Kết nối thông tin là một trong những nhu cầu cấp bách của xã hội trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Người dân cần duy trì kết nối với người nhà, bác sĩ... Người yếu thế cần kết nối với mạnh thường quân để nhận hỗ trợ. Chính quyền cần giữ liên lạc thường xuyên với người dân để nắm bắt tình hình. Quan trọng hơn, việc kết nối thông tin liên ngành để chống dịch hiệu quả cần tránh chồng chéo, gây bối rối cho người dùng.
Để hiểu rõ hơn về quá trình ứng dụng công nghệ trong việc đảm bảo thông tin không bị đứt gãy, VnExpress tổ chức tọa đàm trực tuyến CTO Talks số 21, diễn ra từ 10h ngày 24/8, với chủ đề "Kết nối trong đại dịch".
Chương trình có sự tham gia của bốn diễn giả: ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông; ông Nguyễn Trường Nam - Phó Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Y tế; ông Vòng Thanh Cường - CEO Kompa Group và ông Nguyễn Đình Quân - Kỹ sư quản lý dự án, Tập đoàn Thyssenkrupp Industrial Solution AG (Đức).
Ông Nguyễn Huy Dũng đã công tác 14 năm tại Bộ Thông tin & Truyền thông (trước là Bộ Bưu chính Viễn thông). Ông lần lượt trải qua các vị trí từ chuyên viên, Phó trưởng phòng, Trưởng phòng, Thư ký lãnh đạo Bộ, Phó cục trưởng An toàn thông tin, Cục trưởng An toàn thông tin và gần nhất là Cục trưởng Tin học hoá. Năm 2020, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông.
Ông Nguyễn Huy Dũng từng tham gia nghiên cứu, tham mưu, chủ trì biên tập và tổ chức triển khai các văn bản chỉ đạo của Đảng, hoàn thiện hành lang pháp lý, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, an ninh mạng của Việt Nam, trong đó tiêu biểu là Luật An toàn thông tin mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Ông cũng tham mưu, chủ trì biên tập và tổ chức triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Diễn giả thứ hai trong CTO Talks số 21 là ông Nguyễn Trường Nam - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin - Bộ Y tế. Ông Nam cùng các thành viên của Cục công nghệ Thông tin đã có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình chuyển đổi số ngành y tế, giúp việc khám, chữa bệnh và tiếp cận dịch vụ y tế của người dân được thuận tiện hơn.
Trong thời gian dịch bệnh, Cục Công nghệ Thông tin phối hợp với các cơ quan liên ngành xây dựng các nền tảng khai báo y tế toàn quốc và phát triển các ứng dụng giúp kiểm soát dịch bệnh.
Cùng thảo luận với ông Dũng và ông Nam là ông Vòng Thanh Cường - CEO Kompa Group. Năm 2006, ông Cường thành lập mạng xã hội thuần Việt đầu tiên mang tên Yobanbe. Hai năm sau, ông trở thành đồng sáng lập, kiêm CEO của Boomerang Social Listening Consultant - Công ty chuyên về giải pháp lắng nghe thông tin mạng xã hội (Social Listening). Năm 2018, ông Cường quay về Thung lũng Silicon, khởi nghiệp với Kompa Group, chuyên về Big Data để phân tích ứng dụng trong các ngành khác nhau, từ marketing cho đến tài chính, sản xuất...
Từ những ngày đầu của đại dịch Covid-19, ông Vòng Thanh Cường và các kỹ sư của Kompa Group đã xây dựng trang web về virus corona, dùng AI để phát hiện tin giả, nhằm cung cấp cho người dân thông tin kịp thời và chính xác về dịch bệnh. Ông cũng tham gia phát triển dự án Giúp tôi! - nền tảng kết nối người dân với chuyên gia, bác sĩ để được tư vấn miễn phí về Covid-19 hay các chuyên khoa xương khớp, hô hấp, nội tiết... Hiện nền tảng có thể xử lý khoảng 300.000 yêu cầu mỗi ngày.
Khách mời thứ tư của toạ đàm "Kết nối trong đại dịch" là ông Nguyễn Đình Quân - kỹ sư quản lý thiết kế các dự án công nghiệp nặng tại Tập đoàn Thyssenkrupp Industrial Solution AG của Đức. Trước đó, ông từng giữ chức Trưởng phòng kỹ thuật của công ty Polysius Vietnam.
Ông Quân cũng là "cây bút" quen thuộc trên mục Góc nhìn của VnExpress với những bài viết liên quan đến kết nối, phòng chống dịch bệnh và ổn định kinh tế, xã hội trong đại dịch Covid-19.
Độc giả có thể đặt câu hỏi cho các diễn giả trong phần bình luận.
Khương Nha