.HCM đặt mục tiêu 25 - 35% lãnh đạo đủ chuẩn làm việc trong môi trường quốc tế trong giai đoạn 2022 - 2025. Nguyên vũ |
Các đơn vị phải quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng nói chung và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cải cách hành chính, đối ngoại, hội nhập quốc tế nói riêng.
“Phấn đấu có 25 - 35% cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh như hiện nay”, chỉ thị nêu rõ.
Nghị quyết số 26-NQ/TƯ ngày 19.5.2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã nêu rõ: Cán bộ có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế là yêu cầu bắt buộc đối với đội ngũ cán bộ các cấp đến năm 2030.