Toàn cảnh vụ rò rỉ nghiên cứu nội bộ của Facebook với sức khỏe thanh thiếu niên

14/10/2021, 10:26

Rủi ro của Instagram không chỉ đến từ độ phổ biến của mạng xã hội này mà còn từ chính các tính năng của nó.

Facebook, mạng xã hội lớn nhất hành tinh với hơn 2 tỷ người dùng gần đây đang phải đối mặt với một làn sóng tẩy chay dữ dội. Mọi chuyện bắt đầu từ giữa tháng 9, khi Tạp chí Phố Wall đăng tải một loạt bài điều tra dựa trên những bằng chứng cung cấp bởi Frances Haugen, cựu nhân viên cấp cao tại Facebook.

Haugen cho biết cô đang nắm giữ hơn 10.000 tài liệu trong đó có các nghiên cứu nội bộ cho thấy Facebook hiểu rõ nền tảng của mình gây ảnh hưởng tiêu cực thế nào đến giới trẻ, đặc biệt là những cô gái tuổi teen sử dụng Instagram - mạng xã hội chia sẻ hình ảnh mà Facebook đang sở hữu.

Frances Haugen nói chuyện với Scott Pelley của đài CBS trong chương trình 60 Minutes, về các nghiên cứu nội bộ của Facebook mà cô đã công bố.

Việc nhìn thấy hình ảnh hoàn hảo (dù biết chúng đã qua chỉnh sửa) của những người dùng Instagram khác đang khiến một tỷ lệ lớn thanh thiếu niên cảm thấy lo âu và trầm cảm vì tự ti với bản thân mình."Chúng ta [Instagram] đang khiến một phần ba số trẻ em gái trong độ tuổi teen nhận thức tồi tệ hơn về hình ảnh bản thân", một trong số các tài liệu rò rỉ viết.

Nghiên cứu nội bộ do Haugen tiết lộ cũng cho thấy trong số những thanh thiếu niên có ý định tự tử, 13% người dùng ở Anh và 6% người dùng ở Mỹ nảy sinh ý nghĩ tự tử sau khi xem các nội dung trên Instagram.

Mặc dù vậy, Facebook vẫn coi người dùng tuổi teen là một nguồn thu khổng lồ tiềm năng và lập hẳn một đội ngũ chuyên biệt để khai thác nhóm đối tượng này.

Khi mạng xã hội lên ngôi, sức khỏe tinh thần giới trẻ lại giảm xuống

Facebook không phải những người duy nhất nhận thấy các nền tảng mạng xã hội của mình có thể ảnh hưởng tiêu cực tới thanh thiếu niên. Từ lâu, nhiều nghiên cứu quan sát được thực hiện tại Mỹ và Châu Âu đã chỉ ra cột mốc bùng nổ của mạng xã hội trùng khớp với khoảng thời gian mà sức khỏe tinh thần của giới trẻ bắt đầu suy thoái.

Thống kê của cơ quan nhà nước Mỹ cho thấy từ năm 2010 đến năm 2019, tỷ lệ trầm cảm và cô đơn đã tăng gấp đôi ở Mỹ cũng như trên toàn cầu. Tỷ lệ thanh thiếu niên tự tử cũng tăng vọt và tỷ lệ nhập viện cấp cứu vì tự làm hại bản thân cũng tăng gấp 3 lần trong số trẻ em gái từ 10-14 tuổi ở Mỹ.

Một nghiên cứu ở Anh vào năm 2018 tiết lộ những thực trạng tương tự. Theo đó, cứ 4 nữ sinh trên 15 tuổi thì có 1 em dành hơn 5 tiếng mỗi ngày sử dụng mạng xã hội. Thời gian sử dụng quá nhiều khiến tỷ lệ trầm cảm lâm sàng trong nhóm này tăng tới 38%, so với con số 15% ở nhóm chỉ sử dụng mạng xã hội dưới 1 tiếng mỗi ngày.

Các nhà khoa học xã hội đã liên tục cảnh báo sự phổ biến của mạng xã hội có thể là nguồn cơn gây ra cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, nhà sáng lập và giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đã phủ nhận điều đó trong cuộc điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng 3. "Tôi không nghĩ các nghiên cứu có thể đưa ra được kết luận đó", Mark nói.

Tuyên bố này bây giờ được cho là mâu thuẫn với chính những nghiên cứu nội bộ của Facebook mới bị rò rỉ. Nó cho thấy công ty này đã thực hiện các nghiên cứu của riêng mình trong nhiều năm để tìm hiểu tác động tiêu cực của Instagram nói riêng và mạng xã hội nói chung đến sức khỏe thanh thiếu niên.

