Tuy nhiên, để giảm sự chênh lệch giữa khu vực thành thị và nông thôn, Mobile Money cần sớm được đưa vào triển khai. Đây cũng có thể là kênh thanh toán hiệu quả trong việc chi trả tiền hỗ trợ cho người dân ở vùng sâu, vùng xa.
* Còn nhiều dư địa
Nhiều tháng nay, gia đình chị Bích Hạnh ở quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh đã trở nên quen thuộc hơn với thói quen mua sắm, thanh toán trực tuyến và giao hàng tận nhà để phòng ngừa dịch COVID-19. Nhiều lúc bận công việc hoặc con nhỏ, chị Hạnh cũng không lo phải chạy ra thanh toán tiền mặt và lấy hàng mà có thể nhờ bảo vệ chung cư nhận giúp.
Theo chị Hạnh, việc mua sắm, thanh toán trực tuyến giúp những người bận rộn như chị có thể tiết kiệm thời gian, hạn chế được rủi ro lây lan dịch bệnh so với thanh toán bằng tiền mặt. Thêm vào đó, việc thanh toán không tiền mặt còn thuận tiện hơn trong khi phải trả các khoản lớn hoặc số tiền lẻ...
Mặt khác, “trong bối cảnh dịch bệnh, các đơn vị thanh toán thường triển khai nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn như: miễn giảm phí thanh toán, hoàn tiền khi mua sắm, khuyến mãi giảm giá với các đối tác liên kết… để đồng hành với khách hàng. Điều này giúp chúng tôi tiết kiệm được chi phí đáng kể khi mua sắm trực tuyến”, chị Thuận Hải, ở thành phố Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ.
Ngoài việc mua sắm trực tuyến, các dịch vụ thanh toán tiền điện, tiền nước, cước viễn thông hay ngay cả viện phí... đều được nhiều người dân ở Tp. Hồ Chí Minh thực hiện thanh toán chủ yếu qua chuyển khoản ngân hàng, ví điện tử... Điều này giúp hạn chế tiếp xúc tiền mặt cũng như nguy cơ lây lan dịch ngoài cộng đồng.
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đầu năm 2020 đến nay, số lượng và giá trị giao dịch qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đều tăng mạnh so với trước đó. Tính riêng nửa đầu năm 2021, thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng từ 30-40% về số lượng và tăng từ 70-80% về giá trị.
Dù tăng mạnh, song không thể phủ nhận thanh toán tiền mặt vẫn còn khá phổ biến ở Việt Nam do thói quen tiêu dùng cũng như mức độ bao phủ thanh toán chưa tới được khu vực nông thôn, vùng sâu.
Dẫn số liệu của FIS Global Payment, vị chuyên gia này cho biết, tại Việt Nam, phương thức trả tiền mặt trong thương mại điện tử vẫn đang chiếm cao nhất tới 28%, chuyển khoản là 26%, ví điện tử 21% và thẻ tín dụng là 14%. Trong khi đó, trung bình trên thế giới, thanh toán qua hình thức ví điện tử chiếm tỷ trọng lớn nhất đạt 44,5%, tiếp theo là thẻ tín dụng với 22,8%.
Việc sử dụng tiền mặt là phương thức thanh toán phổ biến tại Việt Nam được xem vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội cho các bên tham gia vào cuộc chơi này.
Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), dư địa cho thanh toán không tiền mặt còn nhiều. Số lượng tài khoản thanh toán tại Việt Nam hiện có khoảng trên 100 triệu tài khoản.
Nếu trừ trường hợp một cá nhân mở nhiều tài khoản thì con số vẫn là rất lớn. Dù vậy, việc mở tài khoản ngân hàng chỉ để rút tiền mặt qua ATM vẫn còn nhiều. Các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, tiểu thương, người dân mua hàng... vẫn chủ yếu chi trả tiền mặt.
Nhìn ở góc độ điểm chấp nhận thanh toán, ông Ngô Anh Tuấn, Giám đốc VNPAY cũng cho rằng, dư địa thị trường vẫn còn rất lớn. Nhiều dữ liệu cho thấy, số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh trên thị trường có từ 1,5-2 triệu điểm. Đây là cơ hội cho các ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán có thể khai thác trong thời gian tới.
* Mobile Money vẫn đang hoàn thiện thủ tục
Đầu tháng 3/2021, Chính phủ chính thức ban hành Quyết định 316/QĐ-TTg ngày 9/3/2021 phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).
Dự án này được kỳ vọng sẽ tăng tiếp cận và sử dụng dịch vụ chuyển tiền, thanh toán không dùng tiền mặt phục vụ nhu cầu cuộc sống của người dân. Nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi hệ thống tài chính ngân hàng chưa phát triển, người dân chưa hoặc không có khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
Viettel, VNPT và MobiFone là 3 nhà mạng đã gửi hồ sơ xin cấp phép thí điểm triển khai Mobile Money. Tuy nhiên, sau hơn 5 tháng ban hành quyết định, Mobile Money vẫn chưa được triển khai; trong đó, có nhiều nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài.
Tại cuộc toạ đàm về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt do Tập đoàn dữ liệu quốc tế (IDG) tổ chức mới đây, bà Phạm Minh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone cho biết, hiện MobiFone vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục và xin giấy phép để tung ra sản phẩm trong thời gian tới.
Mobile Money hướng tới thị trường khách hàng không có tài khoản ngân hàng, dựa trên đại lý rộng khắp tới vùng sâu vùng xa của công ty viễn thông và sẽ lấp đầy những khoảng trống mà ngân hàng chưa thâm nhập đến.
Theo bà Phạm Minh Tú, dư địa cho phát triển thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều, nhưng khá là "sỏi đá". Số lượng giao dịch không tiền mặt hiện tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị, còn ở nông thôn chiếm khoảng 60% dân số sẽ là dư địa còn lại để phát triển.
“Nếu khai thác được mảnh đất này sẽ tạo nên sự thay đổi, nâng cấp trong xã hội, giảm khoảng cách giữa khu vực thành thị và nông thôn. Người dân ở nông thôn có thể bán sản phẩm của mình thông qua các công cụ thanh toán, thương mại điện tử. Do đó, nếu khai thác tốt thị phần này, dư địa “sỏi đá” cũng trở nên rất màu mỡ”, bà Tú chia sẻ.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, Mobile Money không chỉ góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt mà có thể ứng dụng trong chuyển tiền hỗ trợ cho người dân. Điều này giúp tiết giảm chi phí, thời gian, tăng tính công khai, minh bạch, hạn chế thất thoát trong quá trình thực hiện hỗ trợ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, việc phát triển Mobile Money hay các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Điều quan trọng nhất hiện nay là cần thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân thông qua các chương trình giáo dục tài chính như là một trụ cột trong thực hiện chiến lược phát triển tài chính toàn diện.
Mặt khác, để thúc đẩy thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho kinh tế số, Chính phủ số; trong đó, có lĩnh vực tài chính – tiền tệ số.
Ngoài ra, cần tiếp tục nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, hạ tầng số tại các vùng xa xôi hẻo lánh, nâng cao nhận thức và tăng niềm tin của người tiêu dùng. Đồng thời, phát triển hệ thống ngân hàng mở, hệ sinh thái, trong đó cần có sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa ngân hàng thương mại – Fintech – Trung gian thanh toán…/.