Tạp chí Phố Wall tháng trước đã công bố 209 trang từ 6 tài liệu được cung cấp bởi Frances Haugen, cựu nhân viên cao cấp của Facebook. Trong đó có các nghiên cứu đưa ra kết luận rõ ràng nền tảng mạng xã hội này gây hại cho thanh thiếu niên tuổi teen, và cần phải có các thay đổi chính sách như giới hạn thời gian và độ tuổi dùng mạng xã hội để giảm thiểu những tác hại này.

Tuy nhiên, Facebook được cho là đã cố tình che giấu những phát hiện bất lợi cho mình và tiếp tục hoạt động kinh doanh như bình thường. Điều này khiến nhiều người so sánh gã khổng lồ công nghệ giống với những công ty thuốc lá trong thập niên 1950, những người cũng đã phớt lờ và cố tình che giấu nhiều nghiên cứu chỉ ra tác hại trong sản phẩm của mình vì lợi nhuận.

Instagram và cơ chế ảnh hưởng tới tâm lý trẻ vị thành niên

Các nhà nghiên cứu cho biết rủi ro của Instagram không chỉ đến từ độ phổ biến của mạng xã hội này mà còn từ chính các tính năng của nó. Đầu tiên, Instagram cho phép người dùng theo dõi cả những người nổi tiếng và bạn cùng trang lứa của mình.

Cả hai đối tượng này đều có thể đăng lên đó những bức ảnh được chỉnh sửa và áp dụng các bộ lọc để tạo ra những ấn tượng phi thực tế. Đối với thanh thiếu niên, sự tích hợp liền mạch giữa người nổi tiếng và phiên bản chỉnh sửa của bạn đồng trang lứa đã tạo ra môi trường chín muồi cho tâm lý so sánh xã hội xuất hiện, cuối cùng dẫn tới tự ti với chính bản thân mình.

"Họ nhìn thấy rất nhiều hình ảnh kiểu vậy trên mạng xã hội… và điều đó tạo ra những tiêu chuẩn của vẻ đẹp phi thực tế", Nina Roehl, một phóng viên của hãng truyền thông YR cho biết. 

Sau khi bị ấn tượng bởi các hình ảnh đó, họ sẽ tự nhủ bản thân"Ồ, đó là diện mạo mà tôi nên cố gắng để đạt được, vì tôi thấy những người này đang nhận được rất nhiều lượt thích và bình luận chứng tỏ mọi người cũng xác nhận điều đó".

Vốn là bản chất của con người, sự so sánh chính mình với người khác là không thể tránh khỏi và nó còn giúp chúng ta biết cách hòa nhập với cuộc sống. Tuy nhiên, tần suất các tấm ảnh xuất hiện Instagram đến quá nhiều từ người nổi tiếng và độ chỉnh sửa bóp méo thực tế đến quá đà sẽ gây ra những so sánh sai lầm.

Điều này ảnh hưởng mạnh mẽ tới tâm lý thanh thiếu niên, những đối tượng vốn đã dễ bị tổn thương. Ngay cả khi họ biết đó là những tấm ảnh đã được chỉnh sửa và người khác chỉ đang trưng lên mạng xã hội những góc cạnh tuyệt vời nhất trong cuộc sống của mình, thì tâm lý so sánh và tự ti vẫn không hề suy giảm.

"Đối với một bộ phận thanh thiếu niên nhất định, việc tiếp xúc với các nội dung này có thể liên quan đến việc tự ti với cơ thể hoặc làm nảy sinh lo lắng về hình ảnh cơ thể mình", Megan Moreno, điều tra viên chính của Nhóm Nghiên cứu Truyền thông Xã hội và Sức khỏe Vị thành niên tại Đại học Wisconsin cho biết.

Điều đó có nghĩa là vẫn có những nhóm đối tượng khác. Facebook cho biết các nghiên cứu mà họ thực hiện cho thấy một bộ phận người dùng Instagram rõ ràng đã cảm thấy tự tin và yêu quý bản thân mình hơn khi tham gia mạng xã hội này.

Moreno không phủ nhận, nhưng cô nói đó là nhóm những người đã vốn có sự tự tin vào cơ thể mình theo nhiều cách, có thể họ là người có thân hình đẹp, được nhiều người công nhận, những người giàu có với cuộc sống mà nhiều người mơ ước.

Còn những đứa trẻ có lòng tự trọng thấp vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi tác động tiêu cực từ mạng xã hội. "Người giàu bây giờ đang ngày càng giàu hơn, và người nghèo thì ngày càng nghèo đi", Moreno nói. Bởi vậy, lập luận của Facebook rõ ràng không cho thấy họ đang quan tâm đến lợi ích của tất cả người dùng.

Bạn có thể nghiện mạng xã hội, nhưng Facebook thích điều đó

Đứng trước làn sóng chỉ trích gay gắt, Mark Zuckerberg cuối cùng đã phải đích thân lên tiếng phản hồi về vụ bê bối này. Trong một bức thư ngỏ gửi cho nhân viên vào tuần trước, Zuckerberg đã hạ thấp những lo ngại mà người tố giác Frances Haugen đưa ra, đồng thời phản bác lại những cáo buộc của cô với lý lẽ rằng nghiên cứu của Facebook đã bị mọi người hiểu sai.

"Giả sử chúng ta có một cuộc trò chuyện với đầy đủ thông tin về tác động của mạng xã hội đối với giới trẻ, thì điều quan trọng là phải bắt đầu với một bức tranh toàn cảnh. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục thực hiện thêm các nghiên cứu nội bộ và công bố công khai nhiều nghiên cứu về chủ đề này hơn nữa", Zuckerberg viết.

Neil Potts, phó chủ tịch phụ trách vấn đề bảo mật và tin cậy của Facebook cũng góp thêm tiếng nói: "Chúng tôi nhận ra vấn đề và chúng tôi sẽ sử dụng các nghiên cứu đó để cố gắng thu hẹp khoảng cách. Đó là lý do tại sao chúng tôi tự mình thực hiện những nghiên cứu này".

Tuy nhiên, trong một cuộc điều trần mới trước Quốc hội Mỹ tuần trước, các nhà làm luật tiếp tục đổ lỗi cho Facebook, nói rằng công ty này chỉ tập trung vào lợi nhuận thay vì nỗ lực tạo ra những sản phẩm an toàn hơn cho trẻ em.

Thượng nghị sỹ Richard Blumenthal nói rằng Facebook "đã chọn tốc độ tăng trưởng thay vì sức khỏe tinh thần và lợi ích của trẻ em".

Tài liệu rò rỉ được tiết lộ trên Tạp chí Phố Wall còn cho thấy Facebook đã lập một nhóm đặc biệt chỉ để nghiên cứu trẻ em và cách mà nền tảng của mình có thể kiếm tiền từ đối tượng này. Trẻ em trong độ tuổi từ 10-12 "là một đối tượng người dùng có giá trị nhưng chưa được khai thác", một trong số các tài liệu viết.

Một tài liệu khác cho thấy Facebook biết có những trẻ em"truy cập internet ngay từ khi mới 6 tuổi". Do đó, "hãy tưởng tượng chúng ta có một trải nghiệm Facebook được thiết kế riêng cho trẻ em".

Facebook Kids thì chúng ta chưa thấy, nhưng Facebook đã tung ra Messenger Kids và đang phát triển thêm Instagram Kids cho nhóm đối tượng dưới 13 tuổi. Tuy nhiên vào tuần trước, công ty cho biết dự án đã tạm dừng. Nguyên nhân có lẽ chính bởi bởi làn sóng chỉ trích quá lớn từ vụ bê bối tài liệu rò rỉ lần này.

Adam Mosseri, người đứng đầu Instagram nói rằng họ sẽ cố gắng tiếp thu tất cả những ý kiến từ phía người dùng, phụ huynh và chuyên gia để phát triển một nền tảng tốt nhất và an toàn cho thanh thiếu niên và trẻ nhỏ.

Mặc dù vậy, chúng ta không chắc Instagram sẽ lắng nghe tới mức độ nào. Chẳng hạn như trong chính ứng dụng Instagram cho người dùng phổ thông, khảo sát nội bộ của Facebook cho thấy điều mà thanh thiếu niên phàn nàn nhất về ứng dụng này chính là việc họ bị nghiện nó.

Một trong số các tài liệu rò rỉ viết: "Họ ước mình có thể dành ít thời gian hơn để quan tâm đến nó [Instagram] nhưng họ không thể tự mình làm điều này". Một phần ba số thanh thiếu niên tham gia vào nghiên cứu đề nghị Instagram nên hiển thị những thông báo nhắc nhở họ nghỉ ngơi hoặc khuyến khích họ thoát khỏi ứng dụng.

Dĩ nhiên, đến giờ phút này chúng ta vẫn chưa thấy tính năng này xuất hiện trên Instagram và cả Facebook. Đó là bởi mô hình kinh doanh của họ đang được thiết kế với mục đích tối ưu hóa, giữ chân người dùng trên nền tảng của mình và tăng cơ hội hiển thị quảng cáo.

"Đã rất nhiều lần rồi, Facebook cho thấy họ luôn chọn lợi nhuận hơn là an toàn", Haugen nói. "Tôikhông tin rằng họ thực sự sẵn sàng đầu tư những gì cần thiết để giữ cho Facebook không trở thành mối đe dọa".

(Theo Pháp luật & Bạn đọc, Theverge, Theconversation, NPR)

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO